Thị trường lao động dịp cuối năm:

Nhiều ngành nghề khát nhân lực

GD&TĐ - Thị trường lao động có sự phục hồi nhanh và tương đối ổn định, dự báo nhiều ngành nghề sẽ khát nhân lực trong quý cuối cùng của năm 2022.

Nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cuối năm. Ảnh minh hoạ
Nhiều ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cuối năm. Ảnh minh hoạ

Xu hướng tuyển dụng đa dạng

Báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, đến hết 9 tháng năm 2022, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 51,6 triệu người, cao hơn 1,2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Theo nhận định của cơ quan này, một trong những “bệ đỡ” cho thị trường lao động phục hồi đó là dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên đà phục hồi mạnh.

Thị trường lao động khởi sắc trở lại khiến nhu cầu tuyển dụng ở một số nhóm ngành nghề trong quý cuối năm dự kiến cũng tăng mạnh, nhất là tại các thị trường lao động lớn.

Tại Hà Nội, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội nhận định, những tháng cuối năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục tăng lên. Đây cũng là thời điểm các doanh nghiệp sẽ có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để phục vụ cho việc hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết và phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn như Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Theo ông Thành, các vị trí có chất lượng cùng quyền lợi và mức thu nhập thỏa đáng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động chưa có việc làm tìm kiếm việc làm phù hợp. Cùng với đó là người lao động đang hưởng trợ cấp thất nghiệp sớm quay trở lại thị trường lao động.

Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cũng dự báo rằng, xu hướng tuyển dụng những tháng cuối năm sẽ rất đa dạng. Trong đó tập trung chủ yếu ở những ngành nghề liên quan đến thương mại – dịch vụ, sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo, điện tử, dệt may - da giày, xây dựng, công nghệ thông tin, chăm sóc sức khỏe...

Các phiên giao dịch việc làm tổ chức từ tháng 10 cho đến cuối năm cũng là dịp để đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của những ngành như du lịch, dịch vụ, logistic… đang gia tăng với các vị trí việc làm bán thời gian, lao động thời vụ.

Tại TPHCM, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, dự kiến 3 tháng cuối năm 2022, thành phố sẽ cần 69.500 - 77.100 lao động để phục vụ sản xuất các đơn hàng Tết.

Nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu ở 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 ngành dịch vụ chủ chốt, đặc biệt tăng cao ở nhóm thương mại - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng...

Khảo sát của đơn vị này cũng cho thấy, nhu cầu tuyển dụng dịp cuối năm chủ yếu là lao động đã qua đào tạo, chiếm đến 84%. Song cuối năm cũng là thời điểm nhiều doanh nghiệp sẽ ồ ạt tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm dịp Tết, chiếm 15%.

Ổn định thị trường lao động

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đánh giá, đến nay sau 9 tháng, nhiều nhiệm vụ về phát triển thị trường lao động đã hoàn thành trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn do chịu tác động rất lớn từ thế giới cũng như dịch bệnh Covid-19.

Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, năm 2021, Bộ đã rất lo lắng thị trường lao động bị xáo trộn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, đến nay, thị trường lao động đã tương đối ổn định, không bị đứt gãy nguồn cung ứng.

Các doanh nghiệp hiện có lượng lao động tương đối dồi dào, tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp là một nỗ lực rất lớn trong bối cảnh khó khăn, lạm phát đang diễn biến toàn cầu. Những vùng kinh tế trọng điểm như TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương vẫn thu hút FDI tốt, hiện tình trạng thiếu lao động cục bộ chỉ diễn ra ở một vài nơi.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tới đây, sẽ từng bước cân đối lực lượng lao động trong nước và đi nước ngoài theo hướng có lợi nhất cho người lao động. Theo đó, việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sẽ theo hướng có chọn lọc hơn là đưa lao động các huyện nghèo, và lao động có trình độ kỹ năng nghề cao để trở về phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Cùng với đó, tiếp tục triển khai các biện pháp ổn định và phát triển thị trường truyền thống. Đồng thời đàm phán với phía Hàn Quốc để ký kết Bản ghi nhớ phái cử và tiếp nhận lao động đi làm việc tại nước này theo Chương trình EPS, thúc đẩy việc ký kết Thỏa thuận hợp tác lao động với Angieri, Cô-oét. Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuẩn bị nguồn, đào tạo, nâng cao chất lượng và phát triển nguồn nhân lực góp phần quan trọng vào việc phát triển và mở rộng thị trường.

Với thị trường trong nước, Bộ sẽ tiếp tục phát triển hệ thống thông tin thị trường lao động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, thực hiện số hoá nhằm tăng khả năng kết nối cung - cầu lao động trên thị trường.

Theo Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, nhu cầu lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn trong ba tháng cuối năm 2022 ước khoảng 69.500 - 77.100 chỗ làm việc. Đặc biệt là tập trung vào dịp cuối năm nhằm phục vụ sản xuất các đơn hàng Tết.

Cụ thể, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 66%), tiếp đến là lĩnh vực công nghiệp - xây dựng (chiếm 33%). Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 56%, trong đó 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố chiếm 19%. Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết, chiếm 15%.

Khảo sát của Trung tâm Dự báo nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết thêm, nhu cầu tuyển dụng chủ yếu là lao động đã qua đào tạo chiếm 84%. Trong đó, trình độ đại học trở lên chiếm 16%, cao đẳng 24%, trung cấp 28%, sơ cấp 14%.

Cũng theo đơn vị này, trong 9 tháng đầu năm 2022, TPHCM đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 241.000 lượt lao động, tăng 36,18% so cùng kỳ năm 2021. Trong đó, số chỗ việc làm mới tạo ra là hơn 107.000 chỗ, tăng 30,9% so cùng kỳ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.