Theo đại diện các đơn vị quản lý bến xe Hà Nội, tính đến sáng 8/1, có 16 doanh nghiệp vận tải đã gửi thông báo xin tăng giá cước xe khách dao động ở mức từ 10 - 60% trong dịp Tết Nguyên đán.
Ông Lý Trường Sơn (Phòng Kế hoạch, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên bến xe Hà Nội) cho biết: Hiện tại, bến xe Giáp Bát đã có 4 doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé từ 20 - 61% chủ yếu trên các tuyến Hà Nội đi những chặng ngắn đến Ninh Bình, Nam Định.
Cụ thể, 4 đơn vị vận tải sẽ áp dụng bảng giá mới bao gồm: Công ty Cổ phần thương mai du lịch và vận tải Thuận Phát, Công ty cổ phần đầu tư Vinamotor, Công ty cổ phần du lịch Trường Khoa, Công ty Trách nhiệm hữu hạn vận tải và dịch vụ du lịch Hải Vân, Công ty cổ phần vận tải ôtô Ninh Bình.
Theo đó, các hành trình chặng Hà Nội - Đà Nẵng tăng từ 380.000 lên 610.000 đồng/vé (61%) áp dụng từ ngày 31/1 đến 15/2; Hà Nội - Bến xe Miền Đông tăng từ 860.000 lên 1.205.000 đồng/vé (40%) từ ngày 18/1 đến 23/1; Hà Nội - Nam Định tăng từ 70 đến 100.000 đồng/vé (43%) từ 29/12 đến 2/1/2014 và 21/1 - 9/2/2014.
Đại diện lãnh đạo Công ty Bến xe Hà Nội cũng cho hay, từ nay đến dịp nghỉ lễ, bến xe vẫn không thể biết được còn doanh nghiệp nào đề xuất tăng giá vé nữa, bởi việc này nằm ngoài khả năng của bến. Việc tăng giá phụ thuộc vào các cơ quan chủ quản, nơi các doanh nghiệp đăng ký.
Giải thích rõ hơn, vị đại diện bến xe cho rằng, theo Thông tư liên tịch số 129 ban hành năm 2010 giữa Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Tài chính có nêu rõ, doanh nghiệp vận tải được tăng giá cước sau khi đã kê khai với Sở Tài chính và Sở Giao thông Vận tải. Sau 3 ngày, cơ quan chức năng không có phản hồi thì doanh nghiệp được quyền áp dụng giá cước mới.
Dẫn chứng, hãng xe Thuận Phát đăng ký tăng giá vé và được sự đồng ý của Sở Tài chính Nam Định. Doanh nghiệp niêm yết vé tại bến xe và đơn vị này chỉ có nhiệm vụ bán vé, còn việc ngăn chặn tăng giá vé vượt quá thẩm quyền.
Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn - Phó Giám đốc Bến xe Mỹ Đình, hiện, bến đã có 9 doanh nghiệp đăng ký tăng giá vé nhưng với mức tăng cao nhất chỉ tới 18%.
Cụ thể, thống kê của bến xe Mỹ Đình cho thấy, doanh nghiệp tăng nhiều nhất là Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tuấn Việt chạy tuyến Mỹ Đình - Đô Lương từ 170.000 - 200.000 đồng/vé (tương đương 18%); Công ty Cổ phần vận tải ôtô Ninh Bình chạy tuyến Kim Sơn, Khánh Thành, Nho Quan đều tăng giá thêm từ 90.000 - 103.000 đồng/vé; 85.000 - 97.000đồng/vé từ ngày 20/1 đến ngày 9/2. Ngoài ra, các doanh nghiệp khác chủ yếu tăng ở mức 12 - 13%.
Tại bến xe Nước Ngầm, ông Nguyễn Văn Lập - Giám đốc - cho biết: Đến sáng 8/1, bến đã nhận được thông báo của 3 đơn vị vận tải tăng giá vé khoảng 40% chạy các tuyến từ Hà Nội - Nghệ An và Gia Lai.
Bên cạnh đó, ông Tuấn cũng cho rằng, các bến đã khuyến cáo doanh nghiệp vận tải không nên tăng quá cao để tránh phản ứng không tốt từ phía hành khách.
Giải thích đến việc tăng giá vé vào thời điểm Tết, nhiều nhà xe cho rằng do lượng hành đi lại lêch chiều, giá xăng dầu tăng nên việc điều chỉnh giá vé nhằm bù lại chi phí. Tuy nhiên, một số hãng vận tải vẫn kiên quyết “ghìm cương” giá vé đi lại vào dịp Tết Nguyên đán này.
Theo ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Công ty xe khách Văn Minh, mỗi ngày, trung bình hãng có 36 chuyến xe chạy trên hai chiều với lượng khoảng 1.500 - 1.800 hành khách.
“Dịp Têt nhu cầu tăng cao, chi phí cũng theo đó tăng lên, song doanh nghiệp cố gắng duy trì, thậm chí chấp nhận bù lỗ, để giữ giá, thậm chí nghiêm cấm lái xe bắt thêm khách dọc đường, một mặt để củng cố niềm tin của hành khách với nhà xe, mặt khác cũng giúp khách có một chuyến xe Tết an toàn, thuận lợi, không lo lắng,” ông Văn bảy tỏ chính kiến.
Hơn nữa, vị Giám đốc này cũng thẳng thắn, thực tế, hành khách đi lại cả năm, chứ không chỉ riêng mấy ngày lễ Tết. Do đó, doanh nghiệp quyết không làm ăn kiểu chụp giật, lợi dụng dịp này để “bắt chẹt” khách.