Bảo tàng Báo chí Việt Nam nỗ lực thu hút công chúng

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã khẳng định vị thế của 'cái nôi' lưu giữ ký ức của nền báo chí nước nhà.

Đại sứ các nước tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: BTCC.
Đại sứ các nước tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: BTCC.

Thành lập từ năm 2017, đến nay Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã sở hữu hàng nghìn hiện vật, tư liệu quý giá và có nhiều hoạt động thu hút công chúng đến tham quan, tìm hiểu, học tập, nghiên cứu.

Để có quá trình từ “không” đến “có” như hôm nay là cả một sự nỗ lực, quyết tâm lớn.

Thêm yêu nghề hơn

Là bảo tàng “sinh sau đẻ muộn” nhưng được sự quan tâm của Chính phủ, của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam qua các thời kỳ và từ nỗ lực của đội ngũ lãnh đạo, nhân viên, Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã khẳng định vị thế của “cái nôi” lưu giữ ký ức của nền báo chí nước nhà.

Vừa qua, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5), Bảo tàng đã thực hiện chương trình mở tour miễn phí vào sáng thứ 2, 4, 6 hằng tuần để giới thiệu nội dung trưng bày và khám phá các loại hình báo chí.

Cùng với đó, bảo tàng đã tổ chức rất nhiều sự kiện ý nghĩa gây sự quan tâm với công chúng, như: Gặp gỡ Nick Út - Em bé Napalm; Tọa đàm và trưng bày chuyên đề “Báo chí xung trận “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” và mới đây nhất phối hợp tổ chức trưng bày và tọa đàm về nhà báo Xuân Thủy, Chủ tịch đầu tiên của Hội Nhà báo Việt Nam…

Một trong những sự kiện đáng nhớ là nhân dịp kỷ niệm 30 năm Ngày Tự do Báo chí Thế giới, Đoàn các Đại sứ Cộng hòa Séc, Canada, Vương quốc Hà Lan, Australia, Ukraine và Thụy Sĩ đã đến tham quan bảo tàng và bày tỏ sự thích thú với “địa chỉ đỏ” này như lời nhận xét của Ngài Hynek Kmoníček, Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam: “Dù ra đời chưa lâu nhưng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là điểm đến thú vị, cung cấp thông tin hấp dẫn về lịch sử đất nước, con người và lịch sử báo chí Việt Nam”.

Nhận thức được ý nghĩa, vai trò và tầm quan trọng của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, thời gian qua, rất nhiều trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội đã tổ chức các buổi cho học sinh tham quan, nghiên cứu, học tập tại Bảo tàng.

Có cơ hội tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam qua tiết học thực tế của môn Quan hệ báo chí và truyền thông, em Nguyễn Xuân Mai (sinh viên năm 2 ngành Quan hệ công chúng, Khoa Công tác thanh thiếu niên, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) ấn tượng về những hiện vật, thông tin được trưng bày chi tiết, đầy đủ, sắp xếp khoa học, bài bản.

“Bảo tàng tái hiện lại một cách chân thực về lịch sử và quá trình phát triển của báo chí nước nhà. Được đắm chìm trong thứ ngôn ngữ báo chí từ thuở sơ khai đến hiện tại, từ việc báo chí ra đời trong hoàn cảnh nào, báo trở thành vũ khí, báo là tiếng của dân, báo trở thành “tiếng nói Việt Nam”, báo đi vào cuộc sống ngày nay ra sao, em thấy báo chí nước nhà thật kỳ diệu.

Qua những câu chuyện được kể sinh động, buổi tham quan giúp chúng em có định hướng và nhận thức sâu sắc hơn trên con đường đã chọn”, em Nguyễn Xuân Mai cho biết.

