Nhiều ưu tiên cho thí sinh vùng khó

GD&TĐ - Bên cạnh việc tổ chức ôn tập cho HS đến sát ngày thi, ngành Giáo dục nhiều địa phương đã vận động các nguồn, từ cân đối ngân sách, sự ủng hộ của chính quyền địa phương, của Hội Cha mẹ học sinh và các nguồn lực khác, để có thể hỗ trợ một phần kinh phí cho những HS có hoàn cảnh khó khăn, HS thuộc diện gia đình chính sách để các em yên tâm bước vào phòng thi.

Nhiều ưu tiên cho thí sinh vùng khó

Giáo viên đưa học trò đi thi

Những ngày này, bên cạnh việc duy trì tổ chức công tác ôn tập, củng cố kiến thức cho HS khối 12, BGH Trường THPT A Túc (Hướng Hóa, Quảng Trị) còn cắt đặt, phân công giáo viên đi khảo sát chỗ ăn, ở để chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. “Trường chúng tôi có 92 em dự thi cụm thi địa phương đặt tại Trường THPT Hướng Hóa.

Muốn đến được điểm thi, HS gần nhất cũng phải di chuyển khoảng 45km, xa nhất là 70km và đa phần đều là HS người dân tộc. Chính vì vậy, để hỗ trợ tốt nhất cho HS, chúng tôi đã thu xếp nơi ăn chốn ở, để các em tập trung thi cử. Ba GV đi cùng sẽ nhắc nhở các em những vật dụng cần thiết trước khi vào phòng thi, giúp các em ổn định tâm lý, nhắc nhở giờ giấc… để các em dự thi với tâm thế thoải mái nhất” – thầy Phạm Xuân Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết.

Giáo viên thay cha mẹ đưa học trò đi thi đã được Trường THPT A Túc thực hiện từ 3 năm nay, theo như thầy Phạm Xuân Thảo là nhờ vậy mà không có HS nào bỏ thi giữa chừng. Đặc biệt, mỗi trường THPT ở huyện Hướng Hóa đều được UBND huyện hỗ trợ 5 triệu đồng trong Kỳ thi THPT quốc gia 2016. Cô Ngô Thị Trúc – Hiệu trưởng Trường THPT Hướng Phùng cho biết, số tiền này, nhà trường sẽ dùng để hỗ trợ HS chi trả tiền điện, nước, hỗ trợ chỗ ở… trong những ngày dự thi THPT quốc gia sắp tới. “Ngoài số HS khối 12, nhà trường còn có thêm 15 thí sinh tự do đăng ký dự thi. Số thí sinh này đều là con em trong bản, điều kiện gia đình cũng tương đối khó khăn nên nhà trường cũng dùng một phần từ kinh phí hỗ trợ của UBND để hỗ trợ thêm cho thí sinh tự do đóng tiền lệ phí dự thi”.

BGH Trường PTDTNT Nước Oa (Quảng Nam) cũng đã thống nhất sẽ trực tiếp tổ chức cho số HS dự thi cụm ĐH tại TP Tam Kỳ. Theo đó, nhà trường hợp đồng xe đưa học sinh xuống Tam Kỳ và đưa đón từng buổi ở mỗi điểm thi. Sở GD&ĐT Quảng Nam đã sắp xếp để HS của trường ở tập trung tại KTX của Trường CĐ Y tế Quảng Nam trong thời gian dự thi. Nhà trường dự kiến hợp đồng với các quán ăn để đảm bảo cho HS ăn tập trung đúng giờ, không ảnh hưởng đến giờ giấc thi của các em. UBND huyện Bắc Trà My cũng đã quyết định hỗ trợ cho tiền tàu xe cho 8 HS dân tộc thiểu số THPT Bắc Trà My dự thi tại cụm thi ĐH với mức 200.000 đồng/em.

