Nhiễm sán dây lợn do thói quen ăn đồ tái sống

GD&TĐ - Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân V. (51 tuổi, Nam Định) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, chảy nước mũi và đau ngực gáy.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Bệnh viện Nội tiết Trung ương đã tiếp nhận bệnh nhân V. (51 tuổi, Nam Định) nhập viện trong tình trạng ho nhiều, chảy nước mũi và đau ngực gáy. Các bác sĩ chẩn đoán, bệnh nhân nhiễm sán dây lợn.

Hai tuần trước khi đến khám tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, ông V. xuất hiện các triệu chứng bệnh và tự ý dùng thuốc ho dài ngày, nhưng không giảm. Sau khi được các bác sĩ thăm khám và xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm ấu trùng sán dây lợn ở cơ.

ThS.BS Đào Đức An, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết: “Bệnh ấu trùng sán dây lợn là bệnh ký sinh trùng gây ra do người ăn phải trứng sán dây lợn Taenia solium qua thực phẩm hoặc nước uống. Bệnh ấu trùng sán dây lợn phân bố ở nhiều nước có điều kiện kinh tế khó khăn, điều kiện vệ sinh môi trường thấp kém như khu vực Châu Phi, Mỹ Latin, Đông Nam Á…trong đó có Việt Nam”.

Người ở tất cả lứa tuổi và hai giới đều có nguy cơ mắc bệnh ấu trùng sán dây lợn. Bệnh sán dây lợn có khả năng lây nhiễm giữa động vật và người. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu bắt nguồn từ việc ăn phải thịt lợn mang ấu trùng sán hoặc thực phẩm có nhiễm trứng sán từ phân người. Trong đó, lợn đóng vai trò là vật chủ trung gian truyền bệnh cho người.

Khai thác tiền sử dịch tễ cho thấy, bệnh nhân V. từng ăn gỏi cá, nem chua, nem nắm và ăn rau sống thường xuyên. Đây là thói quen của phần lớn người dân Việt Nam hiện nay, nhưng cũng là nguyên nhân cao dẫn đến nhiễm ấu trùng sán dây lợn.

Nguy cơ mắc bệnh sán dây lợn liên quan rất nhiều đến tập quán ăn uống, bao gồm việc ăn thịt lợn sống, nấu chưa chín (tập tục uống tiết canh, nem chua, nem chạo…) và nguồn thịt lợn này vô tình có chứa nang sán lợn. Ngoài ra, người có thói quen ăn thực phẩm chưa nấu chín, rau sống, củ quả không rửa sạch, nước chưa đun sôi sẽ có nhiều khả năng bị nhiễm trứng sán lợn.

Theo bác sĩ, chủ động phòng chống nhiễm sán dây lợn cho bản thân cũng là một cách để ngăn ngừa nhiễm sán cho người thân, gia đình và người chung sống trong cùng khu vực.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