Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành lấy tên là Luật Lâm nghiệp

GD&TĐ - Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) của ông Phan Xuân Dũng - Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội – cho biết: Đa số UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ lấy tên Luật là Luật Lâm nghiệp.

Nhiều đại biểu Quốc hội tán thành lấy tên là Luật Lâm nghiệp

Đây cũng là ý kiến đa số của của các vị ĐBQH nhất trí với phạm vi điều chỉnh như quy định tại Điều 1 của Dự thảo Luật trình Quốc hội, theo đó đề nghị tên gọi của Luật là Luật Lâm nghiệp.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật chỉ nên điều chỉnh về bảo vệ và phát triển rừng cho phù hợp với tên gọi Luật Bảo vệ và phát triển rừng như đã nêu trong Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2017.

Về vấn đề này, UBTVQH thấy rằng, ở giai đoạn 1990-1991 đất trống, đồi núi trọc còn nhiều, tỷ lệ che phủ rừng rất thấp, chỉ dưới 28% nên mục tiêu chủ yếu của giai đoạn này là phải tập trung vào nhiệm vụ nâng cao độ che phủ của rừng. Do đó, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XI, đã xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt và lấy tên Luật lúc bấy giờ là “Luật Bảo vệ và phát triển rừng” là hoàn toàn xác đáng.

Tuy nhiên, qua hơn 13 năm thực thi Luật, bằng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay tỷ lệ che phủ rừng nước ta đã không ngừng nâng cao và đạt trên 41% là ở mức cao của thế giới.

Lâm nghiệp Việt Nam đã trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật với sản lượng gỗ rừng trồng đạt 17,3 triệu m3 (2016), xuất khẩu các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ tới trên 100 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch từ 2,8 tỷ USD (2008) lên 7,3 tỷ USD (2016) đã đưa nước ta trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về xuất khẩu các mặt hàng này.

Ông Phan Xuân Dũng Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trước Quốc hội
Ông Phan Xuân Dũng Báo cáo Giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi) trước Quốc hội

Vì vậy, bên cạnh việc BV&PTR thì phát triển kinh tế lâm nghiệp theo chuỗi giá trị là yêu cầu cấp thiết, là xu hướng phát triển tiến bộ và hiện đại nên phạm vi điều chỉnh của Luật sửa đổi lần này đã quy định điều chỉnh toàn bộ các hoạt động từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản; đáp ứng yêu cầu đổi mới quản lý hoạt động lâm nghiệp theo chuỗi giá trị để thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X là: “...Phát triển lâm nghiệp toàn diện từ quản lý, bảo vệ, trồng, cải tạo, làm giàu rừng đến khai thác, chế biến lâm sản, bảo vệ môi trường cho du lịch sinh thái…” .

Qua tổng hợp ý kiến các Đoàn ĐBQH , ý kiến của các doanh nghiệp, nhà quản lý, nhà khoa học tại các hội nghị, hội thảo thì đa số cũng đều đề nghị tên gọi của Luật là Luật Lâm nghiệp.

Với phạm vi điều chỉnh và nội dung của Luật như dự thảo trình Quốc hội, thì đa số UBTVQH tán thành với đề nghị của Chính phủ lấy tên Luật là Luật Lâm nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