Chu đáo trong tiếp sức mùa thi

Với đặc điểm hoàn cảnh địa bàn có nhiều khó khăn, HS người dân tộc đông, Quảng Nam đã có những phương án để giảm bớt khó khăn cho thí sinh trong việc đi lại, ăn ở trong những ngày diễn ra kỳ thi. Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam chia sẻ: “Trước một kỳ thi có nhiều đổi mới, chúng tôi cũng hết sức lo lắng vì Quảng Nam là địa bàn có nhiều khó khăn. Chính vì lo lắng như thế nên ngành GD&ĐT cũng như chính quyền địa phương đã chuẩn bị hết sức chu đáo, từ khâu ôn tập, tập dượt thi cử, đến điều kiện ăn ở, đi lại của thí sinh làm sao để các em không vì một lý do khó khăn nào đó mà không thể dự thi”.

“Giữ chân” HS ở lại trường ôn tập cho đến sát ngày thi để đảm bảo HS không bỏ thi là chủ trương của cả ngành GD&ĐT và chính quyền địa phương các huyện miền núi tại Quảng Nam. Ngoài số tiền 1,2 tỷ do UBND tỉnh hỗ trợ trong tháng 6 để các trường THPT các huyện miền núi tổ chức cho HS, một số địa phương còn hỗ trợ thêm kinh phí để giúp cải thiện chất lượng bữa ăn, đảm bảo sức khỏe cho thí sinh dự thi.

Các trường miền núi của Quảng Nam đã lên kế hoạch chu đáo cho việc ăn, ở của thí sinh trong những ngày dự thi. Như Trường THPT Bắc Trà My tổ chức cho HS ở xa ăn ở tại khu nội trú, số còn lại đi về trong ngày; Trường THPT Tây Giang tổ chức nấu ăn cho học sinh nội trú tại trường, bao gồm HS ngoại trú có nhu cầu.

Đối với những thí sinh dự thi tại cụm thi địa phương, cách Trường PTDTNT Nước Oa 3km, nhà trường hợp đồng xe đưa đón học sinh trong suốt quá trình thi, sau giờ thi các em về ở tại khu nội trú và ăn tại nhà ăn tập thể. Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi sẽ tổ chức cho HS ăn ở tại khu nội trú Trường PTDTNT huyện Nam Giang và hợp đồng nấu ăn phục vụ học sinh trong suốt kỳ thi. Ngoài việc hợp đồng phương tiện vận chuyển đảm bảo cho học sinh đi và về an toàn trong suốt kỳ thi, Trường THPT Nguyễn Văn Trỗi còn phân công một Phó Hiệu trưởng và bốn GV theo dõi, quản lý HS trong suốt kỳ thi.

Trước đó, Sở GD&ĐT Quảng Nam cũng đã yêu cầu các trường THPT lập danh sách HS có nhu cầu hỗ trợ chỗ ở trong quá trình dự thi và danh sách HS có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để được nhận sự hỗ trợ khác của các lực lượng xã hội trong Chương trình Tiếp sức mùa thi năm 2016. Phòng Công tác HSSV của Sở GD&ĐT đã đến làm việc trực tiếp với các trường ĐH, CĐ tại thành phố Tam Kỳ và Hội An để khảo sát, nắm bắt cụ thể chỗ ở tại các KTX để hỗ trợ cho HS…

Tỉnh đoàn Quảng Nam cùng với Sở GD&ĐT đã chuẩn bị phương án tiếp sức cho các thí sinh, trong đó ưu tiên quan tâm học sinh có hoàn cảnh khó khăn như hỗ trợ cơm, nước giải khát và các điều kiện khác có thể để giúp đỡ các em sớm ổn định và yên tâm dự thi. Đến nay, có 371 HS đăng ký được hỗ trợ chỗ ở và đều đã được sắp xếp tại các KTX gần sát với địa điểm dự thi. Số HS này cũng sẽ được Trường ĐH Duy Tân hỗ trợ suất ăn miễn phí từ ngày 1 – 4/7.

Ông Hà Thanh Quốc cho biết, ngày 27/6 sắp tới, Sở GD&ĐT sẽ tổ chức 3 đoàn đến các trường THPT để vừa kiểm tra, rà soát lại các điều kiện cho Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, vừa củng cố và hướng dẫn HS các kỹ năng làm bài thi. “Chúng tôi nỗ lực làm tốt tất cả các khâu chuẩn bị cho Kỳ thi THPT quốc gia với mục tiêu hướng đến một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và không để một thí sinh nào bỏ thi vì khó khăn” – ông Quốc nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.