Nhiều trường chật vật tìm người học sau xét tuyển đợt 1

GD&TĐ - Kết thúc xét tuyển đợt 1 năm 2022, nhiều trường vẫn thiếu chỉ tiêu và phải thông báo tuyển sinh bổ sung nhiều đợt. 

Tân sinh viên đến nhập học tại Trường ĐH Tây Nguyên. Ảnh: NTCC
Tân sinh viên đến nhập học tại Trường ĐH Tây Nguyên. Ảnh: NTCC

Có ngành chưa đến 10 thí sinh trúng tuyển, cá biệt có ngành chỉ có 1 thí sinh, thậm chí không có thí sinh nào xác nhận nhập học.

Có ngành chưa tuyển được thí sinh nào

Mới đây, Hội đồng Tuyển sinh Trường ĐH Tây Nguyên thông báo tiếp tục tuyển sinh đợt 3, năm 2022 với 513 chỉ tiêu của 22 ngành. ThS Phạm Văn Thuận – Trưởng phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh - thông tin, năm nay trường tuyển sinh hơn 2.400 sinh viên. Sau xét tuyển đợt 1, có 71% thí sinh trúng tuyển vào trường, khoảng 1.700 thí sinh. Tuy nhiên, số thí sinh nhập học đạt hơn 1.400 sinh viên, tương đương 60% so với chỉ tiêu được giao.

“Nhiều ngành tuyển sinh khó khăn, như ngành Lâm sinh, đợt 1 có 3 thí sinh đến nhập học. Hay như khối ngành Nông lâm nghiệp, chăn nuôi có 6 hồ sơ nhập học. Khá hơn một chút là ngành Khoa học cây trồng có 17 thí sinh đến nhập học” - ThS Phạm Văn Thuận cho hay.

Cũng gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh là Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên). TS Nguyễn Chí Hiểu – Phó Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: Nhà trường mới tuyển sinh được khoảng 30% trên tổng số hơn 1.200 chỉ tiêu được giao. Có ngành chưa tuyển được sinh viên nào. Cũng có ngành tuyển được từ 1 - 3 sinh viên. “Càng những ngành truyền thống, càng khó khăn trong tuyển sinh” - TS Nguyễn Chí Hiểu phân trần. Nhà trường tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung với mong muốn tuyển thêm được thí sinh.

“Ở nước ngoài, có những ngành chỉ có 1 - 2 sinh viên nhưng họ vẫn đào tạo. Chúng tôi cũng áp dụng linh hoạt để bảo đảm quyền lợi về học tập, nghiên cứu của các em” - TS Nguyễn Chí Hiểu khẳng định.

Theo TS Nguyễn Chí Hiểu, mặc dù số lượng thí sinh trúng tuyển một số ngành rất ít nhưng nhà trường vẫn phải đào tạo, vì đó là nhiệm vụ. Theo đó, nhà trường sẽ đào tạo theo hình thức liên thông ngang, liên thông dọc. Chẳng hạn, sinh viên năm thứ nhất, thứ hai sẽ cùng học các môn chung. Khi đến các môn chuyên ngành, đòi hỏi kiến thức và nghiên cứu sâu sẽ tách lớp.

Hiện, một số trường đại học cũng đối diện với tình trạng khó khăn như trên và phải tiếp tục thông báo xét tuyển bổ sung. Trường ĐH Tân Trào (Tuyên Quang) tiếp tục xét tuyển bổ sung đợt 2 cho 15 ngành đào tạo đại học chính quy và 1 ngành cao đẳng Giáo dục Mầm non.

Phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Điểm sàn nhận hồ sơ các ngành từ 15 đến 24,75 điểm. Trong đó, có nhiều ngành học đang là xu hướng và còn khá nhiều chỉ tiêu như: Giáo dục Mầm non (hệ đại học và cao đẳng), Dược học, Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, Công tác xã hội, Điều dưỡng.

Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã đến Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) để tuyển dụng việc làm. Ảnh: NTCC

Nhiều doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp đã đến Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) để tuyển dụng việc làm. Ảnh: NTCC

Chưa hiểu đúng giá trị

Trao đổi về tình trạng “khan hiếm” thí sinh, TS Nguyễn Chí Hiểu chia sẻ, Trường ĐH Nông Lâm (ĐH Thái Nguyên) đã làm tất cả những gì có thể, từ nâng cao chất lượng, đổi mới chương trình đào tạo cho đến các chính sách đãi ngộ với sinh viên, nhưng công tác tuyển sinh vẫn gặp khó khăn. Mấy năm gần đây, hầu như chưa năm nào tuyển đủ chỉ tiêu.

“Thực tế, nhiều thí sinh, phụ huynh chưa nhận thức đúng về ngành nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp. Không ít người cho rằng, đây là lĩnh vực không thời thượng, nhất là trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0. Nhiều người có suy nghĩ: Học ngành này xong sẽ lại “chân lấm tay bùn” và khó xin việc vì “cửa hẹp”” - TS Nguyễn Chí Hiểu trao đổi.

Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Chí Hiểu, thực tế nhu cầu việc làm của những ngành này rất tốt, sinh viên ra trường luôn được các doanh nghiệp săn đón nên “đắt như tôm tươi”. Có nhiều doanh nghiệp đến trường đặt vấn đề tuyển dụng lao động với mức lương khởi điểm từ 10 triệu đồng trở lên/tháng nhưng lại thiếu sinh viên. “Đây là nghịch lý, trong khi nhiều ngành đào tạo sinh viên học xong không tìm được việc làm hoặc phải làm việc trái ngành. Chúng tôi rất tiếc” - TS Nguyễn Chí Hiểu bày tỏ.

Đồng quan điểm, ThS Phạm Văn Thuận cho hay, năm nào cũng có doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp đến liên hệ với nhà trường để tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp, thậm chí họ tuyển dụng cả sinh viên năm thứ 3, thứ 4. Song số lượng sinh viên của trường không đủ để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong khi nhiều ngành, sau khi học xong, sinh viên phải chật vật, bươn chải ngoài xã hội để tìm kiếm cơ hội việc làm.

Từng tham gia tư vấn tuyển sinh, ThS Phạm Văn Thuận nhận thấy, nhiều phụ huynh, thí sinh vẫn chưa chú tâm đến ngành nông, lâm nghiệp. Số thí sinh đặt câu hỏi về ngành này rất ít. Với thí sinh vùng nông thôn, vùng núi, nhiều người nghĩ rằng: Cả đời đã gắn bó với cây trồng, vật nuôi nên không mặn mà để theo học ngành này.

Ngoài ra, hiện nhiều ngành nghề mới được mở ra, với tên gọi mĩ miều và bắt nhịp với xu hướng thời đại đã thu hút lượng thí sinh không nhỏ lựa chọn. “Cũng có thể thí sinh chưa biết hết cơ hội việc làm của lĩnh vực nông, lâm nghiệp nên không lựa chọn theo học lĩnh vực này” - ThS Phạm Văn Thuận phân tích.

Theo TS Lê Viết Khuyến – nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - cho rằng, nhiều trường đào tạo ngành nghề giống nhau, trong khi số lượng thí sinh có hạn. Trong bối cảnh đó, các trường phải cạnh tranh để thu hút người học. Tất nhiên, sẽ có trường tuyển sinh tốt và có trường gặp khó khăn. Đó là một phần của quy luật cạnh tranh.

Gợi ý một số giải pháp, TS Lê Viết Khuyến khuyến nghị, các cơ sở giáo dục đại học cần đẩy mạnh công tác truyền thông và đào tạo theo đặt hàng, giao nhiệm vụ. Đối với lĩnh vực khó tuyển sinh, cơ sở đào tạo cần tăng cường truyền thông, hỗ trợ sinh viên tìm kiếm việc làm. Các trường cần kết nối với doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng sau khi sinh viên tốt nghiệp.

TS Nguyễn Chí Hiểu mong muốn, xã hội và thí sinh cần quan tâm hơn, hiểu đúng giá trị của các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp và một số lĩnh vực khoa học cơ bản khác. Hiện nay, nhân lực chất lượng cao cho những ngành nghề này vẫn thiếu. Nhà nước cần có chính sách đặt hàng với ngành có tính chất đặc thù nhằm bảo đảm sự phát triển vững chắc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.