Là giảng viên dẫn nhóm sinh viên lớp Chuyên đề thực tế chính trị xã hội, Khoa Truyền thông đa phương tiện, Học viện Phụ nữ Việt Nam đến tham quan Bảo tàng, TS. Hoàng Anh Tuấn, giảng viên phụ trách lớp cho rằng: “Những buổi tham quan thực tế thế này giúp ích rất nhiều cho các em sinh viên. Dù chỉ trong hơn 1 giờ đồng hồ trải nghiệm, các em đã được học hỏi và khám phá nhiều điều mới lạ, cô đọng và hấp dẫn của lịch sử báo chí Việt Nam và thế giới.

Các em sinh viên rất chăm chú và say mê trong suốt thời gian tham quan. Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã hun đúc thêm cho các em lòng yêu nghề và lòng tự hào về truyền thống vẻ vang của lịch sử dân tộc và lịch sử báo chí Việt Nam”.

Các em sinh viên đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: BTCC.

Các em sinh viên đến tham quan Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Ảnh: BTCC.

Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin

Sưu tầm được tư liệu, hiện vật đã khó nhưng để bảo quản, trưng bày cũng như quảng bá, giới thiệu tư liệu, hiện vật đó còn khó khăn hơn gấp bội. Xác định được điều đó, lãnh đạo Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã ứng dụng công nghệ thông tin để Bảo tàng trở nên chuyên nghiệp, hiện đại từ công tác sưu tầm hiện vật, kiểm kê - bảo quản; trưng bày - triển lãm; truyền thông; kế hoạch - tài chính…

Theo nhà báo Trần Kim Hoa, phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam, là bảo tàng chuyên ngành báo chí, lĩnh vực đòi hỏi sự nhanh nhạy, chính xác và thường xuyên đổi mới công nghệ vì vậy Bảo tàng luôn tích hợp ứng dụng công nghệ thông tin trong một hệ thống đồng bộ xuyên suốt từ việc sưu tầm, quản lý tài liệu hiện vật, đến công tác số hóa trưng bày bảo tàng tích hợp công nghệ quản lý trưng bày trực tuyến, công tác truyền thông thông qua các thiết bị công nghệ đa phương tiện.

Nhà báo Thân Quang Minh, Trưởng phòng Nghiệp vụ, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cho biết, hiện nay, Bảo tàng đã bố trí 14 màn hình ở tầng 1 (gồm gian Khánh tiết và không gian trưng bày Báo chí Việt Nam các giai đoạn từ 1865 - 1975) để khách tham quan trải nghiệm và bố trí 58 màn hình chạm và trình chiếu ở tầng 2 (gồm không gian trưng bày Báo chí Việt Nam từ 1975 đến nay, trưng bày báo chí 63 tỉnh thành, 5 cơ quan báo chí lớn, 3 chủ đề báo chí, không gian trải nghiệm các loại hình báo chí, khu tra cứu, phòng tổ chức sự kiện và vách tưởng niệm liệt sĩ).

Việc đưa các màn hình tra cứu số hóa đã giúp bảo tàng đăng tải lượng thông tin phong phú trong điều kiện diện tích trưng bày còn khiêm tốn, đặc biệt là không gian báo chí 63 tỉnh, thành nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách tham quan.

“Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã xây dựng website và Facebook trước khi ra đời. Hiện bảo tàng mở rộng thêm hoạt động trên các nền tảng trực tuyến khác như YouTube, Instagram, Pinterest… làm các kênh quảng bá cho hoạt động của mình. Website của bảo tàng đi vào hoạt động từ tháng 6/2017 và được nâng cấp năm 2020.

Thực tế cho thấy có nhiều công chúng biết đến Bảo tàng từ các website điện tử, nhất là nhiều du khách nước ngoài đến Việt Nam tìm đến các bảo tàng thông qua chỉ dẫn từ website hoặc công cụ tìm kiếm Google.

