Nhiều ngành tuyển 'trắng' thí sinh

GD&TĐ - Dù thực hiện xét tuyển bổ sung một đến hai đợt nhưng tới thời điểm này, nhiều ngành ở không ít trường đại học vẫn không kiếm ra người học.

Sinh viên tìm kiếm cơ hội trong một ngày hội việc làm.
Sinh viên tìm kiếm cơ hội trong một ngày hội việc làm.

Đáng nói, một số ngành học “đỏ mắt” tìm thí sinh đang khan hiếm nhân lực, thậm chí có ngành doanh nghiệp còn đặt hàng nhà trường đào tạo.

Trầy trật tuyển sinh vẫn không có người học

Kết thúc đợt xét tuyển lần thứ 2, Trường ĐH Tây Nguyên vẫn buộc phải thông báo xét tuyển tiếp đợt 3 khi một số ngành đào tạo vẫn khá thưa thớt thí sinh. Trong danh sách trúng tuyển đợt 2 mà Trường ĐH Tây Nguyên công bố (317 thí sinh) thì nhóm ngành đào tạo có lượng thí sinh trúng tuyển đợt 1 cực thấp vẫn không tuyển thêm được bao nhiêu.

Đơn cử, ngành chăn nuôi chỉ có 1 thí sinh trúng tuyển, trong khi đợt 1 ngành này chỉ có 8 em. Ngành khoa học cây trồng tuyển được 1 thí sinh (đợt 1 có 4), ngành lâm sinh cả hai đợt tuyển cũng chỉ có vỏn vẹn 6 thí sinh (3 thí sinh mỗi đợt). Khá hơn một chút là ngành kinh tế nông nghiệp đợt xét tuyển thứ hai có thêm 5 thí sinh (đợt 1 tuyển được 12 em); ngành công nghệ sinh học đợt 2 tuyển được thêm 5 thí sinh… Cá biệt, có 4 ngành gồm sinh học, công nghệ kỹ thuật môi trường, công nghệ sau thu hoạch, quản lý tài nguyên rừng không tuyển được thí sinh nào.

Tương tự, ở Trường ĐH Kiên Giang, nhóm ngành học gắn chặt với đặc thù nhân lực của địa phương cũng tuyển sinh rất chật vật như: Công nghệ kỹ thuật môi trường trong danh sách trúng tuyển đợt 1 chỉ tuyển được 4 thí sinh, ngành chăn nuôi tuyển được 7 thí sinh, ngành khoa học cây trồng: 7 thí sinh, ngành tiếng Việt và văn hóa Việt Nam: 9 thí sinh, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa 12 em…

Trong khi đó, nhóm ngành mà nhu cầu nhân lực địa phương không quá bức thiết lại tuyển rất tốt. Đơn cử như ngành công nghệ ô tô có 103 thí sinh trúng tuyển, kế toán 135, quản trị kinh doanh 201, công nghệ thông tin 192.

Tại Trường ĐH Đà Lạt, một số ngành chỉ có 1 - 2 thí sinh trúng tuyển như công nghệ sau thu hoạch (1 thí sinh), ngành sinh học: 2 thí sinh, ngành vật lý học có 2 thí sinh, ngành công nghệ kỹ thuật môi trường: 5 em, ngành lịch sử tuyển được 5 thí sinh, ngành Việt Nam học có 9 thí sinh, ngành kỹ thuật hạt nhân: 7 thí sinh.

“Trường đã rất cố gắng tăng sức hút cho nhóm ngành trên bằng chính sách học bổng, đào tạo gắn với địa chỉ… nhưng ở chính sách tầm vĩ mô (chính sách thu hút, mức lương sau ra trường, môi trường công tác), thì trường không thể can thiệp được, nên thí sinh vẫn khá e dè khi theo học. Mặc dù, số lượng thí sinh trúng tuyển một số ngành rất ít nhưng trường vẫn phải đào tạo, vì đó là nhiệm vụ của trường trong việc bảo đảm đào tạo nhân lực cho địa phương và vùng”, đại diện Phòng Đào tạo cho biết.

Nhìn nhận về thực trạng khó tuyển sinh ở những ngành học mang tính đặc thù, truyền thống của nhà trường nhiều năm qua, đại diện Phòng Đào tạo, Trường ĐH Tây Nguyên cho biết, nhiều năm nay, dù thực hiện nhiều giải pháp nhưng thí sinh vẫn chê, thậm chí nhiều em có tên trong danh sách trúng tuyển cuối cùng vẫn bỏ.

Giải pháp nào?

