Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp tại TP Hồ Chí Minh hồi phục sản xuất

GD&TĐ - TP Hồ Chí Minh đã có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc cho phép oanh nghiệp được hoạch toán các chi phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thông tin về vấn đề lãi suất ngân hàng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Thị Thắng cho biết, để kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các hộ kinh doanh cá thể… vượt qua khó khăn, có thêm nguồn vốn để phục hồi hoạt động, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ qua Thông tư số 01, 03 và 14 như: Giảm lãi suất, khoanh lãi, không nhảy nhóm,...

Các doanh nghiệp, hộ kinh doanh gặp khó khăn, vướng mắc có thể phản ánh trực tiếp tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh hoặc thông qua các Hiệp hội, Hội ngành nghề…

Riêng các cơ sở sản xuất kinh doanh, hộ kinh doanh có nhu cầu… có thể liên hệ với các Hội, đoàn thể tại địa phương, Ngân hàng Chính sách Xã hội để được hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn với lãi suất thấp.

Cùng với lãi suất ngân hàng, các vấn đề liên quan đến thuế cũng được quan tâm hiện nay.

Theo đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021.

Nghị quyết 68 của Chính phủ cũng quy định cụ thể việc hỗ trợ cho các hộ kinh doanh… và một số chính sách khác chuẩn bị được ban hành.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản gửi các Chi cục thuế quận – huyện, thành phố Thủ Đức về việc triển khai thực hiện hoàn thuế sớm hơn cho Doanh nghiệp thay vì cuối năm như bình thường. Các Doanh nghiệp đăng ký nộp hồ sơ để được hoàn thuế sớm, có thêm vốn để kinh doanh.

Liên quan đến chi phí xét nghiệm, Doanh nghiệp phản ánh hiện nay Doanh nghiệp phải tự chi trả chi phí xét nghiệm quá cao trong khi tình hình tài chính đang khó khăn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng chia sẻ, thời gian qua rất nhiều Doanh nghiệp đã kiên cường để vượt qua những khó khăn, đặc biệt là giai đoạn thực hiện “3 tại chỗ” hoặc triển khai bình ổn giá suốt thời gian giãn cách với việc trang trải kinh phí không hề nhỏ.

Và hiện nay chi phí xét nghiệm cho nhân viên của các doanh nghiệp cũng là một gánh nặng khi hoạt động trở lại.

Thấu hiểu điều này, thành phố đã có đề xuất, kiến nghị với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về việc cho phép Doanh nghiệp được hoạch toán các chi phí liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