Nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang điều trị 2 trường hợp rất nguy kịch vì bị sốc nhiễm trùng hôn mê do nhiễm liên cầu lợn từ tiết canh.

Không ăn tiết canh để phòng nhiễm liên cầu lợn .
Không ăn tiết canh để phòng nhiễm liên cầu lợn .

Bệnh nhân N. T. H. (Mỹ Đức, Hà Nội) được đưa vào viện đêm 3/6 trong tình trạng sốt cao, đau đầu, đi ngoài phân lỏng nhiều lần, trên da mặt, đùi, cẳng chân xuất hiện các ban xuất huyết, hoại tử, suy đa phủ tạng. Trước đó, khi vào bệnh viện huyện, bệnh nhân này được chẩn đoán sốc nhiễm trùng nghi do liên cầu lợn .

Các bác sĩ đã tiến hành hồi sức tích cực, lọc máu, cho bệnh nhân thở máy nhưng tiên lượng bệnh nhân vẫn rất nặng. Theo người nhà cho biết, bệnh nhân làm nghề bán thịt lợn nên thường xuyên ăn tiết canh.

Trước đó, ngày 22/5, Bệnh viện Nhiệt đới cũng tiếp nhận bệnh nhân V. Q.M. (Hoàng Mai, Hà Nội) trong tình trạng sốc nhiễm trùng, hôn mê, trên da toàn thân có nhiều mảng xuất huyết hoại tử sau 2 ngày xuất hiện sốt. Bệnh nhân là người nghiện rượu, thường xuyên ăn lòng lợn tiết canh. Dù đã điều trị tích cực hơn nửa tháng qua nhưng hiện bệnh nhân vẫn còn trong tình trạng sốc nhiễm trùng hôn mê, phải thở máy và hồi sức tích cực. Kết quả xét nghiệm PCR dương tính với liên cầu lợn cả trong máu và dịch não tủy.

Mặc dù ngành y tế đã có nhiều khuyến cáo về bệnh liên cầu khuẩn do ăn tiết canh nhưng nhiều người vẫn chủ quan vì cho rằng ăn suốt bao nhiêu năm nhưng không bị sao. Có người lại nghĩ ăn tiết canh mà uống rượu thì chất cồn trong rượu sẽ diệt hết vi khuẩn. Đây là những suy nghĩ hết sức sai lầm.

Liên cầu lợn là bệnh lây từ lợn sang người gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mắc mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp mắc ngay từ đầu đã nặng. Bệnh có thể gây tử vong nếu điều trị muộn. Tỷ lệ tử vong khoảng 7%.

Ngoài ra, bệnh nhân tử vong là do nhiễm độc tố vi khuẩn, gây hiện tượng sốc. Có bệnh nhân chỉ qua 3 ngày đã bị sốc nhiễm khuẩn, có người phải 10 ngày mới diễn biến nặng, tùy vào cơ địa của từng người. Người từng nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại.

Thời gian ủ bệnh ngắn, chỉ từ vài giờ đến 3 ngày. Khi sốt cao (40 - 41 o C), xuất hiện các mảng xuất huyết hoại tử dưới da, tiêu chảy, cứng cổ..., có thể khó thở, người dân nên đến bệnh viện sớm, tránh nguy cơ tử vong

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu cư trú trong đường hô hấp, đường tiêu hóa... của lợn. Vì thế để phòng bệnh, người dân cần nâng cao ý thức bằng cách không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý sản phẩm sống từ lợn với tay trần, nhất là khi có vết thương ở tay. Rửa tay sạch sau khi chế biến.

Không ăn lợn bệnh, thịt lợn sống, tiết canh, nội tạng lợn chưa nấu chín và đặc biệt không ăn thịt lợn ốm, chết. Trong bất cứ trường hợp tiếp xúc với lợn ốm, chăm sóc, nuôi hoặc giết mổ, tiêu hủy thì nên có các phương tiện phòng hộ.

Theo Sức khỏe & Đời sống

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Các chiến binh Houthi cùng hệ thống 2K12 Kub.

Ác mộng với tiêm kích Mỹ

GD&TĐ - Lực lượng Ansar Allah (Houthi) ở Yemen tuyên bố đã bắn hạ một tiêm kích hạm F/A-18 của Hải quân Mỹ khi tham gia chiến dịch tấn công Houthi.