“Hiền tài là nguyên khí quốc gia.” Ở bất cứ đất nước nào, thời kỳ nào, chế độ nào cũng cần có người tài.
Song, không phải lúc nào, ở đâu người tài cũng được trọng dụng, nhất là trong bộ máy công quyền, khi những hẹp hòi, đố kỵ, tâm lý sợ cấp dưới giỏi hơn làm mình bị lu mờ... vẫn còn thường trực trong người lãnh đạo cao nhất.
Nhiều mối quan hệ nhằng nhịt đã khiến bao người tài phải rũ áo ra khỏi cơ quan Nhà nước...
Cải cách chế độ công vụ, công chức, hút người tài bằng thi tuyển, “đãi ngộ” họ bằng chức danh và thực quyền, để họ được yên tâm cống hiến, câu chuyện được nhiều địa phương áp dụng thành công nay được xới xáo trong các bộ, ngành.
"Đãi cát tìm vàng"
Tuyển chọn cán bộ vào các chức danh lãnh đạo thông qua con đường thi tuyển cạnh tranh - công cuộc “đãi cát tìm vàng” đã được nhiều địa phương thực hiện rất thành công.
Tỉnh Quảng Ninh qua thi tuyển đã chọn được 12 lãnh đạo cho các sở, ngành. Tỉnh Đồng Tháp vừa thông qua kết quả thi tuyển chức danh Phó Giám đốc các Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên-Môi trường, Đài Phát thanh Truyền hình và Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng cộng đồng.
Thành phố Hồ Chí Minh dự kiến cuối năm 2014 sẽ có lứa cán bộ lãnh đạo cấp phòng đầu tiên thông qua thi tuyển và địa phương này cũng đã tính tới việc thi tuyển cả chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện.
Thành phố Đà Nẵng sau những bước đi thành công trong tuyển nhân sự cho các vị trí lãnh đạo, quản lý trong giai đoạn 2006-2012 với 92 người được bổ nhiệm, năm 2013, thành phố đã tổ chức thi tuyển thêm 40 vị trí chức danh.
Trong khi các địa phương khá mạnh dạn, hào hứng thì khối bộ, ngành còn khá im ắng và dường như đang dè chừng, nghe ngóng về chủ trương thi tuyển cán bộ lãnh đạo quản lý.
Sau khi Bộ Giao thông Vận tải quyết định về việc thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam vào tháng Tư năm nay khiến dư luận xôn xao, việc Bộ Tư pháp quyết định thi tuyển Vụ trưởng, Vụ phó và lãnh đạo cấp phòng liệu có tạo cú hích cho các bộ, ngành?
Cùng chung ý tưởng thí điểm tuyển chọn lãnh đạo, song, đối tượng dự thi và tiêu chuẩn của người dự thi được Bộ Tư pháp quy định “thoáng” hơn rất nhiều so với Bộ Giao thông Vận tải.
Bà Phan Thị Hồng Hà - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ cho biết Bộ Tư pháp có kế hoạch thí điểm thi tuyển cạnh tranh đối với 3 vị trí: một cấp Vụ trưởng, một cấp Vụ phó và một lãnh đạo cấp phòng. Hiện nay, Bộ đang trong quá trình công khai các tiêu chuẩn, điều kiện để thực hiện thí điểm thi tuyển đối với các chức danh này.
Trong Đề án được Bộ trưởng Bộ Tư pháp phê duyệt vào tháng 6/2013, việc thí điểm thi tuyển có một số điểm mới so với quy trình bổ nhiệm truyền thống. Với quy định phải có số dư ít nhất là một so với các vị trí cần tuyển mới tổ chức thi tuyển, đề án đã tạo được sự cạnh tranh trong các ứng viên để tìm người có năng lực hơn.
Bộ đã công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ, các phương tiện thông tin đại chúng, có công văn gửi các đơn vị trong Bộ, trong ngành về chủ trương và các yêu cầu, điều kiện tổ chức thi tuyển để khuyến khích thu hút sự tham gia của cán bộ, công chức trong và ngoài ngành, đảm bảo tính minh bạch, công khai trong thi tuyển.
Không bó hẹp đối tượng tham gia thi tuyển phải nằm trong nguồn quy hoạch như Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tư pháp đã mở rộng với cả những người ngoài quy hoạch ở trong và ngoài ngành, người lao động trong các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị xã hội, pháp chế các bộ, ngành để mở rộng đối tượng tham gia, thu hút những cán bộ có năng lực.
Đối với nguồn ngoài quy hoạch, nguồn ngoài Bộ không có điều kiện về mặt lý luận cao cấp hay trình độ về quản lý nhà nước, sẽ được “nợ” tiêu chuẩn, trong trường hợp khi được bổ nhiệm sẽ hoàn thiện tiêu chuẩn đó, bà Phan Thị Hồng Hà cho hay.
Một điểm đổi mới nữa trong công tác thi tuyển chức danh ở Bộ Tư pháp là đã tạo được bước đột phá trong quy trình, cách thức lựa chọn cán bộ để bổ nhiệm.
Thay vì bổ nhiệm cán bộ chủ yếu dựa vào kết quả lấy phiếu tín nhiệm như trước đây, Bộ Tư pháp sẽ bổ nhiệm cán bộ dựa vào kết quả chấm điểm bằng việc đưa ra đề tài trên cơ sở yêu cầu công tác của vị trí việc làm, sát với yêu cầu thực tiễn và giao cho các thí sinh.
