Nhiều công trình trọng điểm bị sạt trượt ở Đắk Nông: Vì sao chậm giám định nguyên nhân?

GD&TĐ - Đập thủy lợi Đắk N’ting, đường Hồ Chí Minh… là công trình trọng điểm của Đắk Nông bị sạt trượt nghiêm trọng.

Một năm sau sự cố sạt trượt, các vết nứt tại đập thủy lợi Đắk N’ting (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) có chiều hướng mở rộng và sâu thêm.
Một năm sau sự cố sạt trượt, các vết nứt tại đập thủy lợi Đắk N’ting (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) có chiều hướng mở rộng và sâu thêm.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm xảy ra sự cố, những vết nứt cũ có chiều hướng rộng và sâu hơn nhưng vẫn chưa được khắc phục, cũng chưa được giám định nguyên nhân.

Nguy cơ mất an toàn

Trở lại hồ thủy lợi Đắk N’ting (huyện Đắk Glong, Đắk Nông) sau 1 năm xảy ra sự cố sạt trượt (8/2023), phóng viên Báo GD&TĐ chứng kiến nhiều vết nứt cũ trên thân đập bị kéo giãn rộng và sâu hơn, tuy nhiên chưa có dấu hiệu khắc phục.

Ông Vũ Tiến Lư, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đắk Glong không giấu được lo lắng. "Cứ càng dây dưa kéo dài, thủy lợi Đắk N’ting càng hư hỏng thêm và càng khó khắc phục”, ông Lư nói.

Còn ông Phạm Tuấn Anh, Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Nông thừa nhận, chưa tìm được đơn vị tư vấn để giám định nguyên nhân.

Chung quan điểm, ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở GTVT Đắk Nông cho rằng, đây là công trình sạt trượt hết sức phức tạp, tỉnh không thuê được đơn vị nào để tư vấn.

Sau khi xảy ra sự cố, tỉnh Đắk Nông gửi lời mời giám định, nhưng nhiều đơn vị tư vấn tìm cách né tránh. Vì vậy, mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã hợp đồng với Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, dự kiến hoàn thành việc giám định trong 75 ngày.

“Công trình xảy ra sự cố sạt trượt, nứt gãy khi đang trong giai đoạn xây dựng, chưa được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Do chưa xác định được nguyên nhân sự cố là do thiết kế, thi công hay thiên tai nên chưa có hướng xử lý. Phải chờ kết quả giám định của Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam, khi đó mới có thể đánh giá, tham mưu tỉnh đưa ra giải pháp”, ông Tuấn Anh nói thêm.

Tại một số công trình hạ tầng quan trọng ở Đắk Nông khác cũng xảy ra sự việc tương tự. Đường Hồ Chí Minh (Quốc lộ 14 cũ - PV) qua TP Gia Nghĩa, Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức) cũng bị sạt lở nghiêm trọng vào mùa mưa năm 2023.

Tuy nhiên, đến nay sự cố vẫn chưa được khắc phục khiến nhiều gia đình quanh khu vực này luôn sống trong lo sợ, nguy cơ mất an toàn luôn rình rập.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Văn Chiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông thông tin, tỉnh rất nóng ruột khi hàng loạt công trình quan trọng, ảnh hưởng đến an toàn của nhiều người dân nhưng mãi không thể khắc phục vì chưa tìm được nguyên nhân.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông, khi xảy ra sự cố thiên tai, quan tâm số 1 của tỉnh là an toàn tính mạng, bảo vệ tài sản của người dân nên đã di dời đến nơi an toàn. Tuy vậy, việc khắc phục lại vô cùng phức tạp vì phải đầy đủ thủ tục.

“Thực tế là cả bộ máy chưa có kinh nghiệm xử lý những vụ sạt lở nghiêm trọng. Bên cạnh đó, do tính chất phức tạp của các sự cố nên nhiều đơn vị chuyên môn tìm cách né tránh, không tham gia, bởi vậy việc đánh giá nguyên nhân kéo dài”, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đắk Nông lý giải thêm.

nhieu cong trinh trong diem bi sat truot o dak nong (2).jpg
Đập thủy lợi Đắk N’ting (huyện Đắk Glong, Đắk Nông).

Nỗ lực khắc phục sự cố sớm nhất

Theo ông Lê Văn Chiến, việc khắc phục sự cố hồ Đắk N’ting đến nay vẫn đang đợi kết quả giám định nguyên nhân sự cố. Sau khi có kết quả, sẽ phân định trách nhiệm và tham mưu UBND tỉnh xử lý theo quy định.

“Từ kết quả giám định, nếu do thiên tai thì Nhà nước trả tiền sửa chữa, còn nếu do thi công hoặc thiết kế thì các đơn vị đó phải có trách nhiệm”, ông Lê Văn Chiến nêu quan điểm.

Về việc khắc phục sự cố trên tuyến đường Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Nhân Bản, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông cho hay, hiện nay Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải đã tổ chức giám định tìm ra nguyên nhân và báo cáo đề xuất, tham mưu tỉnh kết luận.

UBND tỉnh đã chỉ đạo, Công ty Cổ phần BOT & BT Đức Long Đắk Nông (chủ đầu tư tuyến BOT đường Hồ Chí Minh - đoạn qua TP Gia Nghĩa) đang khẩn trương triển khai việc lập dự án khắc phục sự cố.

Theo ông Bản, BOT Đức Long Đắk Nông đưa ra 2 trong 3 phương án đã lập từ trước.

Phương án 1, khắc phục phạm vi mặt đường bị sụt lún, đối với phạm vi mặt đường còn lại đang ổn định thì giữ nguyên theo tuyến cũ. Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 193 tỷ đồng, thi công trong 12 tháng.

nhieu cong trinh trong diem bi sat truot o dak nong (3).jpg
Sau 1 năm, sự cố sạt trượt khiến hàng chục hộ dân sống ở taluy âm đường Hồ Chí Minh đoạn qua TP Gia Nghĩa luôn sống trong lo sợ.

Phương án 2 sẽ cần 200 tỷ đồng, 8 tháng thi công để cải tạo tuyến, dịch tim tuyến về phía bên trái tuyến theo hướng TP Gia Nghĩa - TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), hướng vào trong khu vực ổn định. Kết hợp cải tạo hệ thống thu gom nước mặt và xử lý một phần bề mặt taluy nền đường.

“Chọn phương án nào là do đơn vị tư vấn thiết kế tính toán và đánh giá hiệu quả. Việc này sẽ được tỉnh quyết định ở bước lập dự án khắc phục sự cố sạt trượt Quốc lộ 14”, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Nông thông tin.

Trao đổi thêm với phóng viên, lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Nông và các đơn vị chức năng tại Đắk Nông đều khẳng định, đang nỗ lực làm hết trách nhiệm để triển khai trong năm 2025.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