Đối thoại cùng dân
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu – Đoàn TP Hà Nội nêu vấn đề tại buổi thảo luận ở hội trường về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Đại biểu cho rằng, sẽ là thiếu sót nếu chúng ta chưa nhìn nhận việc thiếu sâu sát, gần dân, lắng nghe dân và đối thoại với nhân dân của một bộ phận không nhỏ cán bộ là một trong những nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo vừa qua. Các báo cáo và chuyên đề nghiên cứu về vấn đề khiếu nại, tố cáo và an ninh nông thôn đều chỉ ra rằng, hầu hết các vụ việc phức tạp, điểm nóng đều phát sinh từ cơ sở.
“Việc trong dân xảy ra hàng ngày, có việc nhỏ, việc lớn. Từ việc bình thường đến việc bức xúc phức tạp, có những việc tạo thành điểm nóng. Vấn đề đặt ra là cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở có sâu sát gần dân, sớm nắm bắt các vấn đề trong dân, lắng nghe, chia sẻ, đối thoại với dân, cùng dân giải quyết các vấn đề của dân ngay từ cơ sở khi vụ việc mới manh nha hay không?!” - Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu nêu vấn đề, đồng thời nhấn mạnh:.
Đối thoại đã chính thức được quy định trong văn bản của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Đối thoại theo các quy định này là hình thức người có thẩm quyền ngồi với dân để giải quyết công việc của dân, giải thích, tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật, nghe dân nói, nói cho dân nghe, hòa giải, phòng ngừa từ xa các mắc míu, mâu thuẫn và điểm nóng trong nhân dân. Nghe sáng kiến của dân, giúp dân gần và tin dân, dân tin Đảng, chính quyền hơn. Củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, tạo sự đồng thuận chung để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.
Dẫn lại câu chuyện của ông Nguyễn Phú Cường - Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai cách đây đúng một tuần đã chủ trì buổi đối thoại với gần 300 tiểu thương ở chợ Sập (Biên Hòa). Sau vài giờ đối thoại nhiều chính sách pháp luật đã được giải thích, chia sẻ, nguyện vọng của tiểu thương được giải quyết, vụ việc cơ bản khép lại sau 11 năm dân khiếu nại. 300 tiểu thương đã hát vang "như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng" trước khi rời hội trường đối thoại.
“Xa hơn nữa, câu chuyện cựu Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi - Võ Văn Thưởng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa hay Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung, cùng lãnh đạo nhiều địa phương, ngành đã đối thoại với dân ở điểm nóng, vì thế đã hạ nhiệt. Có nhiều vụ việc được giải quyết dân dừng khiếu nại và tụ tập đông người. Đó là thành công của những vụ đối thoại ở những điểm nóng, điểm phức tạp”- Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu trao đổi.
Còn đối thoại với tư cách là phương pháp góp ý của dân đối với Đảng mà theo chúng tôi là đối thoại chủ động khi chưa có điểm nóng. Viện dẫn ví dụ ở thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu – cho biết: Khi Thành phố rà soát các điểm nóng, điểm phức tạp, điểm nổi cộm để tập trung chỉ đạo giải quyết thì phát hiện huyện Phúc Thọ hoàn toàn không có vụ việc nào, mặc dù từ những năm trước ở địa bàn này đã có những điểm nóng hết sức phức tạp.
Lý do được giải thích rất đơn giản, huyện Phúc Thọ đã tổ chức đối thoại với nhân dân từ nhiều năm trở lại đây. Từ năm 2014 người đứng đầu cấp ủy và bí thư của 23 xã, thị trấn và từ năm 2015 thêm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân 2 cấp đã đối thoại với nhân dân theo Quyết định 218.
“Đối thoại không chỉ góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội mà địa phương này là một trong 5 huyện khó khăn của thành phố đi sau, đi chậm về xây dựng nông thôn mới trong 18 huyện, thị nay đã có 20/22 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới và phấn đấu trở thành 1 trong 5 huyện được công nhận là nông thôn mới của thành phố. Đây là một minh chứng cho tác dụng và ý nghĩa của việc đối thoại” - Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu dẫn giải.
Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu: Cán bộ nhất là ở cơ sở không giữ gìn rèn luyện cũng khó ngồi đối thoại với dân |
Để các vụ việc không trở thành điểm nóng...
“Biết là vậy nhưng nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều cán bộ của ta nhất là ở cơ sở vẫn xa dân, không chịu lắng nghe dân, không đối thoại với dân làm dân thất vọng, bức xúc, nhiều vụ việc nhỏ trở thành to, trở thành phức tạp, trở thành điểm nóng” - Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu nói, đồng thời kiến nghị:
Thứ nhất, Chính phủ bổ sung nguyên nhân thiếu sâu sát, xa dân, không lắng nghe và đối thoại với dân là một trong các nguyên nhân chủ yếu của tình hình khiếu nại, tố cáo và báo cáo trình Quốc hội.
Thứ hai, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy Đảng nhất là người đứng đầu cấp ủy, huyện và xã phải thực hiện nghiêm quy định ban hành kèm theo Quyết định 218 về việc đối thoại với nhân dân.
Thứ ba, thực hiện nghiêm quy định về tiếp công dân của người đứng đầu các cơ quan hành chính, xử lý nghiêm cán bộ không thực hiện quy định tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, coi đây là một trong những nội dung công tác cần phải kiểm điểm trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ được giao và kiểm điểm đảng viên vào cuối năm.
Thứ tư, cần luật hóa sớm chính thức quy định trong các luật về thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, về trách nhiệm đối thoại của người đứng đầu chính quyền, nhất là Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã đối với dân định kỳ mỗi năm một lần.
Thứ năm, cần phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thực tiễn cho thấy Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội có vai trò hết sức quan trọng trong hòa giải cơ sở tham gia giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách để huy động hiệu quả nhất, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị, xã hội chung tay cùng Đảng, Chính phủ, Quốc hội giải quyết khiếu nại, tố cáo để làm tốt việc yên dân.