Nhiều đề xuất 'tạo nguồn' giáo viên cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long

GD&TĐ - Trường Đại học Đồng Tháp đề xuất được xem xét, tạo điều kiện để tham gia tạo nguồn nhân lực theo hình thức đặt hàng đào tạo.

Tọa đàm về đào tạo và nghiên cứu khoa học do Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức.
Tọa đàm về đào tạo và nghiên cứu khoa học do Trường Đại học Đồng Tháp tổ chức.

Đây là kiến nghị của PGS.TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp tại Tọa đàm về đào tạo và nghiên cứu khoa học diễn ra sáng 6/4.

Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Vụ Giáo dục phổ thông, Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ GD&ĐT), Trường Đại học Đồng Tháp và lãnh đạo các sở GD&ĐT TP Cần Thơ, các tỉnh Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Vĩnh Long và Đồng Tháp tham gia.

Tọa đàm nằm trong khuôn khổ Ngày hội Giáo dục STEM - "STEM quanh ta", do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Trường Đại học Đồng Tháp, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành và Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức.

Nhiều đề xuất để tháo gỡ khó khăn trong đào tạo giáo viên

PGS.TS Hồ Văn Thống - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp cho biết, nhà trường mong muốn trở thành đối tác chiến lược lâu dài với các sở GD&ĐT trong việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

"Nhà trường cam kết cung cấp nguồn lực giảng viên chất lượng cao, thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu của từng đơn vị", ông Thống nói.

pgs-ho-van-thong.jpg
PGS.TS Hồ Văn Thống phát biểu tại tọa đàm.

Theo Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Tháp, đối với việc đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên theo Nghị định 71/2020 của Thủ tướng Chính phủ, nhà trường đề xuất các sở GD&ĐT xem xét, tạo điều kiện để nhà trường được phối hợp tham gia thực hiện nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực theo hình thức đặt hàng đào tạo.

"Nhà trường là cơ sở giáo dục đại học đã có kinh nghiệm nhiều năm trong việc triển khai thực hiện đào tạo nâng trình độ chuẩn cho giáo viên tại nhiều địa phương, với đầy đủ các ngành sư phạm, đáp ứng tất cả các môn học trong chương trình Giáo dục phổ thông 2018", ông Thống nói thêm.

Đối với việc Bồi dưỡng ngắn hạn cho giáo viên, đội ngũ giảng viên thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, đáp ứng đầy đủ năng lực, điều kiện để bồi dưỡng cho giáo viên phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

"Năm 2024, Trường Đại học Đồng Tháp tăng 34 bậc trong bảng xếp hạng 100 trường đại học của Việt Nam VNUR (Viet Nam’s University Rankings). Trên bảng xếp hạng toàn quốc, Trường xếp hạng 38, đứng thứ 2 trong tổng số 8 trường đại học tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long", theo PGS.TS Hồ Văn Thống.

Bên cạnh công tác đào tạo chính quy, Trường Đại học Đồng Tháp sẵn sàng thiết kế các chương trình bồi dưỡng thường xuyên và ngắn hạn, phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng cơ sở giáo dục.

“Các chương trình bồi dưỡng được tổ chức theo từng lĩnh vực chuyên môn, từ nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên, cán bộ quản lý đến các môn học như Khoa học Tự nhiên, Tin học, Công nghệ…”, ông Thống chia sẻ.

Ngoài ra, Trường Đại học Đồng Tháp đặc biệt chú trọng đến các chương trình bồi dưỡng giáo viên theo yêu cầu của địa phương. Nhà trường cam kết ưu tiên hỗ trợ các đơn vị giáo dục trong việc thiết kế chương trình phù hợp với nhu cầu thực tế, đặc biệt đối với giáo viên ở vùng khó khăn hoặc có yêu cầu đặc thù.

“Trường sẽ ưu tiên các đối tác trong tổ chức các khóa đào tạo nâng chuẩn, bồi dưỡng giáo viên; đồng thời sẵn sàng hỗ trợ về tài chính, cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc triển khai các chương trình hợp tác”, ông Thống khẳng định.

hs-8614.jpg
Ngày hội Giáo dục STEM thu hút sự quan tâm của hàng nghìn học sinh các tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long.

TS Nguyễn Quốc Vũ – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp cho biết, với hơn 50 năm đào tạo giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, trường là một trong 14 cơ sở giáo dục đại học chủ chốt theo quy hoạch mạng lưới đến năm 2030, tầm nhìn 2045.

