Cùng với các thành viên khác sẽ được Quốc hội bầu, phê chuẩn trong những ngày tới đây, Chính phủ mới sẽ tiếp tục đảm nhận trọng trách đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, hướng tới mục tiêu, khát vọng xây dựng đất nước trở nên giàu mạnh, hùng cường...
Điểm dễ thấy là trong nhiệm kỳ Chính phủ 2021 - 2025 sẽ có thuận lợi cơ bản đó là những thành tựu của nhiệm kỳ 2016 - 2020. Cụ thể, tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt bình quân 6,8%.
Mặc dù năm 2020 kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19 nhưng tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm 2016 - 2020 ước đạt khoảng 5,9% - thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới.
Khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tiếp tục giữ vai trò dẫn dắt, đóng góp chủ yếu vào mức tăng trưởng chung với tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 của khu vực công nghiệp, xây dựng ước đạt khoảng 7,3%; của khu vực dịch vụ đạt khoảng 6,0%. Tỷ trọng khu vực công nghiệp và dịch vụ theo giá cơ bản trong GDP tăng từ mức 73% năm 2015 lên khoảng 75,4% năm 2020.
Bên cạnh đó, quy mô GDP tiếp tục được mở rộng, đến năm 2020 ước đạt 268,4 tỷ USD, tăng khoảng 1,4 lần so với năm 2015. GDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt khoảng 2.750 USD/người, gấp khoảng 1,3 lần so với năm 2015.
Tỷ lệ tích luỹ tài sản so với GDP theo giá hiện hành ước đến năm 2020 đạt khoảng 26,7%. Các cân đối lớn của nền kinh tế như tích luỹ, tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư, năng lượng, lương thực, lao động, việc làm… tiếp tục được bảo đảm, góp phần củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô.
Nền tảng quan trọng nữa là những kết quả về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đổi mới phương thức làm việc của các cơ quan hành chính Nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; hoàn thiện thể chế, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đặc biệt, dù trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhưng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ qua đã chủ động chỉ đạo đánh giá đúng tình hình, đề ra các biện pháp đúng đắn, ứng phó kịp thời, từ đó nước ta đã cơ bản kiểm soát thành công dịch bệnh, được người dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao...
Những “dữ liệu” này là tiền đề hết sức quan trọng cho nhiệm kỳ Chính phủ mới. Và cũng bởi vậy mà trọng trách cũng sẽ nặng nề hơn.
Như khẳng định của Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phát biểu nhậm chức là trước yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhận rõ trách nhiệm của mình phải kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả đạt được. Tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới.
Để thực hiện được điều này, những “đầu việc” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu ra là xây dựng chương trình hành động nhằm cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong đó tập trung vào 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 đột phá chiến lược; tiếp tục hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế.
Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Chủ động phòng ngừa, kiên quyết, kiên trì đẩy mạnh công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực bằng thể chế, cơ chế, giải pháp mạnh mẽ, chặt chẽ, hiệu quả hơn...
Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển đất nước; đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược có trọng tâm, trọng điểm; coi trọng chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân; tạo môi trường, điều kiện thuận lợi hơn nữa để sản xuất kinh doanh phát triển; chủ động phòng chống và có giải pháp hiệu quả để khắc phục những tác động tiêu cực của thiên tai, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch Covid-19.
Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội... Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả, là thành viên có trách nhiệm và có uy tín với cộng đồng quốc tế...
Xây dựng cơ chế, chính sách, điều kiện để phát huy giá trị con người, văn hóa Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục và đào tạo; coi trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, để mỗi người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an toàn, văn minh...
Nhiệm kỳ mới, khát vọng mới! Nhưng thông điệp của nhiệm kỳ trước là quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động, hướng tới người dân, doanh nghiệp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm phục vụ sẽ không “lạc hậu”. Và những tiền đề, nền tảng mà nhiệm kỳ trước đã tạo dựng sẽ góp phần quan trọng để nhiệm kỳ Chính phủ mới đưa đất nước tiếp tục phát triển.