Theo đó, Huyện ủy Mỹ Đức đã ra quyết định thi hành kỷ luật bà Nguyễn Thị Lan - Bí thư Đảng ủy - Chủ tịch HĐND xã Đồng Tâm, với hình thức khai trừ Đảng.
Trong khi đó, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Phó bí thư thường trực Đảng ủy, ông Hoàng Thanh Hương, Phó bí thư, Chủ tịch UBND xã và ông Lê Trường Huy, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm bị thi hành kỷ luật với hình thức cảnh cáo. Riêng ông Phạm Hồng Sỹ, Phó chủ tịch UBND xã Đồng Tâm chỉ bị kỷ luật với hình thức khiển trách.
Kết luận của Huyện ủy huyện Mỹ Đức nêu rõ, ngày 31/10/2016, UBND TP Hà Nội đã có kết luận nội dung tố cáo của một số công dân thôn Hoành, xã Đồng Tâm về việc UBND huyện đã vi phạm trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, di dời một số hộ dân đang sử dụng đất tại khu vực sân bay Miếu Môn.
Trước đó, huyện Mỹ Đức đã tổ chức hàng chục hội nghị để triển khai kết luận này cũng như thành lập các tổ công tác tuyên truyền đến người dân về nội dung kết luận.
Bà Lan cùng người dân Đồng Tâm trong "điểm nóng" ngày ông Nguyễn Đức Chung về đối thoại.
Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền có một số cán bộ, đảng viên thuộc Đảng bộ xã Đồng Tâm đã không đồng tình với kết luận và một số người là thành viên trong tổ tuyên truyền nhưng không đi tham gia tuyên truyền.
Cũng theo kết luận, mặc dù các văn bản của thành phố Hà Nội và huyện Mỹ Đức đã khẳng định đất khu vực sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng nhưng bà Lan đã không chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện đúng.
Khi xảy ra vụ việc bắt giữ các cán bộ, chiến sĩ công an ngày 15/4, bà Lan biết và gọi điện báo cáo lãnh đạo huyện nhưng lại không thực hiện nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết và bỏ vị trí công tác trong 3 ngày.
Về công tác quản lý, sử dụng đất đai, theo kết luận, từ tháng 5/2016 đến tháng 8/2017 có 44 trường hợp vi phạm với tổng diện tích hơn 7.000m2, UBND xã đã phát hiện và lập biên bản vi phạm nhưng thực tế các hộ vẫn còn vi phạm.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại “điểm nóng” Đồng Tâm
Theo huyện ủy Mỹ Đức, để xảy ra sai phạm trên trách nhiệm thuộc về Ban chấp hành Đảng bộ xã Đồng Tâm, trách nhiệm chính thuộc về bà Lan, ông Hoàng Thanh Hương và ông Lê Trường Huy.
Đảng ủy xã Đồng Tâm chưa tiến hành kiểm tra, giám sát về công tác quản lý đất đai, buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo về quản lý đất đai.
Kết luận cũng nêu rõ, để xảy ra sự việc 38 chiến sĩ công an bị người dân bắt giữ ngày 15/4 cũng như nhiều cuộc làm việc khác của huyện với xã bị cản trở là do Đảng ủy xã đã buông lỏng công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong việc triển khai lực lượng và áp dụng các biện pháp đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn xã.
Sự việc tại Đồng Tâm xảy ra ngày 15/4 khi 4 người bị bắt để phục vụ điều tra vụ án Gây rối trật tự công cộng liên quan đến giải tỏa đất ở đồng Sênh (Đồng Tâm, Mỹ Đức). Lực lượng thi hành công vụ gặp phải sự phản ứng dẫn đến 38 cảnh sát cơ động, cán bộ bị giữ tại nhà văn hóa thôn. Một số ô tô công vụ bị hư hại.
7 ngày sau, toàn bộ người bị giữ được thả khi Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cam kết làm rõ nguồn gốc đất tại đồng Sênh - mấu chốt trong cuộc đấu tranh đòi quyền lợi của dân Đồng Tâm; điều tra đúng sai việc bắt 4 người nêu trên và “không truy cứu hình sự với toàn thể người dân trong sự việc giữ cán bộ, cảnh sát cơ động”.
Dân làng Đồng Tâm đã cùng ký vào “tâm thư” gửi lãnh đạo thành phố, thừa nhận nhiều sai sót, không hiểu biết nên vi phạm pháp luật trong quá trình chống tham nhũng, tiêu cực. Họ cho hay các chiến sĩ cảnh sát bị giữ tại hội trường nhà văn hóa được đối xử tốt.
Chiều 13/6, cơ quan cảnh sát điều tra (Công an Hà Nội) đã khởi tố vụ án hình sự liên quan việc bắt giữ 38 người thi hành công vụ tại thôn Hoành (xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức) để điều tra về tội Bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật theo Điều 123, Bộ luật Hình sự và Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản theo Điều 143, Bộ luật Hình sự.
Mới đây, công an TP. Hà Nội cũng đã gửi thư kêu gọi những người dân tham gia vào việc bắt giữ người trái pháp luật diễn ra ở Đồng Tâm tự giác ra tự thú, đầu thú để được hưởng khoan hồng của pháp luật.