Không chỉ tập trung giảng dạy, ôn luyện cuối cấp ở lớp mà nhiều trường THPT còn áp dụng phương pháp một kèm một để gia cố kiến thức cho học sinh yếu, hỗ trợ cho học trò khá, giỏi nâng cao kiến thức để giúp các em tăng cơ hội trúng tuyển vào nguyên vọng cao nhất.
Phụ đạo miễn phí
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 đang đến gần, thời điểm này thầy và trò Trường THPT Đồng Đăng (Cao Lộc, Lạng Sơn) đang tập trung cao độ để học, ôn luyện chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Để hoạt động này đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm học nhà trường đã rà soát, đánh giá lại năng lực của từng học sinh nhằm có định hướng phương pháp phù hợp giúp học trò đạt được kết quả cao, giảm áp lực tâm lý ôn thi cuối cấp. Ngoài ra, sau học kỳ một, nhóm học sinh có năng lực yếu của Trường THPT Đồng Đăng đã được các thầy, cô tổ chức dạy phụ đạo miễn phí.
Thầy Vũ Sơn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng cho biết: “Năm nay, chúng tôi vẫn sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để hỗ trợ học trò cuối cấp ôn thi. Cụ thể, đối với nhóm học sinh có năng lực khá, giỏi sẽ tổ chức học, nâng cao kiến thức nhằm tăng phổ điểm; đối với nhóm năng lực vừa phải sẽ tập trung ôn theo phương pháp nắm chắc kiến thức cơ bản.
Riêng những em có nguy cơ trượt tốt nghiệp, chúng tôi sẽ tổ chức hỗ trợ các em theo phương thức ‘một kèm một’. Quan tâm, sát sao hơn với trò là cách hữu hiệu nhất giúp các em không cảm thấy áp lực do năng lực mình yếu từ đó dần dần cải thiện điểm”.
Hiện nay, học sinh khối 12 đã bước sang giữa kỳ hai của năm cuối cấp. Thời điểm này, thầy trò nhiều trường vừa học kiến thức mới, vừa gia cố lại kiến thức cũ. Cô Nguyễn Thị Thùy Vân, giáo viên môn Hoá học, Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) cho biết: “Để học sinh nắm chắc kiến thức học kỳ I và một phần nhỏ kiến thức lớp 11 chúng tôi vừa dạy kiến thức mới, vừa ôn lại kiến thức cũ giúp các em nắm vững, tránh bị hổng hoặc quên. Trong suốt quá trình học, chúng tôi cũng thường xuyên giao bài để học sinh luyện và ghi nhớ kiến thức”.
Không chỉ vậy, cô Thúy Vân cùng các đồng nghiệp trong quá trình giảng dạy đã thiết kế bài giảng, bài tập phù hợp với năng lực học sinh nhằm giảm thiểu áp lực tâm lý cho các em. “Trong các phiếu bài tập có 40 câu, 30 câu đầu sẽ dành cho thí sinh thi tốt nghiệp, 10 câu sau dành cho học sinh khá giỏi săn điểm cộng để dùng cho việc xét tuyển vào đại học, cao đẳng”, cô Vân nói.
Ngoài ra, các giáo viên phụ trách giảng dạy lớp 12 ở Trường THPT Xuân Phương cũng dành các tiết học trống giữa buổi của thầy và trò để phụ đạo cho học sinh theo phương pháp “một kèm một”. “Phương pháp một kèm một chúng tôi không chỉ áp dụng với học sinh yếu, trung bình mà ngay cả những học sinh khá giỏi, nếu các em có nhu cầu, mong muốn học đều được chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ.
Phương án một kèm một sẽ tạo thuận lợi cho không chỉ người học mà cả người dạy. Bởi lúc này, người dạy sẽ hiểu và nắm rõ được năng lực của học trò mình, điểm yếu nhất của trò ở đâu để gia cố lại kiến thức lý thuyết từ đó đưa ra cách giảng bài đơn giản nhất của phần kiến thức đó giúp trò lưu nhớ kiến thức sâu hơn”, cô Vân cho biết thêm.