Hiện trường đạt chuẩn 4 sao định hướng ứng dụng, riêng chương trình Sư phạm Toán học học đạt chuẩn 5 sao theo xếp hạng đối sánh chất lượng UPM. Năm 2025, sẽ có thêm hai chương trình đào tạo giáo viên tham gia xếp hạng này.

Về tuyển sinh, năm 2025, trường có 5.500 chỉ tiêu với 5 phương thức xét tuyển: Xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ lớp 12, tuyển thẳng, xét điểm thi V-SAT và xét điểm thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia TPHCM.

Trường cũng phối hợp với Đại học Quốc gia TPHCM tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực cho hơn 2.000 thí sinh và phối hợp với Trung tâm Khảo thí Quốc gia tổ chức kỳ thi V-SAT năm 2025 với 4 đợt thi.

55509e6226d99687cfc8.jpg
Học sinh trải nghiệm các mô hình STEM tại gian hàng Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.

Đề xuất thành lập 5 nhóm nghiên cứu để phát triển nhân lực

Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường Đại học Đồng Tháp đề xuất, cần tạo ra nhóm nghiên cứu giữa Trường Đại học Đồng Tháp và các trường THPT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

“Hiện nay trình độ của giáo viên ở các trường THPT rất tốt, nếu hình thành các nhóm nghiên cứu sẽ góp phần thúc đẩy sự phát triển của giáo dục cả khu vực”, ông Đệ nói.

ong-nguyen-van-de.jpg
Ông Nguyễn Văn Đệ - Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Trường ĐH Đồng Tháp.

Theo ông Đệ, hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã thay đổi sang phát triển năng lực người học, đã đưa vào những chương trình "rất mới".

Thế nhưng, việc triển khai các chương trình này vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế do đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. "Cần có đội ngũ nghiên cứu để đảm bảo chương trình này", ông Đệ đề xuất và nhấn mạnh đến 5 nhóm nghiên cứu.

Thứ nhất là nghiên cứu về giáo dục định hướng nghề nghiệp cho học sinh, bởi hiện nay tỷ lệ học sinh Đồng bằng sông Cửu Long theo học nghề chỉ khoảng 18%, còn thấp so với nhu cầu thực tế.

Việc nghiên cứu sâu sẽ giúp phụ huynh, học sinh hiểu rõ hơn về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là với học sinh các trường THPT dân tộc nội trú – nguồn nhân lực tiềm năng cho khu vực nếu được định hướng đúng.

toa-dam-5377.jpg
Đại biểu tham dự tọa đàm.

Thứ hai là nghiên cứu mô hình giáo dục tích hợp, nhất là tích hợp STEM, nhằm nâng cao hiệu quả giảng dạy theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế mới.

Thứ ba là nghiên cứu các mô hình hoạt động trải nghiệm dành cho học sinh – một trong những điểm mới quan trọng trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thứ tư là nghiên cứu mô hình giáo dục pháp luật giúp học sinh sớm hình thành nhận thức pháp lý và ứng xử đúng chuẩn mực.

Cuối cùng là nghiên cứu mô hình giáo dục địa phương, làm rõ vai trò và cách thức triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể của từng tỉnh.

"Từ các mô hình của Sở GD&ĐT, Trường Đại học Đồng Tháp sẽ cử chuyên gia phối hợp với các Sở GD&ĐT và Sở Khoa học và Công nghệ địa phương để kết nối, tạo sân chơi, hình thành lõi liên kết cùng phát triển", ông Đệ nhấn mạnh.

Ông Đinh Minh Tùng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD&ĐT) đánh giá cao những nỗ lực của Trường Đại học Đồng Tháp, đồng thời đề nghị nhà trường tiếp tục bám sát thực tiễn, mạnh dạn kiến nghị các khó khăn, vướng mắc lên Bộ GD&ĐT để cùng tìm giải pháp tháo gỡ.

ong-dinh-minh-tung.jpg
Ông Đinh Minh Tùng phát biểu góp ý tại tọa đàm.

Cũng tại chương trình, ông Đỗ Đức Quế – Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) lưu ý một số vấn đề các Sở GD&ĐT khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cần đặc biệt quan tâm, trong đó nhấn mạnh đến công tác bồi dưỡng giáo viên.

