Nhật Bản: Thu hút người học đến từ châu Phi

Nhật Bản: Thu hút người học đến từ châu Phi

Sinh viên châu Phi là ưu tiên hàng đầu

Không chỉ nhiều sinh viên (SV) châu Á theo học tại các nước phương Tây, hiện nay, một số quốc gia châu Á cũng trở thành điểm đến hấp dẫn đối với SV quốc tế, bao gồm cả châu Phi.

Nhật Bản - quốc gia được biết đến là đất nước có phần lớn SV quốc tế đến từ châu Á, hiện đã bắt đầu có những chính sách tuyển dụng SV châu Phi, với mong muốn thắt chặt quan hệ ngoại giao và kinh tế, cũng như có thể cạnh tranh với các nước châu Á.

Trong nhiều năm qua, Nhật Bản đã đưa ra nhiều chiến lược nhằm tăng số lượng SV quốc tế theo học tại nước này, với trọng tâm chính là những người học đến từ châu Á. Năm 1983, chính phủ Nhật Bản tuyên bố chính sách thu hút 100.000 SV quốc tế. Mục tiêu này thành hiện thực vào năm 2003, chủ yếu là do nhu cầu cao từ các SV châu Á - những người tìm kiếm cơ hội việc làm ở Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng bắt đầu có những bước đi mới nhằm tạo ra mối liên kết với nền GDĐH châu Phi. Năm 2008, Nhật Bản đã đưa ra một kế hoạch mới với mục tiêu đạt 300.000 SV quốc tế vào năm 2020. Theo thống kê, đến tháng 5/2017, có tới 267.042 SV quốc tế đang theo học tại “đất nước Mặt trời mọc”. Tuy nhiên, chỉ có 2.230 SV (tương ứng với 0,8%) trong số này đến từ châu Phi.

Không lâu sau đó, Nhật Bản tuyên bố sẽ tăng số lượng học bổng dành cho người học đến từ châu Phi trong 5 năm tới. Tuy nhiên, theo Tổ chức Hỗ trợ SV Nhật Bản (JASSO), dù tổng số SV quốc tế tăng 13.927 người từ 2008 - 2012, thì số người học đến từ châu Phi chỉ dừng lại ở con số 90.

Khi mới bắt đầu, kế hoạch thu hút 300.000 SV quốc tế tới Nhật Bản cho thấy dấu hiệu không mấy khả quan. Năm 2013, các nhà lãnh đạo nước này quyết định sửa đổi chính sách và thống nhất rằng, châu Phi chính là khu vực được ưu tiên.

Theo đó, chính phủ Nhật Bản nhấn mạnh, việc tuyển sinh đến từ châu Phi có ý nghĩa quan trọng đối với lợi ích quốc gia, không chỉ ở lĩnh vực kinh tế, tài nguyên, mà còn cả kinh doanh.

Tại TICAD lần thứ 5 được tổ chức vào năm 2013, Thủ tướng Abe đã tuyên bố Sáng kiến ABE, bao gồm một chương trình 5 năm cung cấp học bổng toàn phần và cơ hội thực tập tại các công ty Nhật Bản cho 1.000 người trẻ châu Phi.

Bộ Ngoại giao Nhật Bản nhấn mạnh, mục tiêu của chương trình là phát triển nguồn nhân lực công nghiệp tiên tiến có thể điều hành các doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động tại châu Phi. Năm 2019, tại TICAD 7, quy mô của chương trình đã được mở rộng để trở thành Sáng kiến ABE 3.0.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Các chuyên gia Jun Kawaguchi, Akane Sakuma và một số đồng nghiệp đã tiến hành nghiên cứu, chú trọng vào SV châu Phi tại các trường ĐH Nhật Bản. Kết quả cho thấy, học vị (chuyên ngành của GS, khả năng và danh tiếng của GS, công trình nghiên cứu được công bố bởi trong các tổ chức học thuật) không phải những yếu tố được các SV châu Phi xem xét trong quá trình chọn trường ĐH tại Nhật Bản.

Thay vào đó, họ đưa ra lựa chọn thông qua việc cân nhắc các chỉ số quốc tế, bảng xếp hạng và đánh giá từ phương tiện truyền thông.

Mặc dù, các chương trình tiếng Anh tại những tổ chức GDĐH Nhật Bản đang ngày càng nhiều hơn, nhưng một số thông tin vẫn chưa được truyền đạt bằng tiếng Anh. Không giống như nhiều SV châu Á đã học tiếng Nhật, hầu hết người học đến từ châu Phi không có kỹ năng ngôn ngữ nước bạn và do đó gặp khó khăn khi tìm kiếm các trường ĐH.

Chính vì vậy, việc những người này sử dụng bảng xếp hạng và phương tiện truyền thông làm phương pháp chính để lựa chọn trường ĐH tại Nhật Bản được cho là điều hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, khi chọn một điểm đến để du học, việc chỉ dựa vào bảng xếp hạng có nghĩa là SV thường thiếu những thông tin cần thiết liên quan đến môi trường học tập thực tế tại các tổ chức GD này.

Kết quả từ nghiên cứu của chuyên gia Kawaguchi cũng cho thấy, bên cạnh một số SV châu Phi có thái độ tích cực và hy vọng sẽ trở về đóng góp cho quê hương họ, có không ít người học khác muốn ở lại làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản.

Tuy nhiên, theo Bộ GD, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, dù có khoảng 60% SV quốc tế tìm kiếm việc làm tại nước này, nhưng chỉ có 30% việc làm được bảo đảm. Theo các chuyên gia, những khó khăn chính mà SV châu Phi thường gặp khi tìm việc là rào cản ngôn ngữ và phong tục của Nhật Bản.

Nhiều người học châu Phi cũng cho biết không có đủ thông tin về việc làm dành cho SV quốc tế; đồng thời nhận định, các trường ĐH Nhật Bản chưa thực sự có nhiều biện pháp hỗ trợ tìm kiếm việc làm cho người học quốc tế.

Các chuyên gia GD cho rằng, hầu hết SV châu Phi đều hài lòng với cuộc sống học tập tại Nhật Bản và có động lực đóng góp cho sự phát triển trong tương lai của “xứ Phù Tang”. Tuy nhiên, các tổ chức GDĐH Nhật Bản được cho là chưa thực sự dành nhiều mối quan tâm đến sự nghiệp của SV châu Phi sau khi tốt nghiệp.

Theo University World News

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