Nhen lên những hy vọng

GD&TĐ - Dành cả tuổi xuân gắn bó với giáo dục vùng cao, những người thầy, người cô đã chứng kiến biết bao câu chuyện xót xa khi học trò ăn không đủ no, mặc không đủ ấm.

Cô Trần Thị Dung mong các em sẽ được ăn no, mặc ấm khi đến trường.
Cô Trần Thị Dung mong các em sẽ được ăn no, mặc ấm khi đến trường.

Mỗi người một cách, họ chỉ mong học sinh của mình được no bụng, ấm áp trong mỗi ngày đến lớp. Có sức khỏe, các em thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Vượt khó để duy trì

Hơn một tháng qua, 80 em học sinh của điểm trường làng Bi Giông - Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp (xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai) có bữa ăn sáng ấm bụng nhờ tủ bánh mì 0 đồng.

Tủ bánh mì 0 đồng do thầy Vũ Văn Tùng (43 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học và THCS Đinh Núp) thực hiện vào mỗi buổi sáng thứ Hai, Tư và thứ Sáu hàng tuần. Mỗi sáng khi đến trường, các em được phát bánh mì kẹp xúc xích hoặc bánh bao để lấp đầy chiếc bụng đói.

Thầy Tùng kể: Học sinh ở đây đa phần là người Ba Na. Bố mẹ quanh năm làm nương rẫy nên ít có thời gian quan tâm đến việc ăn uống, học tập của các em. Thương học trò mang chiếc bụng đói khi đến trường, thầy Tùng đã kêu gọi bạn bè, nhà hảo tâm hỗ trợ để các em có bữa sáng đủ đầy.

“Thời gian trước đây khi chưa có tủ bánh mì 0 đồng, các em vắng học khá nhiều. Một số em tuy có đi học nhưng chỉ được nửa buổi thì đói bụng nên trốn về nhà kiếm cái ăn. Đến nay, sau hơn 1 tháng xây dựng tủ bánh, các em đến lớp đủ đầy hơn và không vắng hay trễ học như trước nữa”, thầy Tùng tâm sự.

Lo lắng nhất của thầy Tùng hiện nay là chi phí triển khai mô hình còn hạn chế. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán, vụ mùa cũng hết, bố mẹ học sinh không có việc làm nên mất đi nguồn thu nhập. Khi đó, đời sống gia đình của các em đã khó khăn lại càng cơ cực hơn. Nếu không duy trì được mô hình “Tủ bánh mì 0 đồng” thì khó giữ chân học sinh đến trường.

“Chi phí duy trì tủ bánh mì là vấn đề rất nan giải với tôi. Bởi chưa có cá nhân hay tập thể nào cam kết, hỗ trợ lâu dài cho các em. Tuy nhiên, tôi vẫn sẽ cố gắng duy trì để các em không bị đói vào mỗi sáng khi đến trường.

Gần 10 năm gắn bó với buôn làng, bản thân hiểu ngoài cái đói về vật chất thì cái đói về con chữ vẫn luôn đeo đẳng nơi miền quê nghèo heo hút này. Mình mong muốn sẽ làm được nhiều điều có ích cho nơi đây, nhất là nâng cao dân trí. Muốn vậy, các em cần phải ấm bụng mới có thể vững bước đến trường”, thầy Tùng tâm sự.

Mỗi sáng, thầy Vũ Văn Tùng phát bánh mì, bánh bao cho học trò.
Mỗi sáng, thầy Vũ Văn Tùng phát bánh mì, bánh bao cho học trò. 

Xây bếp… giữ trò

Từ ngày xã đạt chuẩn nông thôn mới, bữa cơm của học sinh điểm trường Kon Du, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú Tiểu học Măng Cành (xã Măng Cành, huyện Kon Plông, Kon Tum) chỉ toàn cơm trắng với ve sầu, nhộng đất và đường… Thương học sinh, vừa qua các nhà hảo tâm hỗ trợ hơn 100 triệu đồng. Với số tiền này, thầy cô nơi đây đã mở bếp, nấu thức ăn chia cho học trò.

“Được sự quan tâm, sẻ chia của cộng đồng, bữa ăn của học sinh giờ đây có thêm thịt, cá. Hàng ngày, các em vẫn mang cơm trắng đến trường. Gần giờ trưa, giáo viên thay phiên nhau nấu thức ăn để chia cho học sinh. Nhìn thấy bữa cơm của học trò có thêm dưỡng chất tôi vui và hạnh phúc. Được như vậy, các em mới có thêm sức khỏe để học tập”, cô Trần Thị Dung, giáo viên điểm trường tâm sự.

