Nhật ký người vợ câm

 Tình cờ đọc được những dòng nhật ký của chị Nguyễn Ngọc Dung (Vĩnh Cửu, Đồng Nai), tim tôi thắt lại. 

Nhật ký người vợ câm

Người phụ nữ ấy không may mắn như bao người, bù lại chị được chồng yêu thương và có một đứa con kháu khỉnh. Thế nhưng để có được mái ấm đó, chị đã âm thầm hy sinh cho chồng, cho con. Ít ai biết chị đã quanh quẩn trong nỗi đau nhức nhối của mình để bảo vệ gia đình.

Nhật ký đẫm nước mắt

“Với một người bình thường, khi gặp những buồn phiền, bằng cách này hay cách khác, với người này hay người khác, họ có thể dễ dàng bày tỏ nỗi lòng của mình, sao cho vơi đi phần nào buồn tủi. Còn tôi, một người câm, một người khiếm khuyết, biết diễn tả như thế nào đây cho vơi nỗi niềm của mình? Sợ lắm những lời dèm pha, ánh mắt nghi kỵ, ngờ vực…”. Chị đã mở đầu trang nhật ký bằng những do dự, băn khoăn.

Bị câm từ thuở lọt lòng nhưng may mắn, tai Ngọc Dung vẫn còn nghe được dù chỉ một bên. Tuy bị khiếm khuyết nhưng chị được học chữ từ nhỏ. Lớn lên, chị được gia đình cho học nghề, tham gia các tổ chức, nhóm, hội dành cho người khuyết tật. Số phận mỉm cười khi chị tìm được người đàn ông của đời mình. Hai mảnh đời giống nhau, cùng trò chuyện với nhau qua ngôn ngữ của đôi bàn tay, họ nhanh chóng tìm thấy tình yêu.

Ngay từ đầu, gia đình anh đã không muốn cưới chị. Tình cờ nghe câu nói của mẹ chồng, lòng chị âm ỉ mãi nỗi đau: “Nhà có một đứa câm đã đủ muộn phiền, thêm một đứa… chắc thành nhà hoang”. Biết mẹ chồng không quý mến mình, chị luôn cố gắng. Sau ba tháng làm dâu, vợ chồng chị xin ra ở riêng. Chị có nghề may, anh có nghề hớt tóc, nhờ vậy cuộc sống hai vợ chồng tạm ổn. Nhưng vì ở cạnh nhà nên với mẹ chồng, anh chị vẫn như “hai đứa trẻ”, bà luôn để mắt và can thiệp vào đời sống của vợ chồng chị.

Cuộc sống càng thêm ngột ngạt từ khi Ngọc Dung sinh con. Mẹ chồng kiên quyết mang cháu về nuôi vì “mẹ nó câm thì biết gì mà dạy”. Chị lại muốn tự tay mình chăm sóc con. Vì không thể nói được nên mỗi lần mẹ chồng bế con về bên nhà, chị đều khóc lóc, giành lấy đứa bé. Những lần như vậy, bà thẳng tay tát vào mặt con dâu.

Những trận đòn đó, chị âm thầm ghi vào trang vở học trò, chưa tròn năm mà quyển tập đã chẳng còn chỗ trống, từng cái tát, từng lời đay nghiến, nguyền rủa của mẹ chồng, chị chồng… được chị ghi chép chi tiết. Ẩn sâu bên trong là nỗi đau của người đàn bà câm không thể bày tỏ được nỗi niềm với những người xung quanh, là tình yêu cháy bỏng của người mẹ khi bị tước đi quyền chăm sóc con. 


Càng đáng thương hơn khi nỗi đau đó, chị lại không dám bày tỏ với người đầu ấp tay gối với mình, chỉ vì “Mẹ và vợ, anh biết đứng về phía ai hay rồi sẽ tự dằn vặt chính mình. Không! Anh cũng như mình, đều chịu quá nhiều thiệt thòi trong cuộc sống. Mình đã đến bên anh, bù đắp lại thiệt thòi mà tạo hóa sắp đặt nên nguyện một mình ôm lấy những nỗi đau”.

Để được gần chồng, gần con, chị phải mỗi ngày chịu đựng sự hà khắc của gia đình chồng. Nếu không có người bạn tình cờ phát hiện quyển nhật ký, có lẽ mãi mãi sẽ không ai biết được chị đã phải sống trong những chuỗi ngày cay đắng như thế.

Mạnh dạn mở lòng

Bạn chị Dung khuyên, để thoát khỏi hoàn cảnh này, trước hết người trong cuộc phải dám đối diện. Dung có đầy đủ điều kiện để làm điều đó: quyền làm mẹ, quyền được yêu thương của một người phụ nữ với công ăn việc làm ổn định… chứng minh được năng lực giáo dục và nuôi dưỡng con của chị.

Bên cạnh đó, Dung từng có một thời tuổi trẻ năng động, có các mối quan hệ xã hội ở các hội nhóm của người khuyết tật - là những người hiểu được chị nói một cách trực tiếp - nguyện vọng của Dung sẽ được quan tâm, “cuộc chiến” của chị có tổ chức đồng hành. Và hơn hết, hãy mạnh dạn mở lòng với chồng chị. Bởi lẽ, đứa trẻ cũng là con của anh ấy. Suy nghĩ chọn ai giữa mẹ và vợ, có lẽ, do chị cả nghĩ mà nên. Đây không phải “cuộc chiến”, chỉ là hành trình Dung tự khẳng định bản thân mình, và chồng chị sẽ là người bạn đồng hành tốt nhất.

“Bạo hành gia đình luôn là rào cản cho một gia đình hạnh phúc và bất cứ thành viên nào trong gia đình cũng bị ảnh hưởng bởi điều này. Bạo hành gia đình không chỉ đơn giản là trường hợp chồng đánh vợ - mà là muôn hình vạn trạng”, người bạn nhấn mạnh. Dung nhận ra, bao lâu nay mình đã cam chịu sống trong nỗi đau. Chị bảo, sẽ mạnh dạn trao đổi với chồng để cùng nhau “đấu tranh” với mẹ, giành lại quyền được yêu thương.

Hãy tự bảo vệ mình

Theo ThS tâm lý Tô Nhi A, giảng viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM, với người có sức khỏe bình thường, phản ứng với bạo hành gia đình khó một, thì người khuyết tật khó đến mười. Khả năng tự bảo vệ mình của họ bị giảm sút nhiều vì hạn chế của năng lực thể chất. Thông thường người khuyết tật với mặc cảm về sự khác biệt, đã thường xuyên “thu mình”, chọn kiểu hành vi tự ti, lầm lũi. Từ đó, những trải nghiệm cuộc sống của họ hoặc không được chia sẻ một cách chủ động, hoặc chia sẻ “nhát gừng”. 

Do đó, những người xung quanh cần có một sự tinh tế nhất định và sự mở lòng khi tiếp xúc với họ. Xã hội thừa nhận quyền bình đẳng và tôn trọng tất cả mọi người, không ngoại trừ người khuyết tật. Người khuyết tật không nên nghĩ mình đang đơn độc. Bên cạnh họ vẫn có gia đình, có bạn bè và có những người cùng cảnh ngộ ở các hội, nhóm người khuyết tật. Vì vậy, hãy mạnh dạn, chỉ cần bạn “dám bảo vệ mình”, sẽ có người đồng hành cùng bạn.

Theo Phụ nữ Online

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