Quốc gia tổ chức thi đại học
Chính phủ Trung Quốc thông báo tổ chức "gao kao" - kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia vào tháng 7. Quyết định này là một dấu hiệu cho thấy niềm hy vọng của các nhà chức trách trong việc khôi phục các hoạt động vào mùa hè, sau thời gian dài phong toả đất nước do Covid-19.
Mặc dù đây là một động thái tích cực, nhưng chính phủ vẫn hết sức thận trọng. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, thủ đô Bắc Kinh và tỉnh Hồ Bắc vẫn chưa đưa ra quyết định về việc tổ chức "gao kao" trong tháng 7.
Kỳ thi đại học tại Trung Quốc đã bị hoãn khoảng một tháng so với thông thường và được tổ chức vào ngày 7 - 8/7 ở hầu hết các vùng của đất nước. Theo dự kiến, khoảng 10,71 triệu học sinh có thể tham dự kỳ thi này.
Các trường trung học ở Trung Quốc đã bị đóng cửa từ tháng 2. Vì vậy, thông báo về kỳ thi có thể là một "cú sốc" đối với không ít người. Nhiều phụ huynh và các nhà giáo dục nhận định, học sinh ở các khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh sẽ khó có thời gian chuẩn bị cả về mặt học thuật và cảm xúc.
Những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Trung Quốc được cho là sẽ tụt lại phía sau. Mặc dù các khóa học luyện thi có sẵn trực tuyến, nhưng tỷ lệ tiếp cận Internet của Trung Quốc chỉ là 60%. Con số này thấp hơn đáng kể so với hầu hết các nước phát triển và gây bất lợi cho các gia đình thu nhập thấp hoặc người sống ở vùng hẻo lánh.
Khác với nhiều bài kiểm tra cuối năm học ở các quốc gia khác trên toàn cầu, "gao kao" được tổ chức bởi Chính phủ Trung Quốc, thay vì một tổ chức tư nhân. Do đó, đây được coi là kỳ thi quan trọng nhất đối với học sinh Trung Quốc.
Ngày 24/4, khoảng hơn 3.000 thí sinh Hồng Kông đã tham gia thi đại học, gồm các môn hóa học, khoa học hoặc khoa học tích hợp. Ngày 25/4 có tới 13.000 người học tham dự kỳ thi. Tổng cộng có 350 địa điểm thi đại học được sắp xếp trong các trường trung học.
Tất cả các thí sinh và giám thị đều đeo khẩu trang, sát trùng tay và được yêu cầu giữ khoảng cách với nhau để giảm thiểu nguy cơ lây Covid-19 trong lúc chờ đến giờ thi. Nước sát trùng được cung cấp ở cổng vào và bên trong phòng thi. Bên cạnh đó, các thí sinh được yêu cầu tránh dùng phòng vệ sinh, hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19.
Chính quyền Hồng Kông đề nghị các thí sinh hãy ở nhà nếu cảm thấy không khoẻ. Trước đó, một thí sinh đã nôn trong phòng vệ sinh của Trung tâm thi đại học Lions, khiến những người thi cùng lo ngại nhiễm bệnh.
Kỳ thi đại học tại Hồng Kông được tổ chức sau 1 tháng trì hoãn do sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Sở Giáo dục Hồng Kông áp dụng các biện pháp ngăn chặn nguy cơ truyền nhiễm, như sắp xếp bàn thi ở khoảng cách ít nhất 1,8m, yêu cầu mọi thí sinh và giám thị phải đeo khẩu trang. Trước khi bước vào phòng thi, các thí sinh được đo thân nhiệt. Thí sinh nào có thân nhiệt cao hơn 38 độ C đều phải rời khỏi phòng và được đưa đến bác sĩ ngay lập tức.
Mới đây, Bộ Giáo dục Nhật Bản cho biết, đang cân nhắc tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học vào tháng 1/2021 theo kế hoạch. Động thái này được đưa ra sau khi các trường học tại nước này phải đóng cửa nhiều tháng do Covid-19.
