Kinh nghiệm từ thực tế
Theo TS Thái Văn Tài, việc biên soạn SGK theo chương trình mới còn gặp nhiều hạn chế từ khâu thiết kế đến tổ chức thực hiện, đặc biệt việc lựa chọn, sử dụng SGK ở các địa phương gặp nhiều khó khăn trong việc in ấn, phát hành.
Tài liệu giáo dục địa phương do UBND cấp tỉnh tổ chức biên soạn, thẩm định còn chưa đáp ứng yêu cầu về tiến độ và chất lượng; việc quy định Bộ GD&ĐT phê duyệt tài liệu do địa phương biên soạn, thẩm định gặp khó khăn trong việc tổ chức thực hiện.
Mặt khác, chất lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL không đồng đều, đặc biệt là ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; còn khoảng cách lớn so với các vùng thuận lợi. Số lượng đội ngũ nhà giáo và CBQL còn thừa thiếu cục bộ; đồng thời còn thiếu so với quy định, đặc biệt là cấp tiểu học.
Đội ngũ GV còn chưa đồng bộ về cơ cấu, nhất là đối với cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông, đặc biệt trong bối cảnh triển khai thực hiện CT GDPT 2018 có một số môn học mới.
Cùng đó, những điều kiện bảo đảm về cơ sở vật chất tại các cơ sở GDPT thực hiện CT GDPT đặc biệt là cấp tiểu học vẫn còn nhiều khó khăn. Trong dư luận xã hội vẫn còn một bộ phận đưa ra một số ý kiến chưa thực sự tin tưởng vào quá trình đổi mới CT, SGK GDPT.
Từ những hạn chế cần tháo gỡ, TS Thái Văn Tài đã chỉ ra những kinh nghiệm có thể rút ra trong việc triển khai CT, SGK mới lớp 1 ở những năm học tiếp theo như:
Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về quá trình đổi mới GDPT, tăng cường công tác truyền thông giúp xã hội, nhân dân hiểu và đồng thuận, đồng hành với Ngành trong quá trình triển khai CT, SGK mới.
Tham mưu Chính phủ, Quốc hội ban hành các cơ chế chính sách phù hợp để tăng cường cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên tạo tiền đề dịch chuyển chất lượng dạy và học tiến theo sự đổi mới CT, SGK GDPT.
Tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện hiệu quả việc quy hoạch mạng lưới trường, lớp, quy mô học sinh để tạo điều kiện thuận lợi nhất, công bằng nhất cho các đối tượng người học được thụ hưởng nền giáo dục tốt nhất, toàn diện nhất.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật với quy trình chặt chẽ, nhưng tinh gọn, hiệu quả để tổ chức thực hiện, hoàn thiện sản phẩm CT, SGK, tài liệu giáo dục địa phương đạt chất lượng cao nhất và dễ tiếp cận với mọi đối tượng người học, phục vụ hiệu quả quá trình dạy học trên toàn quốc.
Mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn phí sử dụng SGK, tài liệu học tập, đặc biệt đối với các em học sinh tiểu học nhằm hiện thực hoá quy định tại Luật Giáo dục 2019 về việc thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc.
Chuẩn bị “tâm thế” cho giai đoạn kế tiếp
TS Thái Văn Tài cho biết, thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ ngành TW và địa phương rà soát, đánh giá để tham mưu Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách nhằm đảm bảo lộ trình thực hiện CT GDPT 2018 theo Nghị quyết 51, trong đó tập trung chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học và những điều kiện đáp ứng yêu cầu thực hiện CT GDPT 2018.
Cùng đó rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản theo thẩm quyền quy định.
Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan rà soát đánh giá tham mưu Chính phủ ban hành mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản thuộc thẩm quyền Chính phủ; chủ động hoàn thiện hệ thống văn bản theo thẩm quyền tạo hành lang pháp lý triển khai hiệu quả CT, SGK GDPT.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến cơ chế, quy trình biên soạn, thẩm định và triển khai SGK theo CT GDPT 2018 đảm bảo chất lượng, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân và phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.
Mặt khác, tăng cường các giải pháp bảo đảm thực hiện CT GDPT như: Duy trì và củng cố các nhóm giải pháp và thực hiện những giải pháp tăng cường.
TS Thái Văn Tài cho biết, trong những giải pháp tăng cường sẽ tiếp tục chỉ đạo thực hiện công tác bồi dưỡng GV và CBQL đảm bảo chất lượng, hiệu quả; hoàn thành việc xây dựng quy hoạch mạng lưới các trường sư phạm, ban hành chuẩn chương trình đào tạo giáo viên các trình độ;
Thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của trường sư phạm; chỉ đạo các trường sư phạm thực hiện đào tạo, bồi dưỡng GV đảm bảo yêu cầu về số lượng, cơ cấu, chất lượng theo lộ trình thực hiện.
Tiếp tục hướng dẫn các địa phương rà soát, sắp xếp hợp lý mạng lưới cơ sở giáo dục; tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng CSVC hiện có, trên cơ sở đó: điều chỉnh, bố trí, sắp xếp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng; xác định nhu cầu xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo phòng học, bảo đảm đủ điều kiện thực hiện Chương trình GDPT 2018;
Đặc biệt chú trọng các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, khu đông dân cư, các khu công nghiệp; lập kế hoạch chi tiết cụ thể, tổ chức thực hiện tăng cường cơ sở vật chất, trường, lớp học đáp ứng điều kiện tối thiểu để thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo lộ trình quy định tại Nghị quyết 51 của Quốc hội.
Quán triệt quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, trong đó tập trung vào giáo dục phổ thông; đẩy mạnh công tác truyền thông giúp xã hội, nhân dân hiểu và đồng thuận, đồng hành với Ngành trong quá trình triển khai CT, SGK mới.
Đẩy mạnh công tác xã hội hoá SGK, mở rộng về số lượng đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn, xuất bản SGK và nâng cao chất lượng SGK phục vụ tốt nhất cho các đối tượng sử dụng.
Tạo cơ chế cạnh tranh lành mạnh nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và mở rộng đối tượng được hưởng ưu đãi, trợ cấp hoặc miễn phí sử dụng SGK, tài liệu học tập, đặc biệt đối với các em học sinh tiểu học nhằm hiện thực hoá quy định tại Luật Giáo dục 2019 về việc thực hiện giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc…