Nhiều rủi ro khi mua hàng “nội địa”

GD&TĐ - Tâm lý ưa chuộng hàng “nội địa” từ các thị trường như Nhật hay châu Âu của người tiêu dùng Việt Nam đang khiến cho mặt hàng này hiện đang trở lên rất “hot”. Tuy nhiên, ngoài việc phải mua đồ cũ với giá cao hơn hàng mới, các sản phẩm đã qua sử dụng này còn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi chất lượng không dễ dàng được kiểm định...

Nhiều rủi ro khi mua hàng “nội địa”

Mua bán kiểu... hên - xui

Đa phần những người sính hàng “nội địa” đều nhận định hàng “bãi” của Nhật Bản với các hãng có thương hiệu nổi tiếng như: Toshiba, Hitachi, National, Sharp, Mitsubishi... là “đẳng cấp”, chưa kể tính năng và độ bền thì dù sản phẩm trong nước hay nhập khẩu có giá ngang hàng cũng không thể so sánh. Điều đó lý giải vì sao mặc dù đồ điện tử, đồ gia dụng mới trên thị trường hiện nay rất đa dạng phong phú lại có chế độ bảo hành, chăm sóc, hậu mãi rất tốt nhưng không ít người vẫn lựa chọn các sản phẩm là hàng “nội địa” để mua.

Tại Hà Nội, nhiều cửa hàng đồ điện gia dụng nhỏ lẻ hoặc cơ sở sửa chữa đồ điện đều có nguồn nhập dòng sản phẩm này về hoặc qua đường xách tay. Dạo qua thị trường có thể thấy hàng điện gia dụng của Nhật hiện nay khá đa dạng như: Nồi cơm điện, quạt, điều hoà, tủ lạnh, máy giặt... Theo những người chuyên nhập dòng sản phẩm này thì tuy là hàng bãi nhưng đa phần hàng còn mới có thể tới 90 - 95%, đặc biệt nhiều loại còn chưa hết thời gian bảo hành và chất lượng thì miễn chê. Chẳng hạn một chiếc nồi cao tần có rất nhiều chức năng như: Nấu nhanh, nấu cực ngon, nấu cháo, nấu xôi, nấu gạo lức, nấu cơm cháy, hẹn giờ tiết kiệm 65% điện năng, có thể bù nước (thiếu nước sẽ bù vào, nhiều nước sẽ hút ra)...

Theo anh Nguyễn Văn Quyết - chủ một cửa hàng đồ Nhật nội địa trên phố Huế (Hà Nội), hàng Nhật chủ yếu được nhập từ các bãi có uy tín. Đa số hàng đều còn ngon, mới chỉ sử dụng được từ 2 - 3 năm chính vì thế, người mua có thể yên tâm về chất lượng. “Vì là đồ cũ đã qua sử dụng nên không có gì là đảm bảo đồ tốt, trường tồn với thời gian và không có hỏng hóc gì sau đó. Hơn thế, khi chuyển về Việt Nam, chúng đều được mông má, sang sửa, sơn mới để phục vụ tín đồ hàng nội địa. Chính vì vậy, việc mua hàng bãi giống như việc may rủi, hên xui ai may thì mua được hàng tốt, nhưng cũng có không ít khách hàng đã rơi vào cảnh méo mặt” - anh Quyết khuyến cáo.

“Méo mặt” hậu sử dụng và bảo hành

Một số diễn đàn được chia sẻ trên mạng thảo luận về hàng “nội địa”, đặc biệt là hàng Nhật cho hay: Mua nồi cơm điện về nhưng chỉ được thời gian đầu nấu sau đó có một số nút đơ khiến cơm không chín. Khi đi sửa thì gặp nhiều khó khăn vì linh kiện, đồ điện tử khó kiếm, giá cả rất cao. Hầu hết mọi người đều đồng tình với chất lượng của hàng Nhật tuy nhiên họ cũng không phủ nhận được mức độ rủi ro khi mua hàng Nhật bãi. Độ phổ biến của dòng hàng “nội địa” trong các gia đình ở Hà Nội và các thành phố lớn, đến mức, trên một số trang web các thành viên còn chia sẻ số máy điện thoại... chuyên phiên dịch bản hướng dẫn sử dụng từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt Nam, cùng nhiều địa chỉ chuyên sửa chữa dòng sản phẩm hàng nội địa.

Theo anh Nguyễn Vi Dưỡng một kỹ sư điện tử lâu năm ở Hà Nội thì hàng bãi thường có những nhược điểm như: Bắt buộc phải sử dụng nguồn điện 100V nên với mỗi sản phẩm mua về, khách hàng đều phải “đính kèm” một bộ đổi nguồn; Sản phẩm nhập không chính ngạch nên chỉ có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài nên người dùng rất khó sử dụng; nhiều chức năng nên các nút điều khiển và mức độ sử dụng khá cầu kỳ, phức tạp khiến người sử dụng rất khó vận hành; Các sản phẩm này có cấu tạo, linh kiện không thông dụng nên khi hỏng hóc rất khó để sửa chữa hay thay thế; Tính “thích nghi” với điều kiện thời tiết, độ ẩm của khí hậu ở Việt Nam cũng kém hơn dẫn đến việc nhanh hỏng hóc và gặp sự cố...

Chính bởi những nhược điểm trên nên nhiều người sử dụng cũng rơi vào cảnh “tiền mất tật mang” khi sử dụng hay bảo hành. Anh Đặng Văn Dũng ở Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội) than thở, tôi mua chiếc tủ lạnh Sharp với giá hơn 20 triệu đồng, nhưng dùng vài hôm thì bộ phận làm đá đã bị trục trặc. Khi gọi thợ đến sửa, nhưng năm lần bảy lượt không tìm ra bệnh, đến lúc phải nhờ một thợ chuyên sửa hàng bãi tận Hải Phòng lên mới tìm ra được bệnh, nhưng lại không có đồ thay thế nên tủ lạnh đến nay vẫn đang phải “đắp chiếu” vì phải chờ linh kiện gửi từ nước ngoài về...

Theo kinh nghiệm của nhiều người khi mua hàng nội địa thì chất lượng tốt nhưng cũng lắm rủi ro. Khi mua đồ gia dụng cũ cần chú ý chế độ bảo hành cho sản phẩm vì chỉ có những người thực sự am hiểu mới có thể khắc phục những sự cố, biết cần phải làm thế nào. Bởi đối với những mặt hàng này rất khó để mua linh kiện thay thế khi bị hư hỏng, tốt nhất nên tìm đến cửa hàng chuyên bán và có chế độ bảo hành tốt. Vì vậy, để tránh “1 tiền gà 3 tiền thóc” người tiêu dùng nên thông minh chọn mặt gửi tiền, tránh trường hợp mua về lại phải vứt đi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.