Bộ Giáo dục cho biết có khả năng tổ chức kỳ thi vào ngày 16 và 17/1, sau khi thực hiện khảo sát đối với 5.276 trường trung học công lập và tư thục trên toàn quốc. Kết quả khảo sát cho thấy, 69% tổ chức giáo dục hy vọng các kỳ thi sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch.
Không ít ý kiến cho rằng, giới chức Nhật Bản nên hoãn lại kỳ thi đại học, sau khi các lớp học bị trì hoãn và trường học đóng cửa. Thông thường, năm học mới tại Nhật Bản bắt đầu vào tháng 4. Khi tình trạng khẩn cấp toàn quốc được dỡ bỏ vào cuối tháng 5, nhiều trường học Nhật Bản đã hoạt động trở lại. Bộ Giáo dục nước này cho biết sẽ xem xét hoãn kỳ thi đại học nếu đại dịch tiếp tục bùng phát.
Kỳ thi tuyển sinh đại học tiêu chuẩn tại Nhật Bản được tổ chức vào giữa tháng 1 hằng năm. Các bài kiểm tra tiêu chuẩn vào năm tới sẽ có định dạng câu hỏi mới.
Các quốc gia hoãn thi
Bộ trưởng Giáo dục Pháp thông báo hồi đầu tháng 4, nước này sẽ hoãn kỳ thi đại học truyền thống "baccalaureat" - bac, do Covid-19. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1808, kỳ thi "bac" sẽ không diễn ra theo hình thức truyền thống. Bộ trưởng Giáo dục Pháp Jean-Michel Blanquer cho biết, học sinh sẽ nhận được điểm trung bình mỗi môn được tính từ các bài kiểm tra và bài tập về nhà trong cả năm.
Theo ông Blanquer, đây là giải pháp đơn giản, an toàn và công bằng nhất trong thời điểm khó khăn hiện tại. Do sự bùng phát của đại dịch, các trường học tại Pháp đã đóng cửa từ đầu tháng 3, nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus.
Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Campuchia đã quyết định hoãn các kỳ thi đối phó với đại dịch. Đầu tháng 4, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao Hang Chuon Naron thông báo, hai kỳ thi quốc gia tại nước này sẽ bị hoãn lại, thay vì diễn ra vào tháng 8 như dự kiến. "Bộ sẽ xác định và thông báo lịch thi sau đó", ông Hang Chuon Naron cho biết.
Bộ trưởng Giáo dục Campuchia khuyến cáo, tất cả học sinh nên tự học ở nhà bằng cách sử dụng sách giáo khoa và tham gia chương trình học trực tuyến. Nhà lãnh đạo này nhận định, kỳ thi quốc gia có thể diễn ra vào cuối năm, tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh.
Các trường học tại Campuchia được yêu cầu đóng cửa từ giữa tháng 3. Mặc dù chuyển sang hình thức giảng dạy trực tuyến, nhưng hầu hết sinh viên sống ở khu vực nông thôn hoặc không có điện thoại thông minh hay máy tính không thể tham gia khóa học. Do đó, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao đã hợp tác với Bộ Thông tin để tổ chức các chương trình truyền hình giáo dục, tăng khả năng tiếp cận giáo dục của người học.
Kỳ thi toàn quốc (USE) tại Nga vào năm 2020 được thông báo sẽ bị hoãn lại do đại dịch. Trước đó, các nhà chức trách tuyên bố sẽ hoãn kỳ thi và tổ chức vào ngày 8/6. Tuy nhiên, trước bối cảnh đại dịch có diễn biến phức tạp, giới chức nước này tiếp tục trì hoãn cuộc thi và chưa đưa ra ngày cụ thể.
