Bán trú nâng bước giáo dục vùng cao

GD&TĐ - Cũng như đối với nhiều địa phương khác ở nước ta có địa bàn miền núi, việc tổ chức bán trú cho HS dân tộc thiểu số ở vùng núi cao Nghệ An nhiều năm qua đã có hiệu quả tích cực, nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt là trong việc huy động trẻ đến trường. 

Bán trú nâng bước giáo dục vùng cao

Tuy nhiên, trên thực tế HS bán trú vẫn đang còn gặp rất nhiều khó khăn trong đời sống, sinh hoạt và học tập.

Tổ chức bán trú để “kéo” HS ở lại trường

Trường PTDTBT THCS Keng Đu, nằm cách trung tâm huyện Kỳ Sơn khoảng 70km, là nơi xa xôi nhất của huyện biên giới miền Tây Nghệ An. Thầy giáo Ngô Văn Tuấn, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Ở đây, các bản xa cách trường từ 10 - 15km đường chim bay, nhưng đi bộ mất nửa ngày đường.

HS đi học phải trèo đèo, lội suối, chưa kể mùa mưa, các con suối nước dâng cao nguy hiểm. Do vậy tình trạng học trò bỏ lớp xảy ra thường xuyên. Thi thoảng vẫn có trường hợp HS đột ngột bỏ học, sau đó quay lại trường nhưng không phải để đi học mà mời thầy cô dự… đám cưới của mình”.

Tuy nhiên, những năm qua, việc tổ chức bán trú cho HS đã dần dần phát huy tác dụng, góp phần kéo HS ở lại với trường với lớp. Nhà trường đã phân công giáo viên quản lý, hướng dẫn HS thực hiện theo nội quy, rèn luyện tác phong kỷ luật, sinh hoạt tập thể cho các em. Ở bán trú, thầy cô giáo còn thường xuyên kiểm tra việc học, nắm được từng hoàn cảnh và giúp đỡ các em nhiều hơn.

Trường PTDTBT THCS Huồi Tụ có tới 391 HS với 14 lớp học đang ở bán trú. Theo thầy Nguyễn Đình Hùng, Phó Hiệu trưởng nhà trường: Không chỉ có các em HS mà ngay cả bố mẹ, gia đình các em cũng rất vui mừng, yên tâm hơn khi con em mình được ở bán trú tại trường.

Từ việc ổn định sỹ số HS, chất lượng dạy học cũng được nâng lên rõ rệt. Năm học 2014 - 2015, trường có một HS giỏi đạt giải Nhì cấp tỉnh và 6 HS giỏi cấp huyện. Có 2 giáo viên đã đạt giáo viên giỏi cấp tỉnh và 11 giáo viên giỏi cấp huyện. Đó thực sự là một thành tích đáng để khâm phục đối với hành trình dạy chữ, dạy người ở Huồi Tụ.

Còn tại Trường THCS Xá Lượng, Tương Dương, Nghệ An, mặc dù không phải là trường bán trú nhưng vẫn các thầy cô vẫn tổ chức bán trú các em HS 2 bản Na Be và Hợp Thành. Đây là 2 bản người Thái khó khăn nhất xã, nhiều em đã bỏ học vì đường đến trường phải đi bộ qua rừng qua suối. Xuất phát từ đó, nhà trường vận động xã hội hóa, với sự hỗ trợ ngân sách của chính quyền địa phương, xây dựng 9 phòng bán trú, đưa vào sử dụng từ năm học 2013 - 2014.

Thầy Trần Hưng Thái, Hiệu trưởng Trường THCS Xá Lượng cho biết: Việc tổ chức bán trú cho các em đã chứng tỏ hiệu quả đối với việc học tập của các em, giảm thiểu hẳn HS bỏ học, bố mẹ các em cũng yên tâm để lao động, sản xuất. Năm học này toàn trường có 123 HS bán trú/314 HS toàn trường.

