Nhiều trường đại học tổ chức thi riêng: Đừng để 'trăm hoa đua nở'

GD&TĐ - Hiện có gần 10 cơ sở giáo dục đại học thông báo tổ chức kỳ thi riêng để tuyển sinh năm 2023. 

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022. Ảnh: INT
Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực Trường ĐH Sư phạm Hà Nội năm 2022. Ảnh: INT

Nhiều người lo ngại, việc tổ chức kỳ thi riêng khiến thí sinh gặp khó khăn trong lựa chọn, tăng áp lực ôn tập.

Cần giảm gánh nặng thi cử

Là học sinh lớp 12, Trường THPT Xuân Giang (Sóc Sơn, Hà Nội), Nguyễn Thanh Tâm đang toàn tâm, toàn sức cho việc học và ôn tập. Cụ thể: Học trên lớp để ôn thi tốt nghiệp THPT; học phụ đạo các môn xét tuyển đại học; học thêm ở trung tâm ngoại ngữ để thi chứng chỉ IELTS và tự ôn luyện để tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức vào tháng 4.

Theo TS Lê Viết Khuyến, với các kỳ thi riêng, kết quả chỉ được công nhận ở một số trường nhất định. Thí sinh muốn tăng cơ hội trúng tuyển vào nhiều trường đại học có thể phải tham gia nhiều kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy nhưng đồng thời, vẫn phải ôn thi tốt nghiệp THPT.

Việc tổ chức các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy không phải là điều dễ dàng. Để bảo đảm kỳ thi đạt chất lượng, đánh giá chính xác năng lực người học đòi hỏi phải có đội ngũ chuyên gia rất am hiểu về đo lường, đánh giá trong ra đề thi. Điều này có thể là khó khăn với nhiều cơ sở giáo dục đại học, đặc biệt là các trường chuyên ngành, không phát triển về khoa học giáo dục.

Theo TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), hiện cả nước có một Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Kỳ thi này được xây dựng trên tinh thần giảm gánh nặng thi cử, phiền hà cho người học. Kết quả kỳ thi được sử dụng với 2 mục đích: Xét tốt nghiệp THPT cho học sinh; căn cứ xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

“Nhiều trường tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, trong khi vẫn còn Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Điều này liệu có đúng với tinh thần giảm gánh nặng thi cử cho người học?” - ông Khuyến đặt vấn đề, đồng thời cho rằng, có nhiều lập luận khác nhau về lý do cần tổ chức kỳ thi riêng. Một số ý kiến cho rằng, tính phân loại của Kỳ thi tốt nghiệp THPT chưa cao nên các trường phải tổ chức thêm kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy. Cũng có ý kiến bày tỏ, tổ chức các kỳ thi riêng giúp thí sinh tăng cơ hội trúng tuyển vào ngôi trường mình mong muốn...

Các trường liên kết với nhau

“Thay vì tổ chức các kỳ thi riêng gây tốn kém, tại sao chúng ta không liên kết, cùng góp sức, phát huy trí tuệ tổng hợp đội ngũ chuyên gia của các trường để tổ chức chung một kỳ thi” – TS Lê Viết Khuyến nêu vấn đề và nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT cần phải thể hiện hơn nữa vai trò quản lý của mình, tổ chức các hội đồng chuyên môn để đánh giá về năng lực của những trường có thể đứng ra tổ chức kỳ thi riêng. Nếu trường nào quyết tâm trong việc tự tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy cần có đề án chứng minh mình đủ năng lực tổ chức.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.

Thí sinh tham dự Kỳ thi đánh giá năng lực năm 2022 do Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức.

GS.TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho hay, nhiều trường đại học trên thế giới có các hình thức khác nhau để đánh giá năng lực học sinh nên có thể xem đây là xu thế chung. Kỳ thi tốt nghiệp THPT để xác định một học sinh đã tốt nghiệp THPT, còn xét tuyển đại học giúp các trường và thí sinh lựa chọn ngành nghề cụ thể, phù hợp. Các kỳ thi riêng ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu này.

Giảm tải thi cử là cần thiết và không thể có quá nhiều kỳ thi tuyển sinh riêng trong thời gian tới. Chia sẻ điều này, GS.TS Nguyễn Văn Minh viện dẫn: Các trường đại học không dại gì tách bạch mà sẽ dần liên kết với nhau, tạo sự thống nhất trong xét tuyển. Khi liên kết, các trường sẽ có ngân hàng đề thi phong phú, tạo ra một kỳ thi công bằng, chất lượng. “Hiện, một số trường không chỉ liên kết tuyển sinh mà còn công nhận tín chỉ, kết quả đào tạo của nhau” - GS.TS Nguyễn Văn Minh cho hay.

PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) nhìn nhận, một số đơn vị tổ chức thi đánh giá năng lực, tư duy (kỳ thi độc lập/kỳ thi riêng) ngoài việc để lấy kết quả xét tuyển của cơ sở đào tạo còn được các trường khác sử dụng để làm căn cứ xét tuyển. Theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, các đơn vị muốn tổ chức kỳ thi độc lập phải thực hiện theo các quy định tại Điều 12, 13, 14 và 15.

Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, các trường tự chủ xây dựng đề án tuyển sinh và công khai để học sinh và phụ huynh tiếp cận đầy đủ thông tin tuyển sinh. Các bên liên quan và xã hội giám sát việc xác định chỉ tiêu đến điểm trúng tuyển, phương án cho thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng xếp theo thứ tự ưu tiên để xét tuyển.

Nhiều năm trở lại đây, các trường đại học có xu hướng sử dụng kết quả bài thi đánh giá năng lực, tư duy, đánh giá chuyên biệt… (kỳ thi riêng) để tuyển sinh. Năm 2022, các trường đại học dành hơn 31.400/ 587.786 chỉ tiêu để xét tuyển từ kết quả của các kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