Trong đó, tại phế tích Cổ Tháp toạ lạc trên một gò đất cao ở thôn Đức Trọng (xã Quảng Vinh), đoàn tìm thấy dấu vết nhiều viên gạch Chăm vỡ hoặc không còn nguyên vẹn.
Ngoài ra, tại thôn Lai Trung (xã Quảng Vinh) đoàn tìm thấy trong ngôi đền Bà Giàn có một tấm bia khắc các ký tự chữ viết người Chăm xưa và một con linh vật nhỏ thời nhà Nguyễn (1802 - 1945).
Riêng tại xã Quảng Phú đoàn phát hiện nhiều dấu tích liên quan đến một ngôi tháp chăm tại khu vực phế tích tháp Đức Nhuận. Nơi đây vào năm 1969, người dân địa phương từng phát hiện tượng bò Nandin hiện lưu giữ tại thư viện Nguyễn Chí Thanh (thị trấn Sịa, Quảng Điền).
Tại ngôi đền Bà Giàn, đoàn nghiên tìm thấy một tấm bia khắc các ký tự chữ viết người Chăm xưa và một con linh vật nhỏ thời nhà Nguyễn. |
Bò Nindin là một trong số các vị thần được người Chăm thờ cúng. Cùng với những kết quả trên, Khoa Lịch sử Trường Đại học Khoa học Huế cũng vừa tổ chức hội nghị thông báo kết quả nghiên cứu “Khu vực thành Hóa Châu: khảo cổ học và hiện đại” trong chương trình hợp tác nghiên cứu với hai trường đại học Osaka và Kanda (Nhật Bản).
Theo đó, các nhà nghiên cứu đã mở 17 hố thám sát tại 15 điểm khu vực thành Hóa Châu (xã Quảng Thành, Quảng Điền) và phát hiện thành Hóa Châu không chỉ có hai vòng lũy thành như một số thành cổ Champa khác mà còn có những lũy thành ngắn khác.
Quy mô thành chỉ đứng sau thành Chà Bàn ở Bình Định. Ngoài ra còn phát hiện các hiện vật gốm sứ, sành, gốm thô, đồ gạch, ngói, đồ đá và đồ thủy tinh của nhà Trần, Trung Hoa, Champa từ thế kỷ 9 đến 15.
GS Nishimura Masanari đến từ Đại học Osaka nhận định, nếu không có thành Hóa Châu thì không có lịch sử của Huế, bởi Hóa Châu chính là nơi tiếp xúc văn hóa Champa với văn hóa Đại Việt. Các nhà nghiên cứu đã đề nghị cần tiến hành lập hồ sơ để công nhận di tích thành cổ này.