Một chiếc tàu ngầm lớp Scorpene. Ảnh: PTI.
Vụ rò rỉ được tiết lộ lần đầu tiên trên báo Úc The Australian hôm qua. Trong hơn 22.000 trang có phần đề cập năng lực chiến đấu bí mật của 6 tàu ngầm mà DCNS đã thiết kế cho Hải quân Ấn Độ. Một số trang tài liệu còn nói về mẫu tàu ngầm lớp Scorpene, nhưng không đề cập chi tiết loại tàu đang được thiết kế cho hạm đội của Úc. “Sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và mọi cách đều có thể bị sử dụng trong bối cảnh này. Ấn Độ, Úc và những nước khác cũng có thể chất vấn DCNS. Đó là một trong những công cụ của chiến tranh kinh tế”, phát ngôn viên của DCNS nói.
DCNS cho biết, đây là vấn đề nghiêm trọng liên quan chương trình tàu ngầm của Ấn Độ nên giới chức an ninh - quốc phòng Pháp sẽ chính thức điều tra và xác định bản chất chính xác của vụ rò rỉ tài liệu. Đại diện DCNS nói rằng, thông tin liên quan Ấn Độ không dính dáng chương trình tàu ngầm của Úc và chương trình này hoạt động theo những quy định về bảo vệ thông tin nhạy cảm của chính phủ Úc.
Ấn Độ điều tra
Ấn Độ hôm qua cho biết họ đang điều tra mức độ rò rỉ thông tin về các tàu ngầm Scorpene mà hãng đóng tàu Pháp đang chế tạo cho họ. “Tôi hiểu đây là trường hợp bị tin tặc tấn công. Chúng tôi sẽ tìm ra chân tướng sự việc”, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar nói với các phóng viên. Các tàu Scorpene đang được chế tạo tại một xưởng đóng tàu nhà nước ở Mumbai và chiếc tàu đầu tiên dự kiến bắt đầu hoạt động vào cuối năm nay, từng bước hiện thực hóa nỗ lực của Ấn Độ nhằm thay thế đội tàu cũ.
Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, vụ rò rỉ thông tin xảy ra ở nước ngoài, nhưng không cung cấp thông tin cụ thể. Ông Uday Bhaskar, một cựu quan chức hải quân Ấn Độ, cho rằng, nếu thông tin bị rò rỉ là đúng thì nó sẽ ảnh hưởng đáng kể đến mức độ tin tưởng của các tàu ngầm này. Ấn Độ đang có 13 tàu ngầm già cỗi, chỉ một nửa trong số đó còn hoạt động, tạo nên khoảng cách lớn với Trung Quốc khi Bắc Kinh đang mở rộng hiện diện trên Ấn Độ Dương.
Trong khi đó, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tìm cách trấn an về vụ rò rỉ, nhấn mạnh rằng, Úc có tiêu chuẩn an ninh cao. Các tàu mà Úc đặt hàng đang được chế tạo tại nước này. Báo The Australian đưa tin, vụ rò rỉ xảy ra tại Pháp. “Nhưng rõ ràng đó là một sự nhắc nhở, đặc biệt trong thế giới kỹ thuật số này, rằng an ninh mạng có tầm quan trọng chiến lược”, ông Turnbull nói với kênh truyền hình Seven TV.
Thông tin chi tiết trong tài liệu bị rò rỉ gây ra vấn đề chiến lược lớn đối với Ấn Độ, Malaysia và Chile vì những nước này đều sử dụng cùng loại tàu ngầm, Reuters dẫn một nguồn tin chính trị từ Úc với vài chục năm kinh nghiệm trong ngành công nghiệp vũ khí toàn cầu.
Bản tóm tắt tài liệu rò rỉ mà báo The Australian đăng tải chứa thông tin nhạy cảm cao về tàu ngầm, trong đó có các hướng dẫn kỹ thuật và mẫu ăng-ten của tàu. “Nếu có đến 22.400 trang tài liệu bị tung ra thì đó là vụ lớn”, nguồn tin nói. “Các tài liệu này có thể giúp người ta hiểu mọi thứ về mẫu tàu ngầm, như tốc độ, độ ồn, mức tăng tốc… Tất cả những điều đó đều rất nguy hiểm”, nguồn tin nói.
Vụ rò rỉ được tiết lộ trong bối cảnh Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne thông báo bà sẽ thăm Nhật Bản và gặp người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada. Đây là chuyến thăm đầu tiên của bộ trưởng quốc phòng Úc đến Nhật Bản từ khi kết quả thầu được công bố.