(GD&TĐ) – Hôm nay (15.3), Thủ tướng Nhật Naoto Kan cho biết mức phóng xạ đã trở nên khá cao quanh khu vực nhà máy điện hạt nhân bị ảnh hưởng của động đất sau khi xảy ra vụ nổ khí hydrogen tại đây và có nguy cơ cao phóng xạ nhiễm vào không khí.
Trong một bài phát biểu trên truyền hình, thủ tướng Nhật thúc giục người dân ở trong vòng bán kính 30km của nhà máy điện hạt nhân (nằm cách Tokyo 220km về phía bắc) hãy ở trong nhà, không ra lấy quần áo phơi bên ngoài, tắt máy điều hòa, tránh tiếp xúc với các chất phóng xạ có trong không khí.
Một nhân viên an ninh mặc đồ bảo hộ giúp đỡ người dân tiến hành kiểm tra phóng xạ tại Koriyama, Nhật Bản |
“Lo lắng vẫn còn nhưng tôi hy vọng sẽ đi đầu trong việc khắc phục cuộc khủng hoảng này. Tôi sẽ dùng tất cả các biện pháp có thể để sự tàn phá không lan rộng” – ông Kan nói và kêu gọi người dân cả nước “giữ bình tĩnh”.
Bài phát biểu trên của ông Kan diễn ra sau khi lò phản ứng số 2 của nhà máy điện Fukushima nổ sáng nay. Thủ tướng khẳng định mức phóng xạ đã tăng lên đáng kể từ khi vụ nổ xảy ra và nguy cơ rò phóng xạ càng tăng lên.
Mức phóng xạ theo sau vụ nổ mới nhất đã vượt quá mức cho phép và đạt tới 965,5 micro sievert/1 giờ vào 7 giờ sáng nay. Sau đó nhảy lên mức 8.217 micro sievert vào lúc 8:31 sáng – Cơ quan an toàn hạt nhân của chính phủ Nhật cho biết. Đây là mức cao hơn 8 lần so với mức 1.000 micro sievert mà con người có thể tiếp xúc một cách an toàn trong một năm.
Mức phóng xạ đo được 400 millisievert gần lò phản ứng số 3 và 100 milisievert gần lò số 4 của nhà máy điện hạt nhân Fukushima vào trưa nay – đài NHK cho biết.
Truyền thông địa phương cho biết phóng xạ đã cao hơn 9 lần so với mức thông thường đã được phát hiện ở quận Kanagawa, Tokyo.
Nỗi lo lắng tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima càng tăng lên khi lò hạt nhân số 4 bị cháy. Tuy nhiên, cơ quan an toàn hạt nhân Nhật Bản nói rằng đám cháy đã được kiểm soát và ảnh hưởng của nó đang được điều tra.
Chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA cũng như Mỹ hỗ trợ xử lý cuộc khủng hoảng hạt nhân.
Các chuyên gia hạt nhân quốc tế cũng đang theo dõi tình hình ở Nhật Bản, Mỹ và Anh đã cho chuyên gia đến hiện trường để giúp các nhà chức trách địa phương đối phó với tình hình đang căng thẳng.
Hà Châu (Theo Xinhua)