Nhật Bản dùng công nghệ AI để phân tích các vụ bắt nạt học đường

Thành phố Otsu tại Nhật Bản sẽ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích 9.000 vụ bắt nạt tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn trong 6 năm qua để xác định những dạng bắt nạt học đường chủ yếu.

Nhật Bản dùng công nghệ AI để phân tích các vụ bắt nạt học đường

Mới đây, thành phố Otsu (miền Tây Nhật Bản) đã công bố kế hoạch sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để dự đoán mức độ nghiêm trọng của các vụ bắt nạt học đường.

Đây cũng là lần đầu tiên một thành phố tại Nhật Bản sử dụng công nghệ AI để thực hiện phân tích như vậy.

Tình trạng bắt nạt học đường tại Nhật Bản hiện đang ở mức báo động với 410.000 vụ việc ghi nhận trong năm 2017.

“Qua việc phân tích số liệu từ các sự kiện trong quá khứ nhờ công nghệ AI, chúng ta sẽ có thể ứng phó tốt hơn với các vụ việc trong tương lai thay vì chỉ dựa vào kinh nghiệm của các giáo viên”, Thị trưởng thành phố Otsu - Naomi Koshi phát biểu.

Việc phân tích dựa trên công nghệ AI dự kiến sẽ được bắt đầu từ tháng 4/2019. Công nghệ này sẽ được sử dụng để phân tích 9.000 vụ bắt nạt hoặc nghi ngờ có hành động bắt nạt được ghi nhận tại các trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn thành phố trong 6 năm qua, tính tới năm 2018.

Công nghệ sẽ phân tích giới tính và bậc lớp học của các nạn nhân và kẻ bắt nạt cũng như thời gian, địa điểm nơi các vụ việc xảy ra. Những yếu tố khác như việc nghỉ học trên lớp hoặc thành tích học tập cũng sẽ được xem xét. Kết quả sẽ được tổng hợp thành báo cáo để các giáo viên có thể sử dụng và cũng được thảo luận trong các seminar tập huấn giáo viên.

Các dữ liệu thống kê được hy vọng sẽ giúp giới chức địa phương và các giáo viên nhận dạng các dạng bắt nạt học đường có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng và cần sự quan tâm đặc biệt.

“Bắt nạt học đường có thể bắt đầu từ những va chạm nhỏ trong mối quan hệ giữa học sinh nhưng dần dà, tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Do đó, việc nhận biết những vụ việc nào có xu hướng trở nên nghiêm trọng là vô cùng cần thiết”, một quan chức giáo dục thành phố Otsu cho hay.

Trước đó, Sở giáo dục thành phố Otsu từng hứng chịu chỉ trích trong quá trình xử lý một vụ việc liên quan tới cái chết của một học sinh trung học 13 tuổi – người đã tự tử bằng cách nhảy lầu vào năm 2011.

Ban đầu, Sở Giáo dục thành phố Otsu không tìm thấy mối liên quan nào giữa việc tự tử của em học sinh với việc bị bắt nạt. Tuy nhiên sau đó một số học sinh đã trả lời trong bản khảo sát tại trường rằng nạn nhân đã được yêu cầu tự sát.

Một ủy ban độc lập do chính quyền thành phố Otsu lập ra đã kết luận vụ tự tử có liên quan tới nạn bắt nạt trong một báo cáo vào năm 2013.

Vụ việc đã khiến chính quyền Nhật Bản phải ban hành đạo luật yêu cầu các trường học có những hướng dẫn để ngăn chặn bắt nạt học đường. Tại thành phố Otsu, các trường học được yêu cầu báo cáo tất cả các vụ việc nghi ngờ bắt nạt học đường tới Sở Giáo dục trong vòng 24 giờ.

Chỉ riêng năm 2017, các trường tiểu học, trung học cơ sở và phổ thông tại Nhật Bản ghi nhận hơn 410.000 vụ bắt nạt học đường. Theo số liệu của Bộ Giáo dục nước này, 10 trong số 250 trường hợp học sinh tự tử đã từng bị bắt nạt tại trường.

Theo Dantri.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.