Xét xử vụ án Công ty Alibaba lừa đảo hơn 4.500 người:

Nhiều nạn nhân 'sống không bằng chết'

GD&TĐ - Với các chiêu thức tinh vi, chỉ trong vòng hơn 2 năm, Luyện và đồng phạm đã lừa hơn 4.500 người với số tiền cực lớn.

Quang cảnh phiên xét xử sơ thẩm.
Quang cảnh phiên xét xử sơ thẩm.

Ngày 8/12, TAND TPHCM đưa ra xét xử vụ án Nguyễn Thái Luyện và 22 bị cáo đồng phạm tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền.

Mánh khóe chiêu dụ khách hàng của ông chủ Alibaba

Trong ngày xét xử đầu tiên, đại diện viện kiểm sát đã thay nhau đọc toàn văn cáo trạng xác định Nguyễn Thái Luyện là chủ mưu trong vụ án chiếm đoạt 2.385 tỷ đồng của hơn 4.500 khách hàng tại nhiều tỉnh thành.

Theo cáo trạng, Công ty CP Địa ốc Alibaba được cấp phép kinh doanh vốn điều lệ 1 tỷ đồng. Đến thay đổi lần thứ 3 ngày 26/9/2017, vốn điều lệ tăng lên 1.600 tỷ đồng chỉ trên giấy tờ.

Công ty do Nguyễn Thái Lĩnh làm Giám đốc, giữ 49,5% cổ phần; Nguyễn Thái Luyện, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc điều hành (CEO) chỉ đạo tất cả các hoạt động của công ty giữ 1%; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) giữ 49,5%.

Sau đó Nguyễn Thái Luyện thành lập 22 công ty. Đứng tên giám đốc và là người đại diện theo pháp luật của các công ty này là những người thân trong gia đình hoặc thân tín của Luyện. Các cổ đông tham gia góp vốn thành lập công ty chỉ là hình thức, thực tế không đóng góp tiền.

Theo hồ sơ vụ án, Luyện đã sử dụng 10 pháp nhân trong tổng 22 pháp nhân đã thành lập để đứng tên chủ đầu tư của 58 “dự án ma”. Sau đó, bị can thông qua Công ty Alibaba quảng cáo bán đất nền ở 3 tỉnh: Bình Thuận, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu để lừa bán cho hàng nghìn khách hàng.

Để tạo lòng tin và thu hút khách hàng, Luyện đã đưa ra thủ đoạn bán hàng cam kết mua lại với giá cao hơn từ 30% sau 12 tháng hoặc 38% sau 15 tháng kể từ ngày nộp tiền, hoặc thuê lại với giá 2%/tháng kể từ ngày ký và thanh toán 95% giá trị hợp đồng.

Những thông tin mà cơ quan cảnh sát điều tra thu thập được cho thấy, hầu hết khách hàng nhận chuyển nhượng đất dưới dạng nền thổ cư do Công ty Alibaba chào bán đã không nhận được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất dưới dạng thổ cư như cam kết, mà được công ty chuyển sang hình thức trả lãi hoặc thu mua trở lại.

Toàn bộ dự án dân cư được tự vẽ trái phép mà Công ty Alibaba chuyển nhượng cho khách hàng không phải là đất thổ cư như nội dung thể hiện trong hợp đồng chuyển nhượng. Do đó, đây không được xem là hợp đồng dân sự hợp pháp.

Khách hàng khóc hận vì trót nghe lời mật ngọt

Nguyễn Thái Luyện, kẻ chủ mưu lừa đảo hơn 4.500 người với số tiền hơn 2.300 tỷ đồng tại tòa.

Nguyễn Thái Luyện, kẻ chủ mưu lừa đảo hơn 4.500 người với số tiền hơn 2.300 tỷ đồng tại tòa.

Để gia tăng quy mô và tạo niềm tin cho khách hàng mới, Nguyễn Thái Luyện ký kết hợp đồng với Công ty Cổ phần Mắt Bão để thiết lập tên miền www.Tapdoandiaocalibaba.com, thuê dịch vụ máy chủ. Từ đó nhóm lừa đảo này đăng tin quảng cáo gian dối về các dự án bất động sản không có thật…

Quá trình điều tra, CQĐT đã thu giữ được toàn bộ thông tin đăng tải sai sự thật, quảng cáo gian dối từ trang web nêu trên.

Theo cơ quan cảnh sát điều tra, dòng tiền chính (nguồn tiền vào) của Công ty Alibaba và tiền chi ra cho các hoạt động như: Trả lương và hoa hồng cho nhân viên; mua đất; trả tiền thuê mặt bằng kinh doanh; trả lãi định kỳ cho khách hàng đều từ tiền đóng vào của khách hàng.

