Sáng 13/7, Ngoại trưởng Nhật Bản Motegi công bố viện trợ thêm 1 triệu liều vắc xin Astrazeneca phòng Covid-19 cho Việt Nam.
Đây là lô vắc xin thứ 4 sẽ được chuyển từ Nhật Bản về Việt Nam (đến Sân bay Tân Sơn Nhất) vào rạng sáng ngày 16/7/2021.
Như vậy, cùng với số vắc xin này, tổng số liều vắc xin phòng Covid-19 Nhật Bản viện trợ cho Việt Nam là 3 triệu liều.
Trước đó, vào ngày 16/6, Nhật Bản đã viện trợ Việt Nam gần 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 AstraZeneca. Ngày 2/7, gần 400.000 liều vắc xin trong tổng số 1 triệu liều mà Nhật Bản viện trợ cũng đã về tới Việt Nam...
Sáng 9/7, lô vắc xin AstraZeneca thứ 3 do Nhật Bản viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam đã về đến Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh).
Cho đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận 4 loại vắc xin, bao gồm vắc xin AstraZeneca (từ chương trình COVAX Facility, từ nguồn mua, cũng như 3 triệu liều do chính phủ Nhật Bản trao tặng), 2.000 liều vắc xin Sputnik V do Chính phủ Nga trao tặng, 500.000 liều VeroCell của Sinopharm do chính phủ Trung Quốc viện trợ và vào ngày 7/7 vừa qua, lô vắc xin Pfizer đầu tiên đã về đến Việt Nam với số lượng là gần 100.000 liều.
Hiện nay, việc sử dụng vắc xin Covid-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng được nhấn mạnh là biện pháp phòng chống dịch chủ động.
Việt Nam triển khai Chiến dịch tiêm phòng vắc xin Covid-19 từ tháng 7/2021 tới tháng 4/2022, tại tất cả các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tất cả các tuyến (gồm điểm tiêm chủng lưu động và cố định).
Bộ Y tế đặt mục tiêu tối thiểu 50% người từ 18 tuổi trở lên được tiêm phòng vắc xin Covid-19 trong năm 2021. Tới hết quý 1/2022, trên 70% dân số sẽ được tiêm phòng vắc xin Covid-19.