Nhiều bất cập trong xử lý thuốc lá nhập lậu

GD&TĐ - Trong khi sản xuất kinh doanh thuốc lá trong nước luôn được quản lý chặt chẽ bởi các quy định pháp lý nghiêm ngặt, thì ở chiều ngược lại việc xử lý thuốc lá lậu thời gian qua lại đang có rất nhiều bất cập khiến nạn buôn lậu thuốc lá luôn là điểm nóng, với những diễn biến phức tạp, tính chất, quy mô ngày càng nghiêm trọng.  

Nhiều bất cập trong xử lý thuốc lá nhập lậu

Văn bản thiếu nhất quán

Chỉ tính riêng từ năm 2016 đến nay, thuốc lá lậu sau một thời gian lắng dịu đã tiếp tục gia tăng trở lại và diễn biến hết sức phức tạp. Việc triển khai Chỉ thị 30 của Chính phủ về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá đã có dấu hiệu “buông lỏng”, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về buôn lậu thuốc lá.

Hiện đang còn hàng trăm vụ xử lý hình sự đã phải “nằm chờ” vì luật không đồng bộ khiến công tác chống buôn lậu gặp nhiều khó khăn.

Theo đại diện Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam, chính do sự thiếu nhất quán trong các văn bản pháp quy liên quan đến việc xử lý hành vi buôn lậu thuốc lá như các quy định tại Bộ luật Hình sự 2015, Nghị định 124/2015/NĐ-CP, Công văn số 06/TANDTC-PC của Toà án Nhân dân Tối cao, Luật Thương mại, Luật Đầu tư... gây khó khăn và ách tắc trong việc xét xử tội danh buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá nhập lậu, làm mất dần đi công cụ răn đe có tính mạnh mẽ nhất của pháp luật.

Thêm vào đó, việc xét xử theo tội buôn lậu, vận chuyển trái phép thuốc lá qua biên giới rất ít khi thực hiện được, trên thực tế do đường biên giới Việt Nam tiếp giáp với các nước láng giềng như: Campuchia, Lào và Trung Quốc rất dài, rất khó có bằng chứng chứng minh đối tượng có hành vi buôn bán, vận chuyển qua biên giới.

Những lý do đó đã phần nào làm giảm đi sự quyết liệt trong công tác chống thuốc lá lậu của các lực lượng chức năng. Bởi cho dù có bắt giữ đi chăng nữa thì việc xử lý cũng sẽ rất khó khăn.

Cần thống nhất luật để tạo sức răn đe

Chính phủ đã ban hành Văn bản 3825/VPCP-V.I dự kiến cho thí điểm tái xuất, bán đấu giá thuốc lá nhập lậu còn chất lượng. Văn bản này thu hút nhiều ý kiến trái chiều, trong đó nhiều ý kiến cho rằng, việc tái xuất sẽ gây nguy cơ thẩm lậu cao, khiến Nhà nước tiếp tục thất thu ngân sách.

Bởi trước đây, đề xuất tái xuất thuốc lá nhập lậu đã từng được thực hiện theo Quyết định số 1112/QĐ-TTg ngày 21/8/2012. Tuy nhiên, sau 2 năm thực hiện thí điểm, thực tế đã cho thấy phương án này có quá nhiều bất cập trong cả khâu kiểm soát và thực hiện.

Đến nay, giải pháp xử lý tang vật thuốc lá lậu theo hướng bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất ngày càng thể hiện rõ nhiều bất cập, hệ luỵ.

Trước tiên, nếu thực hiện đấu giá để tiêu thụ nội địa sẽ tạo kẽ hở pháp luật để các đối tượng buôn lậu lợi dụng, hợp pháp hoá thuốc lá nhập lậu để tiêu thụ nội địa, gây lũng đoạn thị trường, đồng thời làm tăng nguy cơ mất kiểm soát.

Còn nếu tái xuất, do đa phần thuốc lá nhập lậu (như thuốc lá JET, HERO hiện chiếm 80 - 90% thuốc lá nhập lậu tại Việt Nam) không phù hợp với các nước trong khu vực, chỉ tiêu thụ ở thị trường Việt Nam.

Không chỉ có vậy, việc xác định thuốc lá nhập lậu còn chất lượng hay không rất khó và tốn thời gian. Bởi hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào liên quan quy định cụ thể về việc giám định, kiểm định chất lượng sản phẩm thuốc lá nhập lậu...

Vì vậy, nhằm xác định rõ thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu còn chất lượng để có thể bán đấu giá tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất cần phải thành lập Hội đồng thẩm định chất lượng...

Chính những bất cập trên mà không ít chuyên gia đặt câu hỏi: Khi đấu giá để tiêu thụ trong nước, thuốc lá ngoại nhập lậu bị tịch thu có được tính giá khởi điểm bao gồm các loại thuế, quỹ rất cao (thuế nhập khẩu 135%, thuế tiêu thụ đặc biệt 70%, khoản đóng góp bắt buộc vào Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá 1,5%) như thuốc lá trong nước và thuốc lá nhập khẩu hợp pháp không?

Nếu không, sẽ có sự bất cập về mặt pháp lý và độ chênh lệch rất lớn giữa thuốc lá nhập lậu và thuốc lá hợp pháp trong nước. Chưa kể ngân sách Nhà nước cũng sẽ bị thất thu đáng kể (khoảng 10.000 tỉ đồng/năm) và sẽ còn tăng thêm nhiều lần nếu thuốc lá nhập lậu bị tịch thu được bán đấu giá để tiêu thụ nội địa hoặc tái xuất.

Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hiện các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang, Cần Thơ, Gia Lai, Đồng Tháp, Tây Ninh, TPHCM vẫn thường xuyên là điểm nóng về thuốc lá lậu của cả nước. Chỉ 6 tháng đầu năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý hơn một ngàn vụ vi phạm; thu nộp ngân sách Nhà nước gần 5 tỉ đồng; tịch thu hàng trăm ngàn bao thuốc lá, thu giữ hàng chục xe ô tô, hàng trăm xe máy và nhiều phương tiện khác...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Máy trồng chanh dây tự động giải phóng sức lao động cho người nông dân.

Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng

GD&TĐ - Máy tạo bầu trồng chanh dây đa năng có thể thực hiện tự động tất cả các khâu, giúp tiết kiệm chi phí nhân công và nâng cao năng suất vườn ươm.