Hôm nay ra mắt Chính phủ mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Quốc hội phê chuẩn mới 3/5 phó thủ tướng, 18/21 bộ trưởng.

Hôm nay ra mắt Chính phủ mới

Sáng nay (9/4), Quốc hội (QH) sẽ quyết định lần cuối về nhân sự cho các vị trí trong Chính phủ (CP), sau đó bỏ phiếu kín phê chuẩn nhiều thành viên CP mới. Mặc dù vẫn là CP nhiệm kỳ QH khóa XIII (2011-2016) nhưng với đa số thành viên mới, đây có thể được coi là CP “mới”.

Ba ứng viên tân Phó thủ tướng

Trước đó, trong ngày 8/4, QH đã tiến hành các thủ tục miễn nhiệm với hai trong tổng số năm phó thủ tướng và với 18 trong tổng số 21 bộ trưởng.

Sau khi có kết quả, tân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đọc tờ trình, đề nghị QH phê chuẩn danh sách ba phó thủ tướng và 18 bộ trưởng thay cho những người đã được miễn nhiệm. Cuối buổi chiều, các đại biểu thảo luận tại đoàn về danh sách ứng viên này.

Trong ba ứng viên phó thủ tướng được trình QH phê chuẩn lần này, hai người hiện là ủy viên Bộ Chính trị và một là ủy viên Trung ương khóa XII.

Một trong hai ủy viên Bộ Chính trị là ông Trương Hòa Bình, người vừa được QH miễn nhiệm chức vụ Chánh án TAND Tối cao. Theo thông tin nắm được của chúng tôi, nếu được phê chuẩn vào vị trí phó thủ tướng, khả năng ông Trương Hòa Bình sẽ phụ trách mảng nội chính mà ông Nguyễn Xuân Phúc nắm giữ khi đảm trách cương vị này.

Vị ủy viên Bộ Chính trị thứ hai là ông Vương Đình Huệ, hiện là trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Nếu được phê chuẩn làm phó thủ tướng, khả năng ông Huệ sẽ phụ trách mảng tài chính - ngân sách của người tiền nhiệm Vũ Văn Ninh.

Còn ông Trịnh Đình Dũng, người vừa được miễn nhiệm bộ trưởng Xây dựng, khả năng là sẽ phụ trách mảng kinh tế ngành thay cho người tiền nhiệm trước đó - ông Hoàng Trung Hải.

Ba ứng viên tân Phó thủ tướng Chính phủ (từ trái qua): Ông Vương Đình Huệ, ông Trương Hòa Bình, ông Trịnh Đình Dũng. Ảnh: QH

Giữ nguyên Bộ trưởng Tiến, “lưu luyến” Bộ trưởng Vinh

Với danh sách này, trong Chính phủ mới tới đây, ngoài ông Nguyễn Xuân Phúc đã lên cương vị mới là Thủ tướng, chỉ còn bốn vị trí được giữ nguyên cho đến hết nhiệm kỳ gồm: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến.

Trong số này, bà Tiến không phải là Ủy viên Trung ương. Còn ông Phát vẫn tiếp tục là Ủy viên Trung ương nhưng đã giữ ghế tư lệnh ngành nông nghiệp hai nhiệm kỳ, mà theo quy định sẽ không thể tiếp tục.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, một số đại biểu cho biết trong các thảo luận tại đoàn, đã có ý kiến đề nghị để ông Bùi Quang Vinh tiếp tục làm Bộ trưởng KH&ĐT tới hết nhiệm kỳ và thậm chí cho rằng ông còn đủ sức khỏe, năng lực để làm thêm nhiệm kỳ mới.

Điều này cũng được phản ánh qua kết quả bỏ phiếu được công khai sau đó: Trong số 479 phiếu hợp lệ thu về có tới 76 phiếu không đồng ý miễn nhiệm với ông Vinh.

Công việc nhà nước có gián đoạn?

Ngay trước khi QH bấm nút thông qua nghị quyết miễn nhiệm 2 Phó thủ tướng và 18 Bộ trưởng, 3 đại biểu QH đã bấm nút bày tỏ sự băn khoăn khi lời văn dự thảo nghị quyết có ý: Việc miễn nhiệm có hiệu lực ngay sau khi QH thông qua.

Các đại biểu này cho rằng như vậy chưa chặt chẽ, bởi phải hôm sau QH mới bỏ phiếu phê chuẩn nhân sự thay thế. Trong khoảng thời gian đó, chả lẽ công việc nhà nước bị gián đoạn. Chưa kể nhỡ may trong số ứng viên được đưa ra có người không “quá bán” thì sao…

Trước vấn đề này, trong khi Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chưa có phản hồi thì đại biểu Trần Du Lịch đã lên tiếng. Ông khẳng định là không có gì phải lo ngại cả. Bởi trong quy trình nhân sự, còn phải qua khâu cuối cùng là Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm.

Hiến pháp và Luật Tổ chức QH đã quy định vấn đề này khá chặt chẽ. Theo đó, chỉ có các chức danh do QH bầu thì mới có giá trị ngay. Do đó, những trường hợp miễn nhiệm Chủ tịch nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, các Phó chủ tịch QH và Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH… thì nghị quyết miễn nhiệm đều phải có điều khoản nói rõ các vị này tiếp tục công việc cho đến khi QH bầu được người thay thế.

Còn các chức danh do QH phê chuẩn, như Phó thủ tướng, các Bộ trưởng… thì ngoài nghị quyết của QH về miễn nhiệm, bãi nhiệm, phê chuẩn còn phải đợi Chủ tịch nước ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

Như vậy, trong lần kiện toàn các chức danh nhà nước này, các Phó thủ tướng, Bộ trưởng đương nhiệm vẫn phải chịu trách nhiệm về công việc của mình cho đến khi Chủ tịch nước ký quyết định miễn nhiệm, đồng thời bổ nhiệm những lãnh đạo mới theo kết quả bỏ phiếu tại QH.

18 ứng viên tân bộ trưởng

- Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng, hiện là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam, thay ông Phùng Quang Thanh).

- Bộ trưởng Công an Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, hiện là Thượng tướng, Thứ trưởng, thay ông Trần Đại Quang, vừa được QH bầu làm Chủ tịch nước).

- Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân (Ủy viên Trung ương Đảng, hiện là Thứ trưởng, thay ông Nguyễn Thái Bình).

- Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, thay ông Hà Hùng Cường).

- Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, thay ông Bùi Quang Vinh).

- Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, thay ông Vũ Huy Hoàng).

- Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thay ông Đinh La Thăng).

- Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, thay ông Trịnh Đình Dũng).

- Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà (Thứ trưởng, thay ông Nguyễn Minh Quang).

- Bộ trưởng TT&TT Trương Minh Tuấn (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, thay ông Nguyễn Bắc Son).

- Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan trung ương, kế nhiệm bà Phạm Thị Hải Chuyền).

- Bộ trưởng VH-TT&DL Nguyễn Ngọc Thiện (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, kế nhiệm ông Hoàng Tuấn Anh).

- Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng, thay ông Nguyễn Quân).

- Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội, thay ông Phạm Vũ Luận).

- Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến (Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng - Phó Chủ nhiệm).

- Tổng Thanh tra CP Phan Văn Sáu (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, thay ông Huỳnh Phong Tranh).

- Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng CP Mai Tiến Dũng (Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Nam).

- Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng (Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh văn phòng Trung ương Đảng).

Theo plo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