Các em chỉ được mua máy tính bảng nằm trong ngưỡng giá khoảng 60.000 - 70.000 yên (12,6 - 14,7 triệu VND).
Không ít phụ huynh, học sinh đã bày tỏ thất vọng xen lẫn tức giận trước áp lực mới lên tài chính gia đình. Một độc giả giấu tên của tờ báo Kyoto Shimbun cho biết: “Chúng tôi cảm thấy rất tức giận. Liệu ai sẽ bỏ tiền cho một chiếc máy tính bảng sau những tác động khủng khiếp lên kinh tế do Covid-19 mang lại?”.
Một phụ huynh khác cho biết chỉ riêng các khoản thu đầu năm học cho đồng phục, sách giáo khoa, balo, vé xe bus đã tiêu tốn 200.000 - 300.000 yên. Người này đặt câu hỏi tại sao học sinh bắt buộc phải sở hữu riêng một máy tính bảng, không được dùng chung với gia đình hoặc mua máy mới có giá không quá 20.000 yên.
Số khác cũng cho rằng ngoài không đủ tiền mua máy tính bảng, nhiều gia đình không có WiFi hay đường truyền Internet. Chính sách mới của tỉnh Kyoto có thể gia tăng khoảng cách học tập giữa học sinh và khoảng cách giàu nghèo trong xã hội.
Chính phủ Nhật Bản đã ban hành quy định yêu cầu mỗi học sinh phổ thông phải được trang bị một thiết bị điện tử như máy tính bảng, máy tính xách tay.
Quỹ ngân sách quốc gia sẽ tài trợ thiết bị cho học sinh tiểu học, THCS. Tuy nhiên, cấp THPT không nằm trong chương trình giáo dục bắt buộc tại Nhật Bản nên học sinh phải tự mua.
Một số địa phương có thể mua thay học sinh nhờ nguồn công quỹ. Theo khảo sát của Bộ Giáo dục Nhật Bản, chỉ 12 quận sẽ tài trợ thiết bị công nghệ cho học sinh và 15 quận yêu cầu gia đình các em tự chi trả nhưng có chính sách khác nhau.
Trong năm học 2021, năm trường THPT tại Kyoto đã yêu cầu học sinh lớp 10 trang bị thiết bị học tập gồm iPad 10,2inch Gen8 32 GB (35.000 yên), bàn phím và ốp (8,470 yên), phí đăng ký và cài đặt (4,400 yên), phí bảo hành 1 năm (6,300 yên) và bút cảm ứng (8,690 yên).
Như vậy, học sinh trúng tuyển vào trường phải chi khoảng 68.000 yên để mua thiết bị học. Chưa kể đến những khoản thu đầu năm học cũng gần bằng chi phí mua máy tính bảng.
Trước phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh, học sinh, Ủy ban Giáo dục tỉnh Kyoto cho biết đang cân nhắc cho phép các hộ gia đình thu nhập thấp thuê máy tính bảng hoặc vay tiền không lãi suất.
Đại diện ngành Giáo dục tỉnh Kyoto khẳng định máy tính bảng là công cụ học tập quan trọng và không thể thiếu đối với học sinh THPT trong năm nay và nhiều năm tiếp theo.
Với học sinh lớp 10, các em có thể lưu trữ, hệ thống hoá chương trình học 3 năm chỉ trong một thiết bị cầm tay. Máy tính bảng cũng tích hợp nhiều sản phẩm công nghệ giáo dục khác như từ điển điện tử, máy tính bỏ túi, giúp học sinh tiết kiệm các khoản phí dành cho những thiết bị này.
Hơn nữa, với tình hình dịch bệnh như hiện tại, học sinh THPT tại Nhật Bản sẽ tiếp tục học từ xa nên thiết bị công nghệ là không thể thiếu.
Trái với tỉnh Kyoto, Ủy ban Giáo dục tỉnh Hiroshima đã ban hành quy định phân bổ hoặc hỗ trợ chi phí mua thiết bị công nghệ cho học sinh THPT đến từ gia đình thu nhập thấp. Dự kiến, khoảng 2.700 gia đình trong tỉnh được hưởng chính sách hỗ trợ.
Ủy ban Giáo dục thủ đô Tokyo cũng yêu cầu các gia đình tự trang bị máy tính bảng cho học sinh THPT. Tuy nhiên, gia đình có thể lựa chọn sản phẩm với mẫu mã, giá thành khác nhau tuỳ thuộc vào khả năng tài chính.