Tất cả các thí sinh cùng thi vào một chức danh đều có chung một nội dung đề tài như nhau để chuẩn bị và bảo vệ trước hội đồng.
Đặt nặng phần thi thuyết trình bảo vệ đề tài và xử lý tình huống của thí sinh, khung điểm dành cho phần bảo vệ thuyết trình nội dung đề tài trước hội đồng lên đến 40 điểm; phần trả lời tình huống, kiểm tra ứng xử, xử lý các tình huống nhanh nhạy của thí sinh 40 điểm, trong khi phần thi viết chỉ được 20 điểm.
Bà Phan Thị Hồng Hà cho rằng như vậy sẽ đánh giá thí sinh sát hơn với năng lực, trình độ, sát hơn so với bổ nhiệm theo hình thức truyền thống là bỏ phiếu, đảm bảo khách quan trong việc đánh giá với thí sinh đăng ký dự tuyển.
Điểm chấm của hội đồng sẽ là điểm chung của các thành viên, nếu chênh lệch của thành viên nào trên 10% so với điểm trung bình phải có sự xem xét điều chỉnh lại, nếu không điều chỉnh lại, vẫn chênh lệch như vậy sẽ loại những điểm đó để đảm bảo không có sự thiên vị, không khách quan trong việc đánh giá các thí sinh dự tuyển.
Vẫn cần một "sàng" quy chuẩn
Thận trọng trong bước đi nhưng “thoáng” về tiêu chuẩn, có vẻ như cách làm của Bộ Tư pháp đang bước ra quá “giới hạn” khi lựa chọn cả những người nằm ngoài quy hoạch.
Mặc dù Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ này đã khẳng định dù có nhiều đổi mới về quá trình tuyển chọn nhưng công tác thi tuyển vẫn đảm bảo giữ được nguyên tắc lãnh đạo của Đảng trong công tác cán bộ, thể hiện rõ từ khâu xây dựng đề án kế hoạch thi tuyển, đề xuất các vị trí thi tuyển... đều được báo cáo xin ý kiến của cấp ủy đảng, song, cách làm này chưa nhận được sự đồng tình của Bộ Nội vụ.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn thẳng thắn cho biết chưa đồng tình với cách làm này. Việc thi chọn những người có đủ phẩm chất, trình độ, năng lực, những người có thể đảm nhiệm tốt nhiệm vụ được giao nhưng vẫn phải đảm bảo quan điểm lãnh đạo của Đảng.
Đổi mới về phương thức tuyển chọn là một hoạt động mang tính cải cách mà cải cách, cần phải có bước đi thận trọng, vững chắc và không gây xáo trộn ảnh hưởng đến tính ổn định của tổ chức, ông Trần Anh Tuấn lý giải.
Theo quan điểm của ông Trần Anh Tuấn, trước mắt không thể bỏ được quy định cán bộ thi tuyển chức danh lãnh đạo phải nằm trong quy hoạch, đó chính là việc khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ. Quy hoạch chính là sự định hướng và có sự chuẩn bị về nguồn.
Những người được ứng cử, đăng ký vào thi tuyển chức danh bước đầu nên để những người nằm trong quy hoạch đăng ký và không cứ là nguồn nhân sự tại chỗ, nhân sự tại Bộ mà có thể ở các ngành, các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội nếu được quy hoạch vào các chức danh tương đương.
Khi cán bộ đã được đưa vào trong quy hoạch, đương nhiên người quản lý có thẩm quyền phải tạo điều kiện để cho họ đi học bổ sung những tiêu chuẩn mà chức danh được quy hoạch ấy đã quy định.
Đang trong giai đoạn thí điểm thi tuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý mỗi bộ, ngành, địa phương lại có những cách làm và quy định khác nhau, "trăm hoa đua nở." Song, về lâu dài, Bộ Nội vụ cho rằng khi Đề án thí điểm đổi mới cách tuyển chọn lãnh đạo cấp vụ, cấp phòng do Bộ Xây dựng được Bộ Chính trị thông qua sẽ thể chế hóa, có barem quy định cụ thể.
Trước những băn khoăn của dư luận về quy định cứng “trong quy hoạch” sẽ khiến nhiều người tài bị mất cơ hội, lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định chọn người tài có thể thể hiện ở các chính sách khác, bởi, những người đã được đưa vào quy hoạch là những người có tiềm năng, có khả năng để đưa vào các vị trí lãnh đạo.
Sau này, trong quá trình tiếp tục đổi mới vai trò lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ mới tính đến vấn đề mở rộng ra hết tất cả mọi thành phần.
Nhận thấy thi tuyển chức danh là chủ trương đúng đắn, đổi mới đột phá trong công tác cán bộ, trong việc nâng cao chất lượng cán bộ lãnh đạo, bà Phan Thị Hồng Hà đã đề nghị Bộ Nội vụ đẩy mạnh hơn nữa việc tổ chức thí điểm thi tuyển lãnh đạo, trên cơ sở đó đánh giá, tổng kết, đưa vào thực hiện chính thức trong thời gian tới và có các quy định về mặt pháp lý để có cơ sở thực hiện mang tính chính thống, tạo điều kiện cho công tác triển khai.
Trong báo cáo quả thực hiện công tác “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” năm 2013 gửi Ban Chỉ đạo Trung ương về Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường cũng đã đề nghị Bộ Nội vụ nghiên cứu, hướng dẫn cụ thể về cách thức, phương pháp và nội dung đổi mới công tác tuyển chọn, bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý cấp vụ, cấp sở, cấp phòng theo hướng thi tuyển.