Nhiều ngân hàng 'rục rịch' tăng lãi suất tiết kiệm, vì sao?

GD&TĐ - Nguyên nhân của việc tăng lãi suất một phần do tiền gửi có xu hướng giảm (-0,76% tính đến 25/3), trong khi tín dụng bắt đầu tăng trưởng dương (0,26%).

Nhiều ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm trở lại từ đầu tháng 4 đến nay. Ảnh: HDB
Nhiều ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất tiết kiệm trở lại từ đầu tháng 4 đến nay. Ảnh: HDB

Tính từ đầu tháng 4 đến nay, một loạt ngân hàng đã tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn, gồm: VIB, HDBank, MSB, Eximbank, NCB, VPBank, KienLong Bank…

Chẳng hạn, tại Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB), nhà băng này đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng thêm 0,1%/năm đưa lãi suất lên niêm yết ở mức 2,6%/năm.

Trong khi đó, tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), lãi suất huy động ở một số kỳ hạn dài tăng tới 0,3%/năm đưa lãi suất áp dụng cho kỳ hạn 24-36 tháng vượt 5%/năm; lãi suất kỳ hạn 12-18 tháng cũng tăng lên 4,8%/năm.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cũng tăng thêm 0,2%/năm lãi suất một số kỳ hạn.

Cụ thể, Kienlongbank niêm yết lãi suất tiền gửi trực tuyến kỳ hạn từ 6-36 tháng từ 4,4-5,5%/năm. Trong khi Eximbank niêm yết lãi suất kỳ hạn từ 6-9 tháng ở mức 4,1%/năm.

Ngoài ra, còn có Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) nhích tăng lãi suất từ 0,1-0,2%/năm tại một số kỳ hạn.

Ở chiều ngược lại, một số ngân hàng vẫn giảm lãi suất huy động kể từ đầu tháng 4 gồm: Vietcombank, PGBank, SCB, Techcombank, ABBank, Dong A Bank, Viet A Bank, Nam A Bank.

Chuyên gia kinh tế Trương Hiền Phương, nhận định, chính sách của Chính phủ là giữ ổn định lãi suất và duy trì xu hướng giảm, hỗ trợ chi phí lãi vay cho các chủ thể trong nền kinh tế, qua đó tăng khả năng tiếp cận tín dụng để thúc đẩy tín dụng tăng trưởng trong năm 2024.

Ngoài ra, các ngân hàng trong nhóm dẫn đầu vẫn điều chỉnh giảm, kéo theo xu hướng giảm của mặt bằng lãi suất chung.

Hiện, các ngân hàng top sau có xu hướng tăng lãi suất, có khả năng họ gặp khó khăn về thanh khoản trong ngắn hạn, khi đó các ngân hàng có thể vay qua thị trường liên ngân hàng.

Tuy nhiên, nếu lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đắt hơn thì các ngân hàng này có thể tăng phần trăm lãi suất ở kênh huy động để đáp ứng thanh khoản.

Trong khi đó, theo báo cáo vừa công bố, WiGroup cho biết dư địa để các ngân hàng giảm lãi suất huy động sẽ không còn nhiều. Đây cũng là tín hiệu sớm cho thấy lãi suất huy động đã gần chạm "đáy".

Theo WiGroup, trong tháng 3 vừa qua, thanh khoản ổn định trong hệ thống, lãi suất liên ngân hàng đã giảm sâu, gần chạm đáy.

Song vào tuần cuối của tháng 3, dưới tác động của đợt hút ròng liên tục 15 ngày của Ngân hàng Nhà nước, cùng với tăng trưởng tín dụng dương trở lại khiến thanh khoản bị thắt chặt đột ngột dẫn tới việc lãi suất liên ngân hàng giật tăng mạnh vào cuối tháng.

Tuy nhiên, sự biến động này khả năng chỉ diễn ra trong ngắn hạn và sẽ không ảnh hưởng tới nền kinh tế chung, chuyên gia WiGroup nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.