Môi trường GD không gò bó
Giữa lúc ôn luyện chuẩn bị cho kỹ thi đầu vào đại học, Zion Utsey rời mắt khỏi chiếc máy tính xách tay để trên bàn và vỗ bàn tay theo nhịp xuống mặt bàn.
“Hãy xem, nếu ở trường thì hành động vậy sẽ gặp rắc rối” – Monica Utsey, giáo viên và cũng là mẹ Zion, mỉm cười hài lòng – “Nhưng tôi biết khi nó mệt mỏi hoặc suy nghĩ thì nó sẽ ngừng lại và vỗ nhịp xuống bàn 5 phút”.
Mặc dù đang ở nhà riêng tại Washington, Zion, 17 tuổi, thực tế là đang ở trường: Cậu, cùng với em trai 10 tuổi Ayinde, là 2 trong khoảng 1,8 triệu học sinh theo hình thức “GD tại gia” tại Mỹ.
Gia đình Utseys cũng nằm trong nhóm người Mỹ gốc Phi tìm đến hình thức “GD tại gia” đang gia tăng – họ không hài lòng với GD chính thống và muốn tự tay GD con cái.
Nhiều phụ huynh muốn trẻ ở nhà học hành là để có một bầu không khí GD tự do hơn, bên cạnh đó là những lí do về tôn giáo hoặc đạo đức. Nhưng với Utsey thì lí do lựa chọn GD tại gia là lo con trai lớn lên mà không có sự nhận thức đầy đủ về di sản châu Phi.
Chờ đợi trợ giúp
Giống như nhiều phụ huynh da đen khác, Utsey cũng chỉ ra chủ nghĩa phân biệt chủng tộc. Chính sách kỉ luật trong trường học Mỹ được coi là không bình đẳng về sắc tộc: Học sinh da đen chiếm khoảng 40% tổng số học sinh bị đình chỉ học nhiều lần – theo Hiệp hội Các quyền tự do dân sự Mỹ - mặc dù chỉ chiếm 16% tổng số tuyển sinh trường công.
“Tôi chưa bao giờ muốn con mình phải đi qua máy rà kim loại khi vào trường” – Utsey nói về các con trai – “Tôi muốn chúng cảm thấy tuyệt vời về nguồn gốc của mình – điều mà nhà trường ít đề cập đến”.
Theo Mazama thì hầu hết những phụ huynh da đen mà cô gặp gỡ đều bày tỏ “sự không hài lòng với hệ thống trường công có nhiều rào cản hoà nhập”. “Những người Mỹ gốc Phi thực sự rất khó hoà nhập vào trường công và điều này vẫn đúng sau 50 năm nhìn lại” – Mazama cho biết – “Trẻ da đen vẫn bị phớt lờ và không được tôn trọng”.
Khi Zion bắt đầu đến tuổi đi học, cho con học tại nhà nhưng Utsey vẫn nghĩ rằng đến lúc nào đó sẽ cho con đi học trường chính thống. Cô tập trung vào dạy văn minh và lịch sử châu Phi. “Tôi nghĩ nếu đếu trường, thằng bé sẽ bị “dội bom” những kiến thức về thời kì nô lệ. Vì thế, tôi tập trung vào giai đoạn lịch sử huy hoàng trước đó của người da đen” – Utsey cho biết.
Đến khi Zion 10 tuổi, Utsey quyết định cho con học tại nhà cho đến tuổi vào đại học.
Năm 2004, Utsey sáng lập Cộng đồng GD tại nhà Sankofa để hỗ trợ những gia đình GD tại gia tại Washington. Từ năm 2012, Cộng đồng này cung cấp các khoá học về lịch sử và văn hoá châu Phi qua mạng.
Là bà mẹ đơn thân sau khi chồng qua đời năm 2013, Utsey vừa phải lo dạy 2 con, vừa làm bán thời gian tại một trung tâm thanh thiếu niên. Điều Utsey mong muốn là chính quyền hỗ trợ tài chính giúp đỡ những phụ huynh dạy con tại nhà như cô.