Việc xây dựng website và các nền tảng trực tuyến để quảng bá hình ảnh bảo tàng là rất cần thiết giúp công chúng có thể tìm hiểu được nhiều thông tin trước khi chuẩn bị cho mình hành trình từ nội dung trưng bày, sưu tập hiện vật, chương trình giáo dục và các hoạt động trải nghiệm dành cho họ”, nhà báo Thân Quang Minh nhấn mạnh.

Tâm sáng của người làm bảo tàng

Là người cố vấn cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam ngay từ buổi sơ khai, nhà báo Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, tuy còn “trẻ” so với hệ thống bảo tàng đồ sộ của Việt Nam đương đại nhưng bảo tàng đã và đang thu hút mạnh mẽ sự quan tâm của công chúng bởi sự mới mẻ và sự phong phú, với những hiện vật “biết nói” có tuổi đời cả trăm năm của nền báo chí Việt Nam.

Nhờ nỗ lực của đội ngũ cán bộ trẻ rất nhiệt huyết, bảo tàng đã sưu tập được kho hiện vật báo chí khổng lồ, trong đó có những tờ ra đời cách đây hơn 150 năm, những tờ báo lần đầu tiên được nghe thấy tên, hoặc đã nghe thấy tên nhưng lần đầu tiên mới được nhìn thấy.

“Với tư cách là cố vấn của bảo tàng, tôi không khỏi ngạc nhiên khi thẩm định những tờ báo vừa mới được sưu tầm còn nguyên vẹn với bản giấy vàng ố nhưng chứa đựng lịch sử, dấu ấn của thời đại nó phụng sự, những nội dung thông tin đa dạng, rất có giá trị. Đó là giá trị lịch sử, giá trị văn hóa được lưu giữ như những chứng nhân lịch sử”, nhà báo Hà Minh Huệ nhấn mạnh.

Cũng theo nhà báo Hà Minh Huệ, đội ngũ (khá mỏng) những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam đang nỗ lực phát huy giá trị tiềm ẩn của các hiện vật thu thập được bằng cách tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, trưng bày giới thiệu từng mảng báo chí, từng sự kiện dấu mốc phát triển của báo chí, liên quan tới đất nước và dân tộc, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Không quan tâm sao được khi những sản phẩm báo chí qua các thời kỳ phản chiếu đầy đủ, trung thực, khách quan, là phẩm chất tuyệt vời của báo chí, về lịch sử vẻ vang của dân tộc. Với đội ngũ này, có thể hy vọng Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ phát triển, phát huy mạnh mẽ giá trị của nó, thu hút ngày càng đông công chúng quan tâm.

Còn nhà báo Lê Quốc Trung, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, người đã tham gia làm đề án xây dựng và đồng hành cùng bảo tàng trong nhiều năm qua, cho rằng, chính từ cái tâm của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam, của những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam mà rất nhiều tổ chức, cá nhân đã hiến tặng hiện vật, tư liệu quý cho Bảo tàng mà không đòi hỏi bất cứ tài sản vật chất gì.

“Tôi nghĩ, họ đã không chỉ hiến tặng hiện vật, tư liệu mà còn trao gửi niềm tin vào những người làm Bảo tàng Báo chí Việt Nam sẽ gìn giữ, trưng bày và giới thiệu, quảng bá rộng rãi đến công chúng.

Bởi tôi biết với các nhà báo và nhân thân của họ thì hiện vật, tư liệu liên quan với nghề là một tài sản vô giá, mang biết bao ký ức của một thời làm báo sôi nổi, nhiệt huyết và nhiều đam mê”, nhà báo Lê Quốc Trung nhấn mạnh.

Để Bảo tàng Báo chí Việt Nam phát triển hơn nữa, bắt kịp với nền báo chí lâu đời nước nhà, còn nhiều việc phải làm, phải tính toán. Nhưng với những gì mà bảo tàng hiện có đã mang đến niềm tự hào cho người làm báo khi đặt chân đến tòa nhà Hội Nhà báo Việt Nam trên con phố Dương Đình Nghệ (Hà Nội) thân quen.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