Hậu quả khôn lường
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn cho biết: Mất cân bằng giới tính đang là mối quan ngại ngày càng lớn tại các quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng cao trong những năm gần đây.
Năm 2014 tỷ số này đã ở mức 112,2 bé trai sinh ra sống so với 100 bé gái sinh ra sống và xu hướng này đang có chiều hướng tiếp tục tăng. Con số báo động hiện nay đã có 55/63 tỉnh thành có tỷ số giới tính khi sinh cao trên 108 bé trai sinh ra sống trên 100 bé gái sinh ra sống.
Mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội. Nếu không có những biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một viễn cảnh dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn.
Mất cân bằng giới tính có thể gây ra các hậu quả nghiêm trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và ảnh hưởng tới cuộc sống của phụ nữ, nam giới, gia đình và cộng đồng.
Việc thiếu phụ nữ sẽ làm cho rất nhiều nam giới khó khăn trong việc tìm bạn đời để kết hôn. "Sức ép kết hôn" sẽ tạo ra những hậu quả về mặt xã hội và nhân khẩu học như gia tăng áp lực buộc các em gái phải kết hôn sớm, gia tăng đường dây buôn bán phụ nữ và các hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái, bất ổn xã hội do những thất vọng về mặt xã hội và tình dục của nam giới…
Đi tìm căn nguyên và giải pháp khắc phục
Thái độ xem thường giá trị của phụ nữ đã ăn sâu bám rễ trong các quan niệm văn hóa, tư tưởng truyền thống lâu đời đã tạo nên áp lực nặng nề đối với phụ nữ về việc phải sinh được con trai và ảnh hưởng tới vị thế kinh tế, xã hội, đời sống sinh sản và tình dục của người phụ nữ.
Chính vì vậy, hơn bao giờ hết cần đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục truyền thông nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi trong triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về Dân số và Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020, Chương trình hành động quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011–2020; nhằm can thiệp một cách có hiệu quả, góp phần kiểm soát và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trong thời gian tới.
Đồng thời giúp người dân thay đổi nhận thức, hành vi về giới tính là một cuộc vận động lâu dài, bền bỉ chứ không thể thực hiện thành công trong một sớm một chiều hoặc thậm chí trong một vài năm mà được.
Do đó, để can thiệp, giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi cần được tiến hành đồng bộ với sự góp sức của toàn xã hội. Song song với việc tác động nhằm thay đổi nhận thức, hành vị của người dân về vấn đề giới tính, thì các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương phải tiến hành đồng thời việc thực hiện nhiều chương trình truyền thông nhằm thúc đẩy bình đẳng giới và nâng cao vị thể của người phụ nữ trong xã hội; xây dựng các chính sách nhằm bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi, để các gia đình không phải phụ thuộc hoàn toàn vào con trai khi cha mẹ già yếu…
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh việc thực thi nghiêm minh pháp luật về giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh, nghiêm cấm xác định giới tính trước khi sinh tại các cơ sở y tế và tại cộng đồng.
"Để hướng tới mục tiêu quyền con người để xóa bỏ bất bình đẳng giới, đảm bảo nhân phẩm và các quyền con người của mỗi cá nhân, phụ nữ, trẻ em, thiết nghĩ cần có sự nỗ lực hơn nữa từ Chính phủ, các cơ quan, cộng đồng cùng chung tay để chấm dứt hiện tượng mất cân bằng giới tính khi sinh để phụ nữ và các em gái ở tất cả mọi nơi trên đất nước đều có thể nhận được cơ hội như nhau về chăm sóc và giáo dục để phát triển toàn diện"
Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn