Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nghệ An, tính đến ngày 20/8, nguồn vốn đầu tư công do tỉnh quản lý đã giải ngân hơn 1.969 tỷ đồng (đạt 27,65%). Nếu không tính các khoản chưa phân bổ chi tiết đã giải ngân đạt 33,95%.
Trong đó, nguồn ngân sách địa phương hơn 295 tỷ đồng (18,97% kế hoạch), nguồn ngân sách trung ương hơn 1.674 tỷ đồng (30,07% kế hoạch).
Điều bất ngờ, một số chủ đầu tư là các trường THPT trên địa bàn lại có tỷ lệ giải ngân cao trên 70%. Điển hình như Trường THPT Nghi Lộc 3, Trường THPT Quỳ Hợp 3 (cùng đạt 100%), Trường THPT Yên Thành 2 (98,33%), Trường THPT Cửa Lò (97,14%), Trường THPT Đô Lương 3 (93,33%), Trường THPT Mường Quạ (71,3%)…
Cũng theo báo cáo, ngoài các trường THPT trên, nằm trong “top” giải ngân đạt tỷ lệ cao chỉ hiếm hoi có 1 số đơn vị như Chi cục Phát triển nông thôn (86,13%), Sở Giao thông Vận tải (73,71%).
Trong khi đó, mặc dù hiện tại đã cuối tháng 8 - gần hết quý III/2022, nhưng tính đến ngày 20/8, trên địa bàn tỉnh Nghệ An vẫn còn 19 cơ quan, đơn vị thực hiện giải ngân vốn đầu tư công "0 đồng".
Những đơn vị này bao gồm: Sở Y tế, Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An, Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Nghệ An, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng Nghệ An, Đài Phát thanh và Truyền hình Nghệ An, Sở Thông tin và Truyền thông.
Công ty TNHH MTV thuỷ lợi Tây Bắc Nghệ An, Công ty TNHH Thuỷ lợi Phủ Quỳ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ Giao thông vận tải, Sở Công Thương, Bệnh viện Đa khoa huyện Đô Lương, Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An, Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, Trường THPT Thanh Chương 3, Đảng uỷ khối các cơ quan tỉnh Nghệ An, Sở Nội vụ, Trường Đại học Y khoa Vinh.
Đập Bara Đô Lương thuộc dự án khôi phục nâng cấp hệ thống thủy lợi Bắc Nghệ An. |
Bên cạnh đó, có 30 cơ quan, đơn vị đã thực hiện giải ngân, tuy nhiên tỷ lệ giải ngân dưới mức bình quân chung của tỉnh (dưới 33,95%).
Tại buổi làm việc với Bộ Tài chính mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cho biết, nguyên nhân vốn đầu tư công giải ngân chậm là do nhiều dự án khởi công mới nên các bước thủ tục đầu tư, thẩm định, giải phóng mặt bằng... mất rất nhiều thời gian.
Ngoài ra, giá vật liệu xây dựng tăng đột biến dẫn đến dự toán vượt so với tổng mức đầu tư được duyệt, dẫn đến điều chỉnh đầu tư nên chậm.
Bên cạnh đó, giá đất thị trường cao hơn giá đất nhà nước thu hồi nên một số người dân chưa đồng thuận. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Nghệ An cam kết, quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm 2022.