Trong bối cảnh dân số Nhật Bản sẽ giảm tới gần 30 triệu người trong vòng nửa thế kỷ tới, thị trường tang lễ ở đây đang bước vào giai đoạn cực kỳ sôi động.
Trên toàn xứ sở Hoa anh đào, hoạt động chuẩn bị hậu sự đang ngày càng trở nên phổ biến. Số lượng doanh nghiệp liên quan tới kinh doanh tang lễ tăng gấp 4 lần từ năm 2000 tới năm 2013, đạt tới con số gần 2.000, RT đưa tin.
Ruriden, một nghĩa trang khác ở Tokyo, tiết kiệm khá nhiều không gian bằng cách đặt hơn 2.046 tấm bia nhỏ có hình dạng giống tượng Phật dưới cùng một mái. Những người muốn một huyệt ở dưới đất có thể thắp sáng bia mộ với những đèn LED đổi màu bằng cách sử dụng một thẻ điện tử.
Aeon, một trong những chuỗi cửa hàng lớn nhất Nhật Bản, cũng nhảy vào lĩnh vực kinh doanh tang lễ. Họ cung cấp hàng loạt dịch vụ đa dạng – từ tư vấn cách viết di chúc theo đúng quy định của luật tới giúp khách hàng chọn kích cỡ quan tài.
Tuy nhiên, Aeon cũng như các công ty khác chỉ được phép thực hiện các hoạt động phụ trong tang lễ, bởi các ngôi đền và tổ chức tôn giáo của đạo Sinto, Phật đảm nhiệm việc cử hành đám tang.
Shukatsu, hay “hành trình về cõi vĩnh hằng”, cũng trở nên phổ biến trong thời gian gần đây. Những người tham gia hành trình sẽ có ảnh dành cho đám tang, tham dự lễ tang và lễ rắc tro cốt của chính họ. Trong lễ rắc tro, người ta dùng một túi muối để thay tro.
Nhiều người già Nhật Bản muốn tự chuẩn bị cho cái chết của họ khi sức khỏe vẫn còn tốt để giảm gánh nặng cho con. Với chi phí cho mỗi “hành trình về cõi vĩnh hằng” khoảng 10.000 yên (85 USD), các công ty cung cấp dịch vụ khẳng định họ không thiếu khách hàng.
“Nhu cầu sẽ tăng do người dân đang theo xu hướng xây dựng những gia đình có mối quan hệ khăng khít và do tỷ lệ sinh giảm", Mitsuharu Nojima, nhà quản lý của một công ty du lịch, khẳng định.