Hàng năm, có hàng ngàn dự án tham gia Cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh và hàng trăm dự án tham gia Cuộc thi ở cấp quốc gia. Nhiều trường học trên khắp cả nước đã trở thành điểm sáng học sinh ứng dụng STEM để NCKH, đoạt giải ở các cuộc thi KHKT trong nước và quốc tế.
Học sinh Việt Nam ghi dấu ấn thi KHKT
Một số địa phương sau hoạt động được triển khai hiệu quả, tác động lớn đến đổi mới dạy học trong các trường trung học. Điển hình của hoạt động này là các sở GD&ĐT: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Nghệ An, Đà Nẵng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Lâm Đồng….vv.
Đáng chú ý nhất là rất nhiều dự án đoạt giải quốc gia và quốc tế quan trọng như Hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế - Intel ISEF. Cụ thể, năm 2012 có 1 giải nhất được trao cho Dự án Xử lý nước mặn thành nước ngọt bằng kỹ thuật chân không và năng lượng mặt trời phục vụ cho sinh hoạt (Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam). Năm 2013 đoạt 2 giải Tư là các dự án Hệ thống trồng rau nuôi cá tự động tại gia (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh) và Nghiên cứu khả năng lọc vi khuẩn trong nước của màng vỏ trứng gà (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam).
Năm 2014 đoạt 2 giải tư là các dự án: Bảng hiển thị chữ nổi điện tử cho người khiếm thị (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh) và dự án Nghiên cứu thu nhận Lipid từ sinh khối vi sinh vật lên men rơm rạ hướng tới nguyên liệu sản xuất Biodiesel- (Trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam).
Năm 2015 đoạt 1 giải Tư là dự án Tuyển chọn chủng vi khuẩn Bacillus từ ruột tôm để tạo chế phẩm probiotic giúp nâng cao chất lượng và sản lượng tôm (Trường THPT chuyên ĐHKHTN-ĐHQG Hà Nội).
Năm 2016 đoạt 4 giải Ba gồm các dự án Nghiên cứu tổng hợp một số phức chất có khả năng ức chế tế bào ung thư từ tinh dầu hương nhu và bạch kim (Trường THPT chuyên ĐHSP Hà Nội); Nghiên cứu tận dụng Phytolith trong rơm rạ để cố định một số kim loại)i nặng và giảm phát thải CO2 từ đất (Trường THPT chuyên KHTN-ĐHQG Hà Nội); Thiết bị di chuyển chuyên dụng vượt địa hình cho người già và người khuyết tật (Trường chuyên Lê Hồng Phong, TP. Hồ Chí Minh); Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số tế bào ung thư của kháng thể kháng nhân (Trường THPT chuyên Thăng Long, Lâm Đồng).
Năm 2017 đoạt 4 giải Tư gồm các dự án: Tổng hợp và thử tác dụng kháng ung thư của một số dẫn chất axit Hydroxamic mới mang khung 2- Oxoindolin hướng ức chế Histon Deacetylase (Trường THPT chuyên KHTN-ĐHQG Hà Nội); Tổng hợp các dẫn xuất mới từ Zẻumbone và đánh giá tiềm năng sử dụng trong điều trị ung thư (Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng); Găng tay chuyển ngữ tương thích với điện thoại thông minh qua bluetooth hỗ trợ người câm điếc (Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP. HCM); Phần mềm hỗ trợ học Hóa học tích hợp công nghệ AR trên Android- (Trường THPT chuyên Bảo Lộc, Lâm Đồng).
Năm 2018 đoạt 1 giải Ba là dự án Nghiên cứu phát triển liệu pháp thực khuẩn thể nhằm thay thế kháng sinh trong điều trị vi khuẩn tụ cầu vàng (Trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng). Năm 2019 đoạt 1 giải Ba là dự án Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh (Trường THPT số 1 Thành phố Lào Cai).
Lào Cai: Chủ đề giáo dục STEM gắn với nông nghiệp
Các cơ sở giáo dục đã xây dựng và tổ chức dạy học các chủ đề giáo dục STEM theo tinh thần dạy học liên môn, đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường (tối thiểu 1 chủ đề/học kỳ/trường); các chủ đề được xây dựng theo các bước của một chủ đề giáo dục STEM, gắn với việc triển khai mô hình trường học gắn liền với thực tiễn của Lào Cai.
Các chủ đề giáo dục STEM chủ yếu gắn với nông nghiệp, một số đơn vị xây dựng chủ đề gắn với du lịch, một số đơn vị đưa nội dung giáo dục số (lập trình, trí tuệ nhân tạo)... vào giảng dạy.
