Với mục tiêu xuất khẩu 5,7 triệu tấn trong năm 2017, đến nay ngành lúa gạo đã đạt được gần 82% kế hoạch đề ra trước đó...
Tín hiệu khả quan
Bộ Công Thương nhận định, từ nay đến cuối năm, xuất khẩu gạo sẽ ổn định bởi một số thị trường đang tiếp tục có nhu cầu nhập khẩu gạo của Việt Nam. Cụ thể, Cơ quan Lương thực quốc gia Philippines mới đây đã cho phép tư nhân nước này nhập khẩu 805.200 tấn gạo theo cơ chế tiếp cận thị trường tối thiểu (MAV) từ 7 quốc gia và xuất xứ bất kỳ nước nào.
Theo kế hoạch, tư nhân Philippines sẽ được phép nhập gạo từ Việt Nam và Thái Lan, mỗi nước 293.100 tấn. Điều thuận lợi là doanh nghiệp tư nhân Philippines chọn mua gạo 25% gạo tấm, gạo nếp, gạo thơm... đều là những loại gạo Việt Nam hiện đang có thế mạnh. Dự kiến, nếu ký kết thành công, gói thầu mới sẽ giúp doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thêm đơn hàng lớn “gối đầu” đến năm 2018. Ngoài ra, sau 3 đợt đấu thầu, mua 250.000 tấn, Bangladesh có thể tiếp tục mua thêm gạo của Việt Nam...
Cùng với lượng gạo xuất khẩu tăng, giá xuất khẩu gạo cũng tăng theo, góp phần đẩy thị trường xuất khẩu gạo phục hồi sau hơn một năm giảm đáng kể. Theo các chuyên gia, giá xuất khẩu bình quân hơn 400 USD/tấn (tăng từ 10 - 20 USD/tấn so với đầu tháng 6). Điều này không chỉ có lợi cho doanh nghiệp mà còn giúp cho giá gạo nguyên liệu trong nước tăng lên và nông dân thêm phần lợi nhuận...
Với những diễn biến của thị trường như hiện nay, Hiệp hội Lương thực Việt Nam dự báo, năm 2017, kim ngạch xuất khẩu gạo của nước ta sẽ đạt khoảng 5,7 triệu tấn, tăng khoảng 800.000 tấn so với năm 2016. Để hoàn thành mục tiêu này, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai các thoả thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại nông, lâm, thuỷ sản, trong đó, có gạo. Cũng như đàm phán để ký kết các bản ghi nhớ về thương mại gạo với các nước nhập khẩu truyền thống của Việt Nam.
Gia tăng áp lực
Có thể nói, việc xuất khẩu gạo của Việt Nam hiện nay vẫn luôn trong tình trạng bị động, chạy theo thị trường. Việc có thêm nhiều thị trường nhập khẩu gạo Việt Nam đồng nghĩa với các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cần tuân thủ quy định từ nhiều thành phần đối tác.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, các thị trường như Philippines, Bangladesh... đang có nhu cầu mua thêm gạo nên sẽ có thêm những đợt đấu thầu bán gạo mới. Tuy nhiên, các đợt đấu thầu này sẽ chuyển từ đấu thầu hợp đồng chính phủ (tập trung với giá sàn cao, mang lại lợi nhuận cho ngành gạo Việt Nam) sang đấu thầu thương mại. Đấu thầu thương mại sẽ có nguy cơ giá trúng thầu thấp hơn giá sàn do đối tác đưa ra, không có lợi cho ngành gạo Việt Nam. Vì vậy, cần hết sức cẩn trọng, lưu ý những điều khoản trong các hợp đồng đấu thầu sắp tới; đặc biệt, cần nâng cao tính chủ động trong các hoạt động xuất khẩu gạo...
Các chuyên gia dự báo, tới đây, áp lực cạnh tranh trong xuất khẩu sẽ ngày càng mạnh mẽ, khốc liệt... bởi thế giới đang có xu hướng tăng các nước xuất khẩu trong khi các nước nhập khẩu dần tự túc lương thực. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu về gạo sẽ giảm.
Để chủ động thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu cần nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống xay xát, chế biến, bám sát xu hướng tiêu dùng thế giới... đồng thời, nên hướng về thị trường nội địa (vốn chiếm 80% sản lượng lúa gạo của Việt Nam và 30 - 40% sản lượng lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long). Mặt khác, cần thay đổi cấu trúc quản lý hành chính phù hợp với phương hướng dịch chuyển của cấu trúc thị trường...