Các học giả cho rằng, nó sẽ tăng cường sự quản lý từ trên xuống đối với các trường ĐH và làm xói mòn quyền tự chủ và tự do trong GD ĐH.
Giảm hay tăng quyền tự chủ?
Hạ viện Nhật Bản đã thông qua sửa đổi này trong tháng 4 vừa qua để tăng cường vai trò của kiểm toán viên trong các trường ĐH của quốc gia. Một quan chức tại Bộ GD, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản cho biết, việc sửa đổi này là một phần trong cải cách của chính phủ nhằm thúc đẩy quyền tự chủ của các trường ĐH. Ông Yuki Shigeta của Bộ cho biết “sửa đổi mới này nhằm mục đích tăng sự tự quản trong trường ĐH thông qua việc mở rộng vai trò của kiểm toán viên”.
Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục lại nghĩ khác. Họ cho rằng, tuy kiểm toán viên được chỉ định để giám sát hiệu trưởng của các trường ĐH, nhưng điều trớ trêu là theo luật hiện hành, vị trí này có sự tham vấn của hiệu trưởng – người cũng được Bộ GD phê duyệt bổ nhiệm. Do đó, việc sửa đổi có thể thúc đẩy sự can thiệp chính thức vào các trường ĐH.
“Việc sửa đổi đã củng cố quy trình bổ nhiệm gây tranh cãi về việc chỉ định một kiểm toán viên do chính phủ lựa chọn một phần” - Giáo sư xã hội học Shun Ishihara của ĐH Meiji Gakuin giải thích - “không có gì bảo đảm sự độc lập từ một kiểm soát viên được cho là sẽ kiểm soát hiệu trưởng một trường ĐH”.
Ông Ishihara phản đối việc sửa đổi này. Trong bài phát biểu trước Hạ viện, ông nhấn mạnh Điều 23 trong Hiến pháp sau chiến tranh Nhật Bản, theo đó bảo vệ quyền tự do học thuật và lưu ý các bước nhằm để hạn chế quyền tự chủ này phải được dừng lại.
Nhóm Các học giả tìm kiếm sự phục hồi của sự tự quản của trường ĐH đã được thành lập nhằm chống lại những cải cách đáng lo ngại được đưa ra. Ý kiến từ các thành viên trên trên trang web của họ đã báo cáo về những sách nhiễu và những biện pháp kỷ luật từ các cơ quan quản lý trường ĐH. Điều này liên quan đến sự can thiệp của các quan chức trong chính sách quản lý.
Từ tháng 3 đến nay, bản kiến nghị của họ phản đối hệ thống bầu hiệu trưởng các trường ĐH đã có gần 3.000 chữ ký.
Cần các cuộc cải cách
Cựu Thủ tướng Shinzo Abe từ lâu đã lập luận về cải cách GD ĐH nhằm đối phó với sự suy giảm nguồn lực quốc gia cho nghiên cứu và đáp ứng những thách thức toàn cầu khiến các trường ĐH Nhật Bản tụt hạng trên thế giới. Ông đã thúc đẩy một chương trình nghị sự về đổi mới khoa học và quốc tế hóa, coi đây là ưu tiên trong GD ĐH Nhật Bản. Đặc biệt, ông bác bỏ việc tăng cường tài chính cho ngành khoa học nhân văn và nghệ thuật tự do.
Hiệp hội Các trường ĐH quốc gia Nhật Bản cho rằng, cần có những cải cách để kích thích GD ĐH trong bối cảnh số lượng thanh niên ngày càng giảm và nợ quốc gia cao. Nhật Bản có tỷ lệ nợ quốc gia 151% tổng sản phẩm quốc nội, cao nhất trong số các nước công nghiệp phát triển. Các sửa đổi và luật mới nhằm làm cho các trường ĐH ít phụ thuộc hơn vào trợ cấp của chính phủ và cạnh tranh hơn đối với các quỹ nghiên cứu sẽ thúc đẩy sự đổi mới.
Nhật Bản cũng có ngân sách thấp nhất trong số các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dành cho GD khi chi 3,4% doanh thu quốc gia cho GD so với mức trung bình của OECD là 4,5%.
Trong bối cảnh đó, chính quyền cựu Thủ tướng Abe đã ban hành một đạo luật về GD ĐH năm 2004, sau đó là bản sửa đổi năm 2015, bề ngoài nhằm mục đích biến các cơ sở công lập thành các thực thể tự quản. Tuy nhiên, các chuyên gia coi đây là điểm mốc trong việc thúc đẩy quyền tự chủ thông qua những thay đổi do chính phủ dẫn dắt trong quản lý trường ĐH.
Những thay đổi về lựa chọn hiệu trưởng
Một biện pháp quan trọng trong chiến lược tự chủ trên là việc thông qua một ủy ban tuyển chọn có thẩm quyền bổ nhiệm hiệu trưởng các trường ĐH. Lần đầu tiên kể từ khi luật được thông qua vào năm 2004, ủy ban này sẽ lựa chọn lãnh đạo trường ĐH bao gồm người ngoài ngành như cựu quan chức và doanh nhân cùng các học giả trong trường ĐH.
Giáo sư Shigeru Mitsumoto - một chuyên gia về quản trị và cải cách trường ĐH tại ĐH Hokkaido, coi luật năm 2004 và sửa đổi năm 2015 khiến tính tự chủ của các trường ĐH bị suy yếu. “Tôi không phản đối việc áp dụng những cải cách cần thiết để đối phó với những vấn đề lớn mà các trường ĐH Nhật Bản phải đối mặt, nhưng các chính trị gia không thể ép buộc các giải pháp thiển cận bằng cách làm suy yếu đáng kể tính tự quản của các trường ĐH” – ông nói.
Hiệp hội Các trường ĐH đại diện cho gần 100 trường ĐH quốc gia và tư thục phản đối lập ủy ban bầu ra hiệu trưởng. Trong một tuyên bố công khai vào ngày 14/4 , họ chỉ ra hệ thống này dẫn đến các cuộc tuyển chọn gây tranh cãi và chia rẽ trong việc quản lý trường ĐH.
Giáo sư Yoichiro Miyamoto từng giảng dạy văn học Mỹ tại ĐH Mở Nhật Bản đã rời trường sau 23 năm làm việc. Theo ông, việc tạo sự thay đổi sáng tạo trong trường ĐH rất khó khăn.
“Một trong những bài học quan trọng nhất là phải tăng cường đối thoại giữa quản lý và giảng viên. Cải cách là kết quả của cuộc thảo luận liên tục giữa tất cả các bên liên quan của trường ĐH và bao gồm cả sinh viên. Ngành giáo dục cần đánh giá chiến lược cải cách đang diễn ra của mình và cảnh báo hệ thống quản trị từ trên xuống hiện tại sẽ làm tăng sự nghờ vực giữa giảng viên và chính phủ” - Giáo sư Yoichiro Miyamoto nói.