Trên địa bàn tỉnh Lào Cai hiện có 27 cơ sở giáo dục trung học được đầu tư hệ thống nhà lưới, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao nhằm tổ chức các các hoạt động trải nghiệm giáo dục STEM trong nông nghiệp cho học sinh, đặc biệt giúp học sinh bước đầu tiếp cận với nông nghiệp công nghệ cao, định hướng nghề nghiệp cho học sinh.
Hoạt động trải nghiệm liên quan đến lĩnh vực giáo dục STEM được triển khai đa dạng, dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó, chủ yếu là thông qua các hoạt động thực hành tại mô hình trường học gắn liền với thực tiễn của nhà trường, trải nghiệm tại các cơ sở sản xuất, chế biến, trải nghiệm tại các phòng bộ môn, phòng thực hành, phòng học STEM của các nhà trường...
Hàng năm, có trên 800 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học của học sinh các trường THCS, THPT. Học sinh của Lào Cai cũng đạt được một số thành tích trong các cuộc thi, sân chơi khoa học: Năm 2019 đạt 4 giải Nhất trong cuộc thi KHKT quốc gia, 1 giải Ba trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế; 1 giải Ba, 1 giải Khuyến khích trong cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc.
Đặc biệt, học sinh Vũ Hoàng Long, Trường THPT số 1 Thành phố Lào Cai, Tỉnh Lào Cai với dự án “Robot hỗ trợ bón thức ăn cho bệnh nhân Parkinson sử dụng công nghệ xử lý ảnh” đã giành giải Ba chính thức tại Hội thi khoa học kĩ thuật quốc tế - Intel ISEF 2019. Vì vậy, Việt Nam là 1 trong số 42 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án của học sinh đoạt giải của Hội thi, trên tổng số 80 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Intel ISEF 2019.
Kon Tum: Thành lập các nhóm “nghiên cứu khoa học”
Hằng năm, Sở GD&ĐT đã triển khai tổ chức cuộc thi KHKT các cấp, tiến tới cấp tỉnh và cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông. Đặc biệt, việc triển khai giáo dục STEM thông qua hình thức thành lập các nhóm “nghiên cứu khoa học” đã giúp học sinh có điều kiện giao lưu, được học tập nâng cao trình độ, triển khai các dự án nghiên cứu, tìm hiểu các ngành nghề thuộc lĩnh vực STEM.
Trên cơ sở chỉ đạo của Sở GD&ĐT, các trường trung học đã xây dựng các chuyên đề dạy học, tổ chức dạy học tích hợp liên môn, tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo theo mô hình giáo dục STEM.
Cụ thể, tổ chức các tiết học bằng cách hướng dẫn học sinh phương pháp tự nghiên cứu, để học sinh trình bày, thảo luận, thực hành, bảo vệ kết quả học tập của mình thông qua các tiết dạy nghiên cứu bài học, giáo viên tổng hợp, nhận xét, đánh giá, kết luận để học sinh tiếp nhận và biết cách vận dụng.
Điển hình như Trường THCS THSP Lý Tự trọng đã xây dựng và đang triển khai các chủ đề: Chế biến rượu nho lên men, Điều chế tinh dầu Sả (Hóa học); Làm hoa cầu vòng, Trồng rau xanh tại nhà, Chậu cây tự tưới (Sinh học); Thiết kế đèn ngủ mini dùng nguồn điện từ củ, quả (Vật lý); Đo chỉ số BMI (Body Mass Index) (Toán –Tin); Máy điều hòa mini tự chế (Công nghệ - Vật lý).
Trong những năm qua, các trường đã tổ chức các hoạt động trải nghiệm liên quan đến lĩnh vực STEM như: Tham quan và học tập tại vườn hoa xứ lạnh ở huyện Kon Plông (THCS THSP Lý Tự Trọng); thiết kế các nhạc cụ âm nhạc, tổ chức trò chơi “Đấu trường âm thanh”; việc giảm ô nhiễm tiếng ồn (THCS Liên Việt Kon Tum).
Từ năm 2018 đến nay, Sở đã tổ chức 3 Cuộc thi KHKT cấp tỉnh với tổng số 189 dự án của học sinh dự thi, kết quả 84 dự án đạt giải, trong đó: 7 giải Nhất, 18 giải Nhì, 22 giải Ba và 35 giải Tư. Năm 2018 và 2019 chọn được 10 dự án tiêu biểu tham gia Cuộc thi toàn quốc, kết quả 8/10 dự án đoạt giải, trong đó: 2 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 1 giải Tư. Năm 2020 chọn được 2 dự án tiêu biểu tham gia Cuộc thi KHKT toàn quốc.