Ảnh minh họa ITN. |
Tạo tâm lý vững vàng cho trò
Để giành được tấm vé vào trường đại học mình mong muốn, Trần Thị Ngọc, lớp 12 Trường THPT Nghèn (Can Lộc, Hà Tĩnh) đã tập trung cao độ trong học tập ngay từ năm đầu vào THPT. Chăm chỉ là vậy, thế nhưng trong thời điểm tất cả thầy trò cùng hối hả dốc sức ôn luyện, em vẫn không tránh khỏi áp lực, lo lắng.
“Ngày em học ở trường, tối về lại đi học thêm. Mặc dù nhiều hôm tan buổi học thêm đã hơn 21 giờ đêm, em vẫn cố dành hai đến ba tiếng tự học. Nhưng qua hai lần thi thử, em chưa đạt được điểm như mình kỳ vọng dẫn đến áp lực tăng lên rất nhiều, đặc biệt trong giai đoạn nước rút này em càng thấy mình phải nỗ lực hơn nữa”, Ngọc chia sẻ tâm tư và cũng cho biết thêm:
Nhà trường đã thấu hiểu những áp lực học sinh đang gặp phải, do đó tại các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp các thầy, cô luôn động viên, chia sẻ kinh nghiệm để giúp học trò giải tỏa sự căng thẳng. Khi học sinh gặp vấn đề trong học tập hay trong quá trình giảng dạy phải “đi” với tốc độ nhanh, những học trò không theo kịp bài giảng có thể trao đổi trực tiếp với giáo viên bộ môn đó hoặc Ban giám hiệu nhà trường để được điều chỉnh hướng giảng dạy, trao truyền kiến thức phù hợp hơn.
Hiện nay, ngoài thời gian ôn thi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thành Hiếu - Trường THPT Xuân Phương (Hà Nội) còn dành thời gian ôn luyện kiến thức để tham gia kỳ thi đánh giá năng lực nhằm tìm kiếm thêm cơ hội xét tuyển vào trường đại học mình mơ ước. \
Hiếu cho biết: “Các kỳ thi đang ngày một đến gần với học sinh lớp 12, do đó áp lực tâm lý, sự lo lắng trong em và các bạn tăng lên là điều không tránh khỏi. Bên cạnh đó, việc cùng lúc tham dự hai kỳ thi khiến em gần như không có thời gian rảnh để tham gia các hoạt động thể thao, rèn luyện thể chất hay thư giãn giải trí dành cho bản thân mà phải ưu tiên hàng đầu cho việc học, luyện đề, gia cố lại kiến thức cũ trước đó đã học để tránh bị quên”.
Thấu hiểu những áp lực học sinh cuối cấp đang gặp phải, thầy Vũ Sơn Hải - Hiệu trưởng Trường THPT Đồng Đăng thường xuyên nhắc nhở, lưu ý giáo viên phải lắng nghe, động viên học trò, khi phát hiện học trò bị áp lực quá cần có phương pháp hỗ trợ, thậm chí phối hợp với gia đình để làm tốt vấn đề tư vấn, gỡ rối giúp các em vững tâm và thoải mái tinh thần để học tập.
“Trường THPT Xuân Phương đặc biệt chú trọng vào công tác phối hợp giữa nhà trường với phụ huynh để cùng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh học tập. Trong các cuộc họp phụ huynh, nhà trường cũng trao đổi cởi mở, thẳng thắn với phụ huynh về năng lực của học trò, những vấn đề sức khỏe tinh thần, áp lực tâm lý cuối cấp của học sinh để cùng phụ huynh đồng hành, phối hợp với nhà trường, hỗ trợ thiết thực nhất cho các em”, cô Nguyễn Thị Thuỳ Vân chia sẻ.