Ông bày tỏ ấn tượng với chương trình của Trường Đại học Đồng Tháp, đồng thời nhấn mạnh việc bồi dưỡng phải xuất phát từ nhu cầu thực tế của giáo viên, đặc biệt là với các môn học tích hợp – xu hướng ngày càng rõ nét trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

ong-do-duc-que-7948.jpg
Ông Đỗ Đức Quế - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT) phát biểu tại tọa đàm.

Theo ông Quế, nhiều ngành đào tạo trước đây vốn mang tính đơn môn, trong khi hiện nay yêu cầu đối với giáo viên ngày càng cao, đa dạng và linh hoạt hơn. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng cần tập trung vào việc đáp ứng đúng, trúng nhu cầu và phù hợp với năng lực đội ngũ giáo viên.

Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh tầm quan trọng của hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp – một yếu tố thiết yếu trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nhằm phát triển toàn diện năng lực, thể chất học sinh. Các hoạt động như STEM đã và đang góp phần thiết thực vào mục tiêu này.

Về giáo dục địa phương, ông cho biết thời gian tới, nhiều địa phương sẽ thực hiện sáp nhập, đòi hỏi phải xây dựng lại chương trình giáo dục địa phương một cách cụ thể và quyết liệt hơn.

Ông cũng đề nghị cần có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đủ năng lực để giảng dạy các môn học mới, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay.

Cuối cùng, ông Đỗ Đức Quế nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đặc biệt là các hiệu trưởng trường THPT – những người giữ vai trò then chốt trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch đào tạo tại đơn vị.

Theo ông, việc nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý cho đội ngũ này là yếu tố quyết định để triển khai hiệu quả chương trình giáo dục phổ thông mới và đáp ứng yêu cầu đổi mới toàn diện giáo dục.

"Chưa bao giờ giáo dục – đào tạo được Đảng và Nhà nước quan tâm như hiện nay. Phát triển giáo dục, chuyển đổi số trong giáo dục, xây dựng học bạ số, học liệu số, ngân hàng đề thi… đang được chú trọng để đưa giáo dục bước vào kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ", ông Quế khẳng định.

ong-tran-thanh-binh.jpg
Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ phát biểu tại tọa đàm.

Ông Trần Thanh Bình – Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ cho biết, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện đã có những bước tiến rõ nét về chất lượng giáo dục phổ thông.

Tuy nhiên, công tác tuyển dụng giáo viên tại địa phương vẫn gặp không ít khó khăn. Dù tình trạng thiếu giáo viên ở Cần Thơ không nghiêm trọng bằng các tỉnh khác trong khu vực – hiện chỉ thiếu khoảng 500 giáo viên – nhưng ngành giáo dục thành phố vẫn đang nỗ lực triển khai các giải pháp khắc phục.

"Sắp tới, chúng tôi sẽ công bố các chính sách thu hút sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp để giải bài toán thiếu giáo viên, với những ưu đãi hấp dẫn hơn", ông Bình chia sẻ.

Ông cũng cho biết thêm, Cần Thơ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp đến thực tập tại địa phương, xem đây là một hướng đi lâu dài nhằm xây dựng và bồi dưỡng nguồn lực giáo viên chất lượng cho thành phố.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Không ít bí mật từ 'áo' phấn trắng của hồng treo gió. Ảnh: Quốc Bình

Hồng treo gió

GD&TĐ - Lúc mới ngắt từ cành, quả hồng có vỏ màu vàng hanh pha chút đỏ, tròn căng bóng mà sao ở đây nó nhăn lại đến méo mó.

Các nguồn sử liệu ghi nhận Phan Sĩ Thục là quan thanh liêm, đến lúc mất gia đình cũng không đủ mua đồ khâm liệm. Ảnh minh hoạ: IT

Tiến sĩ Phan Sĩ Thục: Quan thanh liêm, giữ trọn tiết tháo

GD&TĐ - Với quan niệm làm quan nên được dân yêu chứ không phải để dân sợ, làm quan phải thanh liêm không thẹn cái tiếng khoa bảng, Tiến sĩ Phan Sĩ Thục đã sống một đời sáng tỏ đạo đức nhà nho - nhà giáo dục mẫu mực.

Các nhiếp ảnh gia chụp ảnh vụ thử bom nguyên tử tại sa mạc Nevada.

'Hoa hậu bom nguyên tử' là ai?

GD&TĐ - Bảo tàng Nguyên tử ở Mỹ cuối cùng đã công bố danh tính người mẫu trong bức ảnh nổi tiếng 'Hoa hậu bom nguyên tử' được chụp năm 1957.