TS Mai Hải Châu - Phó Giám đốc Phân hiệu Trường Đại học Lâm Nghiệp tại Đồng Nai - cho rằng, việc nhiều ngành học thuộc lĩnh vực trọng yếu của đất nước nhưng khan hiếm người học có nguyên nhân từ nhiều phía. Trong đó, một phần từ sự hiểu biết chưa đầy đủ, đúng đắn của người học về các ngành trên. Mặt khác, công tác hướng nghiệp và định hướng nghề trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 chưa toàn diện, đầy đủ đã dẫn đến cái nhìn thiếu tích cực về một số ngành nghề có tính đặc thù.

Công tác tư vấn hướng nghiệp đóng vai trò dẫn dắt rất lớn cho việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh.

Công tác tư vấn hướng nghiệp đóng vai trò dẫn dắt rất lớn cho việc lựa chọn ngành nghề của thí sinh.

“Là nước nông nghiệp, dân số và lao động trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ trọng yếu. Tuy vậy, khi nói đến tác động của cuộc cách mạng 4.0, sự chuyển dịch của nền kinh tế theo hướng số hóa, công nghệ thông minh dẫn dắt… hoạt động truyền thông và tư vấn đã có sự định hướng chưa rõ ràng. Cách mạng công nghiệp ở mọi mặt của đời sống xã hội, nó len lỏi và tác động ở mọi ngành nghề chứ 4.0 đâu chỉ có công nghệ thông tin, IT, trí tuệ nhân tạo… 4.0 còn có thể là sự bùng nổ ở nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sinh học…”, TS Mai Hải Châu nói.

Thực tế, trong 4 - 5 năm trở lại đây, những ngành khan hiếm người học phần nhiều liên quan mật thiết đến phát triển kinh tế nông nghiệp cây trồng, nông lâm thủy sản của nước ta như: Chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, công nghệ sinh học hay quản lý tài nguyên môi trường, lâm sinh…

Theo TS Hải Châu, những ngành học này trong bối cảnh đất nước hội nhập, tiệm cận với thành tựu của khoa học công nghệ đã và đang chuyển mình rất mạnh mẽ. Tuy vậy, với tên gọi đặc trưng và môi trường công tác của nghề, sức hút của nhóm ngành trên so với những nhóm ngành phát triển dựa trên nền tảng lõi của công nghệ (công nghệ thông tin, thương mại điện tử, AI, khoa học máy tính…) vẫn kém sức hấp dẫn với thí sinh.

TS Trần Đình Lý - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TPHCM - nhìn nhận, đã đến lúc phụ huynh, thí sinh phải thay đổi quan niệm cho rằng học nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp hay môi trường thì khó xin việc, hoặc chỉ có thể làm nông nghiệp, kiểm lâm hay nhân viên nhà máy gỗ. Không ít người chưa hiểu được tầm quan trọng của ngành lâm nghiệp cũng như nhu cầu nhân lực chất lượng cao cho ngành này.

Hiện nay, nhóm ngành chế biến lâm sản, quản lý tài nguyên rừng hay quản lý tài nguyên môi trường được doanh nghiệp khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đặt hàng đào tạo rất lớn. Nhóm ngành này ngoài việc được doanh nghiệp săn đón từ khi bắt đầu đào tạo, sinh viên còn có cơ hội nhận học bổng toàn phần hoặc bán phần nếu đồng ý sau khi ra trường công tác tại đơn vị đặt hàng một khoảng thời gian nhất định.

“Mức thu nhập của người làm lĩnh vực chế biến lâm sản hay công nghệ sinh học, nông nghiệp chất lượng cao đều rất cao, dao động từ 8 - 14 triệu đồng/sinh viên/tháng khi mới ra trường. Đây là mức thu nhập đáng mơ ước trong bối cảnh cạnh tranh vị trí việc làm trong khu vực khá gay gắt”, TS Trần Đình Lý cho biết.

Chúng ta định hướng việc phải giữ cho được 42% diện tích bao phủ của rừng để đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc gia và phòng chống thiên tai, thế nhưng lại thiếu đi chính sách mang tầm vĩ mô về việc đào tạo, thu hút, đãi ngộ cho nhóm ngành nghề có tính đặc thù, trọng yếu của đất nước thì làm sao thu hút người học. Một cử nhân quản lý tài nguyên rừng sau 4 năm học tập, ra công tác ở môi trường nhiều rủi ro và khó khăn nhưng thu nhập chỉ ở mức 5 - 6 triệu đồng/tháng thì rất khó để hút được người học. - TS Mai Hải Châu

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.