Nhất quán trong thực hiện!

GD&TĐ - Ngày 8/4, UBND TP Hà Nội ban hành chính sách quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 trên địa bàn, giai đoạn 2021 - 2025.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Theo đó, thành phố đề xuất tiếp tục bán 600 biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước nhằm tạo vốn cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, công trình kiến trúc khác.

Hơn chục ngày sau, tại cuộc họp báo diễn ra chiều ngày 19/4, người phát ngôn UBND TP Hà Nội Trương Việt Dũng thông tin: Được sự đồng ý của Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội quyết định tạm dừng việc bán 600 biệt thự cũ để rà soát tổng thể, báo cáo chi tiết các cấp có thẩm quyền. Sau khi có kết quả, thành phố sẽ công bố thông tin, bao gồm cả vấn đề về quản lý quỹ nhà biệt thự còn trống, các biện pháp quản lý, bảo tồn...

Cần nhắc lại rằng, từ tháng 9/1998, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 189 cho phép TP Hà Nội được bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước. 4 tháng sau, UBND thành phố ban hành Quyết định số 70 quy định việc bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước và các công ty nhà đã tổ chức bán. Đến năm 2007, việc này được tạm dừng do Chính phủ yêu cầu Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lập đề án quản lý biệt thự.

Sau khoảng thời gian khá dài phải tạm dừng, việc thành phố quyết định tiếp tục bán các biệt thự (không thuộc diện phải bảo tồn) là hoàn toàn đúng đắn.

Bởi biệt thự cũ chủ yếu được xây dựng từ trước năm 1954, ở các vị trí “vàng”, có diện tích khá lớn trên các tuyến phố chính, thuận lợi giao thông nhưng việc quản lý, sử dụng, bảo tồn, tôn tạo quỹ biệt thự công chưa được quan tâm đúng mức dẫn đến nhiều biệt thự cũ không được bảo trì, sửa chữa thường xuyên nên xuống cấp, hư hỏng gây mất an toàn cho người sử dụng, giảm hiệu quả kinh tế khi khai thác, sử dụng, cho thuê và giá bán chưa cao.

Mặt khác, trong Chuyên đề Giải pháp đẩy mạnh công tác quản lý, sử dụng các biệt thự công được xây dựng từ trước năm 1954 do Sở Xây dựng tham mưu cho UBND thành phố ban hành cũng đã nhấn mạnh rằng, do nhiều thành phần quản lý, sở hữu, sử dụng biệt thự nên việc xác định trách nhiệm, nghĩa vụ đóng góp kinh phí để bảo trì, cải tạo, sửa chữa rất khó khăn, các hộ gia đình vẫn trông chờ vào Nhà nước, tiền thuê nhà thu được không đủ để sửa chữa, bảo trì.

Quỹ nhà biệt thự chuyên dùng do các cơ quan, đơn vị của Trung ương và thành phố quản lý, sử dụng làm trụ sở, cơ sở sản xuất kinh doanh... cũng chưa được khai thác hiệu quả theo cơ chế thị trường; chưa khai thác được các giá trị địa tô, lợi ích về đất đai thuộc sở hữu Nhà nước vào công cuộc chỉnh trang, tái thiết đô thị, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội…

Với những lý do trên, nhất là khi việc quản lý, khai thác, cho thuê, bán biệt thự thuộc sở hữu Nhà nước chưa thực sự hiệu quả và để tạo lập nguồn vốn thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tái thiết khu nội đô lịch sử đối với các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc khác thì quyết định tiếp tục bán các biệt thự cũ thuộc danh mục được bán theo đúng quy định là hợp lý.

Vấn đề còn lại là phải đánh giá đúng thực trạng, chỉ rõ được các nguyên nhân, tồn tại, hạn chế để có giải pháp hữu hiệu, khả thi, phù hợp với thực tế để nhất quán khi thực hiện, tránh tình trạng vừa cho phép xong lại tạm dừng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