Cô gái nọ mặc áo dài Việt Nam nhưng không mặc … quần dài, rồi quay clip, đẩy lên mạng xã hội.
Trong suy nghĩ của nhiều người Việt Nam, hễ nói đến Hội An là nghĩ ngay đến sự kín đáo, văn minh lịch sự nên khi xem clip phản cảm như trên, nhiều người rất bất bình, yêu cầu nhà chức trách phải có chế tài để phạt nặng những trường hợp như vậy.
Trên một vài diễn đàn, đa số đều chê trách cô gái nọ nhưng cũng có vài ý kiến nói ngược lại: “Cô ta đâu có vi phạm pháp luật mà phạt người ta?”. Ý nói pháp luật Việt Nam không đề cập đến việc mặc áo dài thì phải mặc quần dài! Mà cái gì không có trong luật thì không thể nói họ vi phạm pháp luật. Nói như vậy là nói lấy được.
Bất cứ quốc gia nào, bên cạnh luật pháp còn có “lệ” nữa. Những quy ước đạo đức đã song hành với mỗi dân tộc từ ngàn đời nhưng có những điều không cứ gì phải đưa vào luật nhưng ai cũng tự hiểu đó là những điều mà công dân không được vi phạm.
Việt Nam có câu tục ngữ : “Nhập gia tùy tục” là nói đến “lệ” đấy. Vì vậy, đừng “cãi cùn” khi nói đến sự “hợp pháp” của cô gái khi bày hớ hênh quần lót trước bao cặp mắt ở một di sản văn hóa mà đi bất cứ chỗ nào cũng gặp chùa chiền, miếu mạo đầy tôn nghiêm như Hội An.
Những phụ nữ Việt Nam đi chùa ở Hội An, họ vô cùng cẩn trọng chọn trang phục trước khi đảnh lễ. Mặc áo dài đi lễ chùa nhưng chỉ cần quần dài mà “mỏng mảnh”, gợi cảm một chút là coi như đã chạm đến lằn ranh đỏ của đạo đức rồi, phải thay trang phục khác ngay.
Đối với cô gái là du khách người Malaysia này, có thể là cô ta không biết những quy ước đạo đức bên trong của người Việt, song ăn mặc như vậy thì bất cứ một quốc gia nào cũng thấy không hợp khi xuất hiện trước đám đông, ở đây là “đám đông xem clip”.
Nếu yêu cầu nhà chức trách Hội An ra các quy định nghiêm cấm du khách những điều không nên khi đến tham quan thành phố này thì cũng sẽ có ngay, thậm chí cũng đã có những quy định dành cho khách tham quan được ban hành từ lâu.
Tuy nhiên, vì là thành phố du lịch, sự mềm mại, uyển chuyển trong ứng xử với khách, nhất là khách nước ngoài là điều quan trọng hơn là chế tài xử phạt. Giải thích để du khách nước ngoài hiểu về văn hóa của người Việt, nhất là khi đến phố cổ Hội An, vẫn là cách mà ngành du lịch cũng như chính quyền nên làm, trừ những trường hợp vi phạm pháp luật nghiêm trọng thì phải xử lý nghiêm.
Để không lặp lại trường hợp “mặc áo dài mà không mặc quần dài” như vừa đề cập, có lẽ phải bắt đầu từ những hướng dẫn viên hơn là các cấp chính quyền. Ví dụ như người chèo thuyền trên sông Hoài hôm đó nói với cô du khách kia rằng, “cô ăn mặc như vậy là không được khi đến Hội An. Cô nên… mặc thêm chiếc quần dài kẻo chúng tôi bị phạt” thì chắc chắn cô gái kia sẽ không có cái clip ồn ào mấy ngày qua.
Kiên trì giải thích và thuyết phục du khách để đạt được điều mình cần, đó mới là “du lịch thân thiện” chứ không phải lấy chuyện phạt như một giải pháp duy nhất đối với du khách ăn mặc phản cảm.