Dailymail dẫn lời Tiến sĩ Steve Bell, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu khí tượng Nautical Almanac Office HM cho biết, nhật thực toàn phần lớn nhất trong 16 năm qua sẽ xuất hiện tại Châu Âu, Bắc Phi và Nga vào 20/3.
Hiện tượng này sẽ kéo dài 90 phút. Tại London, mặt trời sẽ bị che khuất khoảng 84%. Còn ở Glasgow, Aberdeen và Edinburgh người dân có thể theo dõi hiện tượng này khi mặt trăng che khuất tới 94% mặt trời.
Mặt trăng bắt đầu tiến sát và “ăn” mặt trời lúc 08:45 giờ GMT, đạt mức tối đa bắt đầu lúc khoảng 09:31 giờ GMT, tới 10:41 hiện tượng này sẽ kết thúc. Các nhà khoa học cho biết, khi hiện tượng này xảy ra, bóng tối sẽ che phủ toàn phần hoặc một phần trên hàng ngàn dặm vuông toàn khu vực diễn ra nhật thực.
Vào khoảng 09:36 giờ GMT, nhật thực toàn phần sẽ ở mức đỉnh điểm mặt trăng che khuất 98% mặt trời. Người dân tại khu vực tây bắc Scotland, Hebrides, Orkneys và quần đảo Shetland có thể theo dõi những hình ảnh hiếm hoi này.
Lần cuối cùng người dân Châu Âu được chứng kiến hiện tượng này là vào 11/8/1999 với kích thước tương tự.
Các nhà khoa học cho hay, thời gian diễn ra nhật thực năm 1999 đạt tối đa là 2 phút 23 giây và thời gian tối đa cho lần này sẽ lâu hơn như thế.
Tuy nhiên, theo các nhà khoa học thời gian như thế vẫn là ngắn vì trên lý thuyết, thời gian hiện tượng nhật thực đạt mức tối đa có thể tới 7 phút 31 giây.
Hiện tượng nhật thực xuất hiện khi trái đất, mặt trăng và mặt trời nằm trên cùng 1 đường thẳng
Đây là hiện tượng hiếm hoi, khi đó, mặt trăng, mặt trời và trái đất sẽ nằm trên cùng một đường thẳng và mặt trăng sẽ che hoàn toàn mặt trời.
Các nhà khoa học cho biết, phải đến năm 2026 mới lặp lại. Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng lo ngại, hiện tượng này sẽ khiến mất điện trên toàn Châu Âu, một châu lục phụ thuộc phần lớn vào năng lượng mặt trời.