Luyện giao cho vợ mình là Võ Thị Thanh Mai làm Giám đốc tài chính Công ty Alibaba. Mai quản lý luôn hoạt động của bộ phận kế toán, giám sát và điều hành toàn bộ hoạt động thu, chi của Công ty Alibaba. Toàn bộ chi phí hoạt động của Công ty Alibaba và các pháp nhân liên quan đều phải được sự đồng ý của Luyện, thì Mai (vợ Luyện) mới duyệt cho bộ phận kế toán chi tiền.

Với các chiêu thức tinh vi và quy trình làm việc được thiết lập một cách chặt chẽ và kín kẽ (toàn người nhà), Luyện và các đồng phạm đã chiêu dụ được một lực lượng lớn nhân viên làm việc và tiếp tay cho mình.

Qua đó, chỉ trong vòng hơn 2 năm, Luyện và đồng phạm đã lừa hơn 4.500 người với số tiền cực lớn.

Anh Hà Minh Hoàng, ngụ TP Thủ Đức cho biết anh đã bị Alibaba lừa mua tổng cộng 4 nền đất tại 2 dự án của công ty này. Số tiền để anh mua đất ngoài việc tích góp mà có thì phần lớn đến từ khoản vay ngân hàng.

Vì vậy, khi chủ mưu Nguyễn Thái Luyện bị bắt anh đã rất chật vật để xoay xở tìm kiếm số tiền đóng lãi hàng tháng cho ngân hàng. Lý do để anh Hoàng đầu tư theo tiến độ là do anh tin tưởng vào một người thân trong gia đình mình. Đồng thời cam kết chính sách mua lại đất của công ty sau 12 - 24 tháng cũng đã tạo động lực và niềm tin nơi anh.

“Tôi theo Alibaba được hơn 3 năm, hai năm đầu tiên họ trả lãi như cam kết rất đúng hẹn. Nhưng phần nhiều số lãi ấy không mấy người như tôi nhận mà được nhân viên Alibaba tư vấn tái đầu tư vào một mảnh đất ở một dự án khác có tính hấp dẫn cao hơn. Vì thấy báo chí và các trang mạng xã hội đăng và chạy bài giới thiệu về dự án rất nhiều nên tôi cũng rất tin tưởng.

Do đó, từ 2 nền đất ban đầu tôi đã gom cả lãi và đổ thêm tiền để đầu tư thành 4 nền với diện tích lớn hơn.

Cuối cùng tất cả dự án của Alibaba đều là dự án “ma”, đất toàn là đất nông nghiệp, biết thì đã quá trễ. Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm bị bắt hết nên bản thân tôi giờ xác định việc được nhận lại tiền từ các khoản mình đầu tư là rất mong manh. Điều tôi hy vọng là sau xét xử những lô đất tôi mua tại khoảnh đất đang là đất nông nghiệp tại Đồng Nai vẫn được xác định tính pháp lý là của mình”, anh Hoàng nói.

Có chung tâm trạng như anh Hoàng, bà Lê Thị Hồng Phi, 68 tuổi, nhà tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng không mong đòi lại được 100% tiền đã đầu tư. Nhưng bà Phi hy vọng Nhà nước và cơ quan pháp luật sau khi xét xử, truy tố đúng người đúng tội thì cũng phải có phương án hỗ trợ, trả lại tài sản cho người dân bị lừa để tránh bị thiệt hại nặng nề.

“Tôi đến tòa dự với vai trò người bị hại và có liên quan vụ án nhưng tâm trạng tôi rối bời lắm. Gia tài cả cuộc đời của vợ chồng tôi cùng anh em họ hàng, thậm chí là cả đi vay ngân hàng đều đổ hết vào 6 nền đất tại 3 dự án của Công ty Alibaba, với mong muốn sau này sẽ có lãi khi bán và có một chỗ an cư lúc tuổi già.

Nhưng với những gì đang xảy ra tôi hiểu mình có thể không còn gì. Giờ vợ chồng tôi tuổi đã cao, tiền thì cũng không còn, nợ nần anh em dòng họ quá nhiều cũng chỉ vì trót dại nghe những lời đường mật của các nhân viên Alibaba, để bây giờ sống không bằng chết. Tôi chỉ mong sao sớm thu hồi lại một phần tài sản của mình càng sớm càng tốt, để bớt khổ”, bà Phi nặng lòng nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.