Nhiều kiến giải phát triển tại Hội thảo thường niên khoa học giáo dục Việt Nam

GD&TĐ - Ngày 8/12 tại Hà Nội, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã tổ chức Hội thảo thường niên về Khoa học Giáo dục năm 2022 trực tiếp và trực tuyến.

Nhiều kiến giải phát triển tại Hội thảo thường niên khoa học giáo dục Việt Nam.
Nhiều kiến giải phát triển tại Hội thảo thường niên khoa học giáo dục Việt Nam.

Hội thảo thu hút hơn 300 người (tham dự trực tiếp và trực tuyến), đến từ các cơ sở giáo dục, tổ chức trong nước và quốc tế, cùng toàn thể các cán bộ, viên chức của Viện Khoa học Giáo dục (KHGD) Việt Nam.

Theo GS. TS Lê Anh Vinh, Viện trưởng Viện KHGD Việt Nam: Hội thảo thường niên về Khoa học Giáo dục năm 2022 tập trung vào các nội dung: Thành tựu mới của nghiên cứu KHGD ở Việt Nam và trên thế giới; Xu hướng phát triển KHGD trong tương lai - cơ hội và thách thức; Những vấn đề cấp bách của nghiên cứu KHGD ở Việt Nam; Định hướng nghiên cứu KHGD trong giai đoạn tới ở Việt Nam và các giải pháp.

“Chuyển đổi số trong giáo dục”

Đây là tiêu đề Phiên toàn thể thứ nhất dưới sự điều hành của GS.TS Nguyễn Hữu Châu và GS.TS Lê Anh Vinh, với 3 báo cáo. Báo cáo “Chuyển đổi số trong giáo dục: Từ chủ trương, chính sách đến tổ chức thực hiện và vấn đề đặt ra đối với khoa học giáo dục” của TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - Bộ GD&ĐT, đưa ra vấn đề KHGD đang đứng trước một bài toán lớn và mới, đó là xây dựng cơ sở khoa học cho những đổi mới về tổ chức và hoạt động giáo dục trong môi trường số, rất cần một Chương trình quốc gia về KHGD trước yêu cầu chuyển đổi số.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo thường niên Khoa học giáo dục.

Đại biểu tham luận tại Hội thảo thường niên Khoa học giáo dục.

Tham luận “Thư viện trường phổ thông Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi số và đổi mới chương trình, sách giáo khoa”, ThS Nguyễn Thanh Trịnh - Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng giáo dục phổ thông quốc gia đã làm rõ vai trò của thư viện trường học đáp ứng đổi mới Chương trình GDPT và chuyển đổi số cần lưu ý phát triển toàn diện các yếu tố: Môi trường vật chất, môi trường số, nguồn lực tài chính, đội ngũ nhân lực, chương trình thư viện, liên kết và hợp tác, chia sẻ và kết nối.

TS Lương Minh Phương - Trung tâm Thông tin - Dự báo, với tham luận “Năng lực số và khả năng tiếp cận việc làm phù hợp với thanh niên dân tộc thiểu số trong bối cảnh kinh tế số ở Việt Nam” đã minh chứng hầu hết các yếu tố, từ điều kiện kinh tế - xã hội, động lực học, khả năng ngôn ngữ đến môi trường học tập và điều kiện hỗ trợ phát triển. Tác giả cho biết, thanh niên dân tộc thiểu số tự ý thức được và cũng được mong đợi rằng họ cần năng lực số để triển khai công việc đáp ứng yêu cầu đặt ra của công việc trong nền kinh tế số, đồng thời đảm bảo sự an toàn và hạnh phúc trong công việc khi làm việc trực tuyến.

“Giáo dục giá trị văn hoá”

Đây là nội dung của Phiên toàn thể thứ hai với sự điều hành của PGS.TS Trần Huy Hoàng và PGS.TS Vũ Trọng Rỹ. Báo cáo “Giáo dục giá trị văn hóa cho học sinh phổ thông trong bối cảnh mới” của TS. Đỗ Thu Hà - Trung tâm Phát triển bền vững chất lượng GDPT quốc gia đề xuất một số giải pháp giáo dục giá trị văn hoá cho học sinh phổ thông, thông qua: xây dựng môi trường văn hoá học đường, dạy học các chủ đề tích hợp liên môn, dạy học các môn học và nội dung giáo dục địa phương, tổ chức các hoạt động giáo dục trong và ngoài nhà trường.

Nhiều kiến giải phát triển tại Hội thảo thường niên khoa học giáo dục Việt Nam ảnh 2

Các tham luận tại Hội thảo KHGD thường niên thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.

“Vai trò của nhà trường đối với xây dựng văn hóa Việt Nam trong bối cảnh hiện nay” đã được PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận - Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học làm rõ. Theo PGS Thuận: Giáo dục công dân toàn cầu mang bản sắc Việt Nam thông qua môn học và hoạt động giáo dục cho học sinh là hết sức phù hợp và cần thiết, góp phần đào tạo một thế hệ học sinh có đầy đủ phẩm chất, năng lực để thích ứng yêu cầu của thời cuộc. Xây dựng văn hoá trường học dựa trên tiêu chí an toàn, thân thiện, lành mạnh, tôn trọng sự khác biệt và không bạo lực học đường hướng con người có khát vọng vươn tới chân - thiện - mĩ.

Với tham luận “Sử dụng phương tiện và các nguồn tài nguyên sáng tạo dựa trên nghệ thuật trong giảng dạy tiếng Anh”, ThS Nguyễn Ngọc Ánh - Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Đại học đã minh chứng rõ quan điểm này. Đây cũng là dự án hợp tác giữa Viện KHGD Việt Nam và trường Đại học Glasgow, Vương quốc Anh nhằm xây dựng mạng lưới giáo viên và nghệ sĩ sáng tạo thông qua mô hình nhóm hoạt động giáo viên để hỗ trợ việc phát triển các kế hoạch bài học, hoạt động sáng tạo tích hợp việc học ngôn ngữ với các phương pháp sáng tạo và dựa trên nghệ thuật.

Tổng kết Hội thảo, GS Lê Anh Vinh cho rằng: Đây là diễn đàn học thuật hàng năm để các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý giáo dục, giảng viên, giáo viên và những người quan tâm ở trong và ngoài nước chia sẻ, thảo luận các thành tựu mới về lĩnh vực KHGD, những vấn đề đặt ra và giải pháp thúc đẩy nghiên cứu khoa học giáo dục. Hội thảo chỉ diễn ra trong 1 ngày, nhưng đã tập hợp được đầy đủ các nội dung quan trọng. Các đại biểu đưa ra các ý kiến trao đổi, thảo luận liên quan đến các giá trị cần thiết để phát triển giáo dục, đặc biệt trong bối cảnh chuyển đổi số và đề cao các giá trị văn hóa.

Năm 2022, Viện KHGD Việt Nam triển khai mới 35 đề tài khoa học và công nghệ các cấp cùng nhiều đề tài, dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài Viện. Với đặc điểm đơn vị nghiên cứu bao phủ tất cả các cấp học và lĩnh vực giáo dục nên Hội thảo thường niên là cơ hội để các đơn vị nghiên cứu trực thuộc Viện chia sẻ thông tin, kết quả nghiên cứu và mở rộng hợp tác nghiên cứu liên ngành, liên lĩnh vực. GS Lê Anh Vinh bày tỏ mong muốn sẽ nhận được các ý kiến trao đổi, thảo luận học thuật có chất lượng tại Hội thảo này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