Đó là chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) trong một chương trình giao lưu trực tuyến về tư vấn tuyển sinh diễn ra sáng 15/3.
Tại buổi giao lưu, các chuyên gia sẽ cung cấp những thông tin mới nhất, chính xác nhất và giải đáp mọi thắc mắc về quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023, về ngành, nghề và trường học mà thí sinh đang băn khoăn trước mùa tuyển sinh tới.
Theo PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, trong 3 - 5 năm gần đây, thí sinh tập trung nhiều vào các ngành như: kinh doanh, quản lý, quản trị. Sau đó là ngành nghề công nghệ thông tin.
Trong vài năm gần đây, tỷ lệ trúng tuyển và nhập học thấp đối với ngành nghề về nông, lâm, thuỷ sản, khoa học cơ bản, dịch vụ xã hội đạt thấp. Chỉ tiêu có, nhu cầu của đơn vị, doanh nghiệp cần nhân sự nhưng không có sinh viên theo học, lượng sinh viên đăng ký rất thấp.
Đây là xu hướng khá quan ngại, bởi khoa học nền tảng rất quan trọng đối với mọi ngành nghề. Điều này đặt ra cho các cơ quan, đơn vị đào tạo cần có giải pháp cho các bên, định hướng, ưu tiên phát triển trong tương lai.
Tâm lý của sinh viên khi chọn ngành đào tạo là, sau khi ra làm việc sẽ không quá vất vả. Nghĩa là, khả năng chấp nhận khó khăn, rủi ro thấp, khả năng chịu đựng giảm sút.
Ở lĩnh vực nông, lâm, thuỷ sản đào tạo công nghệ cao, nhiều trường đã đầu tư trang bị tốt. Tuy nhiên, cần có phương thức truyền thông để thay đổi hình ảnh về việc học tập và ứng dụng công việc của ngành nông, lâm nghiệp ở các doanh nghiệp.
PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Phenikaa (ngoài cùng bên phải) tại Chương trình giao lưu trực tuyến về tư vấn tuyển sinh. |
TS Nguyễn Quang Thuận - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, trước khi chọn ngành học, trường học, điều quan trọng là thí sinh nên tham chiếu với điểm chuẩn đang có. Có thể không chính xác 100% nhưng nhóm ngành mà các bạn mong muốn, các em cần tham chiếu với kết quả đã có từ những năm tuyển sinh trước.
“Đây là gợi ý quan trọng để các bạn đăng ký thứ tự nguyện vọng cũng như khả năng trúng tuyển của mình sao cho cao nhất” - TS Nguyễn Quang Thuận gợi mở.
Nhấn mạnh, thí sinh cần tìm hiểu kĩ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT cũng như các cơ sở giáo dục đại học; PGS.TS Nguyễn Phú Khánh - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Phenikaa - chia sẻ, thí sinh có thể lựa chọn theo thứ tự ưu tiên. Mặc dù, có nhiều lựa chọn không giới hạn nhưng các em nên đăng ký nguyện vọng phù hợp nhất với khả năng của bản thân.
Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ được mở trong thời gian dài nên thí sinh có thể lựa chọn, kiểm tra thật kỹ trước khi bấm nút cuối cùng. Có như vậy, mới hạn chế được những rủi ro tối thiểu cho các em.
Liên quan đến xét tuyển sớm, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ cho hay, việc này không giới hạn ở bao nhiêu trường. Các kỳ thi xét tuyển sớm thường diễn ra trước khi thi tốt nghiệp THPT, sau khi trúng tuyển thì mới được xét.
Năm ngoái, có một vài trường hợp thí sinh đăng ký duy nhất một nguyện vọng vì cho rằng chắc chắn sẽ đỗ. Nhiều em nhầm về đối tượng ưu tiên và khu vực ưu tiên. Đây là sự nhầm lẫn đáng tiếc, dẫn đến mất cơ hội học tập vào trường tốt cho thí sinh.
Có thể nói, hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung rất quan trọng, giúp các em xác định đúng nguyện vọng ưu tiên. Sau khi thi xong, biết điểm thi, thí sinh có thể điều chỉnh nguyện vọng thoải mái.
Bộ GD&ĐT cho biết, công tác tuyển sinh năm 2023 về cơ bản giữ ổn định như năm 2022 và có điều chỉnh một số yếu tố kỹ thuật. Năm 2023, lần đầu tiên quy định mới về điểm ưu tiên có hiệu lực. Cụ thể, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; Thí sinh được hưởng chính sách ưu tiên khu vực theo quy định trong năm tốt nghiệp THPT (hoặc trung cấp) và một năm kế tiếp.