Tuy nhiên, cô Dung không khỏi lo lắng vì khoản tiền 100 triệu đồng mà lo cho 72 học sinh của điểm trường chỉ có thể duy trì trong một thời gian ngắn. Sau khi hết kinh phí, các em sẽ hụt hẫng và tiếp tục với những bữa cơm nhộng đất, chuột và đường…

Cô Dung tâm sự: Nhà trường cũng tính đến việc trồng rau, nuôi thêm gia súc, gia cầm để cải thiện bữa ăn cho học sinh. Tuy nhiên, toàn bộ giáo viên đi về trong ngày nên không có người trông coi, chăm sóc. Nếu gửi phụ huynh thì không được, bởi người dân nơi đây quanh năm làm nương rẫy. Có những hộ gia đình đi 2 - 3 ngày mới về nên khó có thể hỗ trợ.

“Trước mắt, chúng tôi cố gắng duy trì bữa cơm có thịt, cá cho học sinh đến hết năm học. Bên cạnh đó, tuyên truyền, vận động phụ huynh quan tâm, chăm lo tới việc học, đặc biệt là bữa cơm của con em mình. Bởi các em được ăn đủ no, có chất dinh dưỡng thì việc tiếp thu kiến thức mới tốt.

Đồng thời, chúng tôi mong rằng nhà hảo tâm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ để các em có bữa ăn đủ đầy hơn. Khi đó, sẽ không còn những bữa cơm với nhộng đất, ve sầu hay là đường nữa”, cô Dung chia sẻ.

Trồng rau, nuôi lợn để bếp luôn đỏ lửa

Đều đặn mỗi ngày, 6 giờ sáng thầy A Phiên, giáo viên điểm trường thôn Đăk Ka – Trường PTDTBT Tiểu học và THCS Tu Mơ Rông (huyện Tu Mơ Rông, Kon Tum) lại vượt hơn 7km đường đèo lởm chởm để lấy thực phẩm về nấu bữa trưa cho học trò. 8 giờ, thầy bắt tay vào sơ chế và nấu cơm. Đến 11 giờ, sau buổi học các em ngồi ngay ngắn vào bàn để thưởng thức bữa cơm trưa.

Thầy A Phiên kể: Hơn 1 năm qua, được sự quan tâm của các cấp chính quyền Trung ương và địa phương, bữa cơm của học sinh điểm trường thôn Đăk Ka có phần đủ đầy hơn. Thực hơn hàng ngày được thay đổi liên tục, hôm có thịt, trứng còn bữa thì cá, tôm… Được ăn uống đầy đủ, các em có sức khỏe học tập; tỷ lệ chuyên cần cũng được nâng cao.

Chia sẻ về chặng đường dài phía trước, thầy A Phiên nói: Nếu sau này, nguồn kinh phí hỗ trợ bữa cơm cho các em không còn, thầy và giáo viên trong trường tiếp tục trích tiền lương hàng tháng để thổi cơm nuôi học trò.

“Học sinh nơi đây còn nhiều khó khăn, cơ cực lắm. Nhiều gia đình vì thiếu thốn nên đưa con theo lên nương rẫy và không muốn cho ra lớp. Do đó, bữa cơm như món quà, động lực để giúp các em vững bước đến trường. Nếu không tiếp tục duy trì bữa cơm trưa thì học sinh sẽ ngại đến lớp. Khi đó, cũng không thể duy trì được tỷ lệ chuyên cần. Thất học và đói nghèo vì thế cứ đeo bám mãi nơi đây”, thầy Phiên bộc bạch.

Mặc dù, kinh tế gia đình cũng chỉ đủ ăn, nhưng thầy Phiên sẽ cố gắng hết sức để san sẻ với học trò. Để các em đến trường học chữ, có tương lai tươi sáng và tốt đẹp hơn, thầy sẽ nấu thêm cơm, trồng luống rau và nuôi thêm con gà, con heo để lo cho học trò nếu bếp ăn không còn đỏ lửa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà ga xe lửa ở thành phố Dnipro, một trong những trung tâm hậu cần lớn nhất của quân đội Ukraine bị tấn công tên lửa ngày 19/4/2024

Phòng không Ukraine suy yếu

GD&TĐ - Ngày 19/4/2024, Nga đã tiến hành một cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều khu vực quân sự quan trọng của lực lượng Kiev.