Đó là những gì đã xảy ra tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh (Thanh Hóa).
Tự ý khai thác rừng, trồng cây đa chức năng
Thanh tra Sở NN&PTNT Thanh Hóa vừa chỉ ra nhiều sai phạm tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (BQLRPH) Lang Chánh trong thời gian ông Nguyễn Thành Công đương chức Giám đốc (hiện đã nghỉ hưu).
Từ những năm 90 của thế kỷ trước, BQLRPH Lang Chánh được Nhà nước đầu tư trồng rừng phòng hộ theo chương trình 327 và dự án trồng mới 5 triệu ha rừng. Loại cây trồng là mỡ, muồng, luồng và lát. Năm 2018, khi cây keo đến kỳ khai thác, ban quản lý xây dựng phương án khai thác cây trồng và trồng lại rừng.
Tuy nhiên, qua kiểm tra hồ sơ, ban quản lý tự tổ chức khai thác rừng trồng mà không lập hồ sơ khai thác lâm sản trình cấp có thẩm quyền phê duyệt nguồn vốn quyết định là không phù hợp theo quy định tại Khoản 2, Điều 59 Luật Lâm nghiệp.
Kiểm tra hiện trạng rừng tại khoảnh 4, 7 Tiểu khu 395, cây trồng chủ yếu là keo và cây tái sinh tự nhiên mọc rải rác, không còn cây mỡ, lát, muồng và luồng như thiết kế ban đầu.
Tiếp đó, theo Quyết định 2806/QĐ-UBND ngày 12/7/2019 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá về việc phê duyệt phương án quản lý rừng bền vững giai đoạn 2019 - 2028 của BQLRPH Lang Chánh, có 18,23 ha rừng tại khoảnh 1, Tiểu khu 422 được thiết kế để trồng cây đa mục đích.
Để thực hiện nhiệm vụ, BQLRPH Lang Chánh đã ban hành thanh lý,chấm dứt hợp đồng giao khoán trước thời hạn đối với 9 hộ với tổng diện tích 29,9 ha. Mặc dù chưa thực hiện xây dựng quy hoạch 1/500 trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, diện tích trồng cây đa tác dụng chưa được phê duyệt thiết kế, ban này đã cho trồng 21,2 ha.
Qua kiểm tra thực tế hiện trường tại lô 5, 7, 16, 17, 18, 19, 24, 25, 26, 27, 28, 36, khoảnh 1, Tiểu khu 422, đã triển khai tổ chức trồng cây dổi, giáng hương, sưa. Số đất còn lại 8,7 ha đất trống thuộc diện tích đất giao khoán của hộ ông Hoàng Văn Việt và bà Vũ Thị Cúc. Đây là hai hộ chưa đồng ý mức hỗ trợ.
Thanh tra Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho rằng BQLRPH Lang Chánh trồng thừa diện tích cho phép gần 3 ha so với phê duyệt. Kết luận cũng nêu rõ, hiện diện tích trồng cây đa mục đích của 7 hộ gia đình đã đủ theo phương án đề án được phê duyệt.
Nếu ban này cần thanh lý thêm hợp đồng giao khoán trước thời hạn thì phải thoả thuận với nhà đầu tư có mức hỗ trợ hợp lý để đảm bảo quyền lợi cho các hộ nhận khoán. Nếu không thoả thuận được, ban phải giao khoán cho các hộ tiếp tục sản xuất và bảo vệ.
Liên quan đến nội dung bà Vũ Thị Cúc phản đối việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng với nguyên nhân chồng bà mất, ông Lê Huy Hoàng, Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Thanh Hóa cho biết: Theo quy định, người đứng trên hợp đồng đã mất thì sẽ phải thanh lý hợp đồng nhưng sau đó sẽ xem xét nếu những người trong gia đình có nhu cầu và đủ điều kiện sẽ tiếp tục ký lại hợp đồng.
“Cắt xén” hàng trăm triệu đồng tiền bảo vệ rừng
“Trách nhiệm thuộc về ông Nguyễn Thành Công, nguyên Giám đốc BQLRPH Lang Chánh; ông Ngô Văn Trọng, nguyên Trưởng phòng KH-KT-BVR (hiện giữ chức Phó Giám đốc); bà Lê Thị Thoa, kế toán. Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa giao đơn vị chức năng tham mưu, tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm đối với các ông bà nêu trên. Yêu cầu Giám đốc BQLRPH phối hợp với ông Nguyễn Thành Công thu hồi các khoản đã chi và sử dụng nguồn kinh phí hợp pháp khác để hoàn trả lại 10% tiền công bảo vệ rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng đã thu của các hộ nhận khoán, tổng số tiền trong 3 năm phải hoàn trả là hơn 312 triệu đồng”.
Để phát triển thúc đẩy hình thành thị trường nghề rừng và giải quyết việc làm, xoá đói, giảm nghèo nhằm ổn định đời sống cho đồng bào miền núi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị định về cơ chế chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững giai đoạn 2015 - 2020 và quyết định về ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với công ty nông, lâm nghiệp.
Theo đó, các cá nhân hộ gia đình tham gia bảo vệ rừng được hưởng tiền công bảo vệ rừng theo đơn giá hỗ trợ của Nhà nước, đồng thời bên giao khoán có trách nhiệm thanh toán kịp thời tiền hỗ trợ cho người dân.
Căn cứ diện tích rừng phòng hộ đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt, hàng năm, từ năm 2018 - 2020 Ban QLRPH Lang Chánh được giao kế hoạch bảo vệ rừng phòng hộ trên địa phận thị trấn và 5 xã huyện Lang Chánh. Cụ thể, năm 2018, tổng số tiền phải chi trả là hơn 746 triệu đồng; năm 2019 hơn 1 tỷ đồng; năm 2020 là hơn 900 triệu đồng.
Qua kiểm tra, từ năm 2018 - 2020, BQLRPH Lang Chánh quản lý tự thoả thuận trong hợp đồng giao khoán thu lại 10% tiền công bảo vệ rừng của cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng thôn bản, tương ứng số tiền đã thu hơn 276 triệu đồng.
Khoản thu này đơn vị hoạch toán tăng nguồn quỹ phúc lợi, được sử dụng chi tăng thu nhập cho các cán bộ, công nhân viên có mức lương dưới 5 triệu đồng và các chi phí khác có liên quan đến hoạt động quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng của đơn vị.
Qua kiểm tra, giai đoạn 2019 - 2020, sau khi trừ đi kinh phí được trích lại đơn vị theo quy định, BQLRPH Lang Chánh đã tự thoả thuận trong hợp đồng cung ứng dịch vụ môi trường rừng, thu thêm 10% tiền dịch vụ môi trường của các cá nhân, hộ gia đình và tổ cộng đồng, tương ứng số tiền đã thu là hơn 24 triệu đồng.
Kiểm tra hồ sơ năm 2020 đối với hộ ông Hoàng Văn Việt, toàn bộ diện tích hơn 100 ha rừng ông Việt bảo vệ nằm trong lưu vực Nhà máy thủy điện Trí Nang được hưởng tiền dịch vụ môi trường rừng theo đơn giá chi trả là 118.200 đồng/ha, tương ứng số tiền gần 12 triệu đồng.
Tuy nhiên BQLRPH Lang Chánh không ký hợp đồng chi trả cho ông Việt mà ký với Trạm Bảo vệ rừng số 4. Khoản thu này được nhập vào quỹ phúc lợi.