Bộ Giáo dục Nga cho biết, quyết định này được đưa ra do các khuyến nghị của cơ quan y tế, dựa trên tình hình dịch tễ học trong nước cũng như những yêu cầu cần thiết để bảo vệ sức khỏe của trẻ em và giáo viên. Trong khi đó, hãng thông tấn Nga RIA tiết lộ, các kỳ thi USE có thể bị hủy đối với những người không có kế hoạch vào trường đại học. Ngoài ra, điểm trung bình hằng năm của sinh viên có thể được chấp nhận là điểm thi cuối cùng.
Trước đó, Dịch vụ Giám sát Giáo dục và Khoa học Liên bang đã xem xét khả năng tổ chức kỳ thi USE vào tháng 8 hoặc tháng 9 và chỉ dành cho những người sẽ đăng ký cho kỳ thi tuyển sinh đại học trong tương lai.
Các quốc gia huỷ thi
Theo tờ Straits Times, để giảm bớt lo lắng cho học sinh trong mùa dịch, Bộ Giáo dục quyết định sẽ hủy kỳ thi giữa năm. Tuy vậy, các kỳ thi quốc gia gồm đại học, tốt nghiệp tiểu học, O level, N level và A level... vẫn sẽ được tiến hành bình thường, dù các trường học tại đây vừa tái hoạt động. Học sinh sẽ được bố trí ngồi ở khoảng cách đủ an toàn.
Bộ Giáo dục Singapore đã thông báo, trong trường hợp người học nghỉ quá lâu, Bộ sẽ cân nhắc giảm khối lượng kiến thức trong các bài thi, loại bỏ một số chủ đề trong chương trình học để học sinh tiếp thu kiến thức nhẹ nhàng hơn. Mới đây, Bộ Giáo dục Singapore cũng đưa ra phương án cho phép học sinh học xen kẽ giữa hình thức trực tuyến và trực tiếp.
Tại nhiều khu vực của Ấn Độ, học sinh từ lớp 1 - 9 sẽ được tự động lên lớp mà không phải thi. Ngoài ra, các kỳ thi đầu vào đại học, cao đẳng cũng đã được công bố hoãn vì dịch bệnh. Truyền thông Ấn Độ cho biết, Bộ Giáo dục nước này đang nghiên cứu kế hoạch thay đổi thời gian học cho các trường trung học và đại học, cũng như thời điểm bắt đầu lại kỳ học mới khi các trường mở lại sau thời gian phong tỏa.
Chính phủ Anh cũng chọn giải pháp để các giáo viên tự thẩm định, chấm điểm cho học sinh, dựa trên những cơ sở cụ thể thay cho điểm số các bài thi GCSE (chứng chỉ giáo dục trung học phổ thông) và A-level (chứng chỉ giáo dục phổ thông bậc cao). Các khoá thi để cấp chứng chỉ trên đã bị hủy vì dịch Covid-19.
Indonesia đã hủy bỏ kỳ thi quốc gia vì lo ngại về sự lây lan của Covid-19. Động thái này được cho là sẽ ảnh hưởng đến hơn 8 triệu học sinh trung học. Chính phủ và các nhà lập pháp Indonesia đang xem xét biện pháp thay thế kỳ thi quốc gia, như sử dụng kết quả đánh giá dựa trên điểm học tập 3 năm học đối với học sinh THCS và THPT, 6 năm học đối với học sinh tiểu học hoặc tổ chức thi trực tuyến.
"Điều quan trọng nhất là sự an toàn và sức khỏe của học sinh và gia đình của các em", Bộ trưởng Giáo dục Indonesia từng phát biểu.
Thông thường, kỳ thi quốc gia tại Indonesia được tổ chức theo hai giai đoạn, bắt đầu từ ngày 30/3 và ngày 20/4.
Thời gian tốt nghiệp của các nước khá đa dạng, nhưng phần lớn kết thúc năm học vào tháng 5 hoặc tháng 6. Có một số ít nước kết thúc năm học vào cuối năm dương lịch và lịch học năm mới vào đầu năm như: Australia, New Zealand, Nhật Bản…Ở các quốc gia này, hoạt động đánh giá tốt nghiệp được cho là sẽ đỡ bị ảnh hưởng hơn bởi dịch Covid-19.