Theo chế độ của Nhà nước, mỗi em HS bán trú được hưởng 460.000 đồng/tháng và 15kg gạo/em/tháng. Nhà trường cũng chú trọng làm tốt công tác xã hội hóa, xây dựng bếp ăn, thuê cấp dưỡng nấu ăn cho các em. Bên cạnh đó, thầy và trò cũng tăng gia sản xuất, trồng thêm rau, củ để cải thiện bữa ăn.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Buổi chiều không phải đến lớp, các em HS Trường PTDTBT THCS Keng Đu lại xách dao lên rừng, tranh thủ lên núi kiếm củi, xuống suối lấy nước để sinh hoạt hằng ngày và sưởi ấm buổi đêm. Hiện nay, nhiều em vẫn phải ở trong lán tạm do phụ huynh dựng vì trường không đủ số phòng ở kiên cố.

Trường cũng chưa có kinh phí thuê cấp dưỡng, mặt khác, giá cả thực phẩm ở trên này hết sức đắt đỏ, nên chưa thực hiện được việc nấu ăn cho các em. Đa số HS bán trú của trường phải tự túc việc ăn uống, sinh hoạt.

Trường PTDTBT THCS Huồi Tụ mặc dù đã có 22 phòng bán trú khá chắc chắn, kiên cố, nhưng thầy Nguyễn Đình Hùng tâm sự: Do HS của trường nhiều, gần 400 em HS, mỗi phòng từ 13 – 14 em nên rất chật chội. Khó khăn nữa là HS thiếu thốn quần áo, chăn ấm, những ngày mùa đông, thấy các em ngủ dưới sàn nhà lạnh băng thấy thương lắm. Đó cũng là khó khăn chung ở nhiều trường học tại vùng cao này.

Đến Trường PTDTBT THCS Na Ngoi, lại có một nghịch đang xảy ra khi có nhà bán trú kiên cố nhưng hàng trăm HS vẫn đang ở trong những lán tạm bợ xung quanh trường.

Được biết, tháng 11/2015, với sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội, Tỉnh đoàn Nghệ An cùng với sự hỗ trợ 150 triệu đồng từ UBND huyện Kỳ Sơn, trường đã được xây dựng 3 dãy nhà với 13 phòng ở bán trú kiên cố. Tuy nhiên, sau khi khánh thành thì nhà trường đành phải… khóa cửa để đó vì thiếu trang thiết bị nội thất bên trong. Bên cạnh đó, hệ thống nhà vệ sinh, bể nước, nhà tắm cũng chưa có nguồn để thực hiện.

Theo thầy Nguyễn Thế Hiển - Hiệu trưởng Trường THCS Na Ngoi, chỉ tính riêng giá thành của mỗi chiếc giường tầng sau khi vận chuyển vào đến nơi khoảng 2,3 triệu đồng. Để đủ khoảng 100 giường cho 327 HS bán trú của trường, vị chi tới 230 triệu đồng. Số tiền này thực sự là ngoài khả năng của nhà trường.

Hiện, Nghệ An có 27 trường PTDTBT, bên cạnh đó còn có 67 trường có HS bán trú. Theo Thông tư 24 của Bộ GD&ĐT và Quyết định 85 của Thủ tướng Chính phủ, các trường bán trú được hỗ trợ, đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp và trang thiết bị, đồ dùng dạy học, nhà ở, bếp ăn, công trình nước sạch, nhà vệ sinh… đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và sinh hoạt cho thầy và trò. Bên cạnh đó, nhiều trường có HS bán trú, cũng đã linh hoạt tổ chức mô hình “bán trú dân nuôi”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Đạt, Phó ban GDDTMN – Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Với những nỗ lực đó, giáo dục tại các trường vùng cao của tỉnh Nghệ An những năm qua được nâng cao, giảm thiểu hẳn tình trạng HS bỏ, giảm nạn tảo hôn.

Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho tổ chức hoạt động của trường PTDTBT và sinh hoạt của HS bán trú còn gặp nhiều khó khăn. Đa số trường còn thiếu nhiều hạng mục như: Nhà nội trú, bếp ăn, hệ thống công trình nước sạch, nhà vệ sinh. Hiện ngành Giáo dục tiếp tục tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng để huy động các nguồn lực xã hội ủng hộ, hỗ trợ cho các trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