Hoàn thiện tiêu chí việc làm và thu nhập
Theo Tổng cục Thống kê, việc tính toán và xác định mức sống tối thiểu dựa trên giá trị rổ hàng hóa lương thực thực phẩm cung cấp 2.100 Kcal/người/ngày năm 2018; tỷ lệ lương thực thực phẩm trong tổng chi tiêu áp dụng với khu vực thành thị là 42,1%, áp dụng với khu vực nông thôn là 50%; chỉ số giá tiêu dùng năm 2021 sẽ tăng 3%.
Theo đó, chuẩn mức sống tối thiểu được đề xuất là 1.586.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2.065.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Trên cơ sở chuẩn mức sống tối thiểu được Tổng cục Thống đề xuất, ước tính ngân sách thực hiện và mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống cho người nghèo, tiêu chí nghèo về thu nhập được đề xuất theo phương án: 1,5 triệu đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 2 triệu đồng/người/tháng ở khu vực thành thị.
Nhóm tiêu chí về thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản kế thừa và bổ sung chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016 - 2020, các dịch vụ xã hội cơ bản được đề xuất gồm 6 dịch vụ: y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin, việc làm.
Ngoài các chiều thiếu hụt của chuẩn nghèo giai đoạn trước, bổ sung thêm chiều việc làm. Đây là chiều phản ánh thu nhập và điều kiện bảo đảm ổn định cuộc sống của người dân. Chỉ số việc làm gắn với thu nhập cũng sẽ là cơ sở phân loại đối tượng hộ nghèo để có các giải pháp tác động phù hợp.
Bộ chỉ số tiếp cận việc làm bao gồm nội dung: Hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi lao động có khả năng lao động, sẵn sàng/mong muốn làm việc nhưng không tìm được việc làm hoặc đang làm việc hưởng lương nhưng không có hợp đồng lao động.
Về chỉ số về người phụ thuộc trong hộ gia đình: Hộ gia đình có tỷ lệ người phụ thuộc trong tổng số nhân khẩu lớn hơn 50%. Người phụ thuộc bao gồm: Người dưới 18 tuổi, người từ 60 tuổi trở lên có thu nhập bình quân tháng không vượt quá mức sống tối thiểu, người từ 18 đến dưới 60 tuổi nhưng không có khả năng lao động và có thu nhập bình quân tháng không vượt quá mức sống tối thiểu.
Tăng cường các chỉ số dịch vụ xã hội cơ bản
Các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản được đề xuất gồm 12 chỉ số: dinh dưỡng; bảo hiểm y tế; trình độ giáo dục, đào tạo của người lớn; tình trạng đi học của trẻ em; chất lượng nhà ở; diện tích nhà ở bình quân đầu người; nguồn nước sinh hoạt an toàn; nhà tiêu hợp vệ sinh; tiếp cận thông tin; tài sản phục vụ tiếp cận thông tin và sử dụng dịch vụ viễn thông; tiếp cận việc làm; người phụ thuộc trong hộ gia đình.
So với chuẩn nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2015-2020, nhóm chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội có sự thay đổi về nhóm chỉ số y tế, được thay thế chỉ số tiếp cận các dịch vụ y tế bằng chỉ số dinh dưỡng với ngưỡng thiếu hụt cụ thể: Hộ gia đình có ít nhất một trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng chiều cao theo tuổi hoặc cân nặng theo tuổi; chỉ số bảo hiểm y tế điều chỉnh ngưỡng thiếu hụt như sau: Hộ gia đình có ít nhất một người từ 6 tuổi đến dưới 80 tuổi hiện không có bảo hiểm y tế.
Nhóm chỉ số giáo dục, sửa đổi chỉ số về trình độ giáo dục của người lớn, cụ thể: Hộ gia đình có ít nhất một người trong độ tuổi từ 16 đến 30 tuổi không có bằng cấp giáo dục đào tạo phù hợp với độ tuổi tương ứng… Tình trạng đi học của trẻ em cũng được thay thế như sau: Hộ có ít nhất 1 trẻ em từ 3 đến dưới 16 tuổi không được học đúng bậc, cấp học phù hợp với độ tuổi.
Nhóm chỉ số nước sạch và vệ sinh được sửa đổi thành nước sinh hoạt và vệ sinh. Trong đó, thay đổi chỉ số nước sinh hoạt hợp vệ sinh thành chỉ số nguồn nước sinh hoạt an toàn, bao gồm nước máy, các nguồn nước hợp vệ sinh khác bảo đảm an toàn cho người sử dụng…
Theo ban soạn thảo, từ thực tiễn việc thực hiện chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020 cho thấy, để thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững trong bối cảnh, điều kiện kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021 - 2025, cần thiết phải xây dựng, ban hành chuẩn nghèo đa chiều quốc gia mới theo hướng kế thừa và phát triển ở mức độ cao hơn, hướng tới mục tiêu hỗ trợ toàn diện, bao trùm và bền vững cho người nghèo,…
Thông tin từ Tổng cục Thống kê: "Thông qua thực hiện đồng bộ hệ thống chính sách giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước đã giảm từ 9,88% đầu năm 2016 xuống còn 3,75% cuối năm 2019, dự kiến xuống dưới 3% cuối năm 2020, bình quân giảm 1,53%/năm. Cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường, đời sống người dân không ngừng được cải thiện cả về sinh kế và tiếp cận các dịch vụ xã hội".