Vay vốn để thoát nghèo
Gia đình bà Yeh (thôn Đăk Krăk, xã Hòa Bình, TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum) trước kia thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Đời sống khó khăn nên ngoài canh tác rẫy của gia đình bà đi làm thuê, cuốc mướn để kiếm thêm thu nhập duy trì cuộc sống.
Nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách dành cho hộ nghèo phát triển sản xuất thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2021 bà vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư nuôi bò và chăm sóc 1ha cao su.
Chăm chỉ làm ăn, tính toán chi tiêu nên gia đình bà có vốn để tái đầu tư mang lại nguồn thu nhập ổn định. Mỗi năm gia đình bà thu hoạch và mang về khoảng 75 triệu đồng, 2 năm sau vay vốn bà đã chính thức thoát nghèo.
"May mắn các cấp, chính quyền quan tâm, hỗ trợ gia đình vay vốn tôi mới có cơ hội phát triển kinh tế. Đời sống của gia đình cũng dần ổn định, có của ăn của để. Hy vọng những hộ khó khăn khác cũng cố gắng, nỗ lực để vươn lên thoát khỏi đói nghèo", bà Yeh nói.
Bà Đỗ Thị Trang Nhã - Phó chủ tịch UBND xã Hoà Bình cho biết, thực hiện công tác giảm nghèo, từ năm 2021 đến nay, địa phương đã hỗ trợ 34 hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ dân người đồng bào dân tộc thiểu số 34 con bò giống và 3.976kg thức ăn chăn nuôi.
Cùng với đó, hỗ trợ 5 hộ nghèo, 9 hộ cận nghèo 515 cây mắc ca và tiền điện cho hộ nghèo với số tiền hơn 100 triệu đồng.
Các cấp chính quyền còn thực hiện miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, cấp bù học phí cho 1.697 lượt học sinh với tổng kinh phí trên 914 triệu đồng. Hỗ trợ xây dựng 5 căn nhà, sửa chữa 1 căn nhà và tạo điều kiện cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn để phát triển sản xuất. Đồng thời phối hợp mở các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi.
Theo bà Nhã, đến nay, toàn xã chỉ còn 33 hộ nghèo, 66 hộ cận nghèo. Thời gian tới, địa phương tiếp tục khảo sát, nắm tình hình đời sống của người dân để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
16.681 lượt hộ dân được vay vốn
Từ năm 2021 đến nay, TP Kon Tum mở 25 lớp dạy nghề cho 667 lao động nông thôn. Bên cạnh đó, tổ chức khám, chữa bệnh miễn phí cho 7.964 lượt người với tổng kinh phí hơn 3,1 tỷ đồng. Ngoài ra, hỗ trợ cho 300 hộ DTTS nghèo, khó khăn về đất sản xuất, đất ở, nhà ở…
Đồng thời, thực hiện các chính sách trợ giúp cho hơn 2.400 lượt học sinh thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Từ nguồn quỹ Vì người nghèo, toàn thành phố đã hỗ trợ xây dựng 46 căn nhà Đại đoàn kết và sửa chữa 8 căn nhà cho hộ nghèo khó khăn về nhà ở.
Không những vậy, hàng năm, các xã, phường trên địa bàn thành phố đều rà soát hộ nghèo, cận nghèo, từ đó đề ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp. Công tác tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác giảm nghèo được chú trọng.
Bên cạnh đó, TP Kon Tum tăng cường hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm. Công tác đào tạo nghề, dạy nghề gắn với nhu cầu của thị trường lao động được thực hiện hiệu quả. Đặc biệt vấn đề đất ở, đất sản xuất cho người dân nhất là đồng bào DTTS được quan tâm…
Nhờ vậy, nâng cao nhận thức, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại và phát huy ý chí vươn lên thoát nghèo của người dân.
Với sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền, từ năm 2021-2023 thành phố có 16.681 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội với số tiền 986 tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố từ 2,37% (năm 2021) giảm còn 0,73% (cuối năm 2023).
Hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo khi được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi đều phát huy tính chủ động trong lao động, chăn nuôi, sản xuất đạt hiệu quả cao, đem lại thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.
Trong thời gian tới UBND TP Kon Tum tiếp tục chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền sâu rộng mục tiêu của các chương trình, dự án đến các cấp, các ngành, người dân. Qua đó, nhằm thay đổi và chuyển biến về nhận thức trong công tác giảm nghèo, khơi dậy ý thức vươn lên của hộ nghèo.
Ngoài ra chú trọng đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ hộ nghèo vay vốn, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả. Đồng thời huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.